Đạo diễn Việt Tú: 'MV của năm' - thức thời & cập nhật

24/03/2016 07:16 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến

(Thethaovanhoa.vn) - Năm nay, Giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 11 ghi nhận thêm một hạng mục mới: MV(Music Video). Sự ghi nhận này phán  ánh về sự thịnh hành của hình thức phát hành âm nhạc hiện nay từ CD, album online đến MV.

>> Chuyên trang Giải Âm nhạc Cống hiến

Với “con mắt” của người làm nghề lâu năm, đạo diễn Việt Tú cho rằng đây là sự ghi nhận hơi muộn của giải thưởng. Chia sẻ của anh trong cuộc trò chuyện dưới đây sẽ cho thấy rõ điều này !

* Theo anh, việc nở rộ xu hướng MV hiện nay, ra đời bởi những yếu tố nào trong đời sống nhạc Việt?

- Chúng ta có một thị trường âm nhạc phát triển ngược về quy trình so với khu vực và thế giới, việc nở rộ xu hướng làm MV như hiện nay bắt nguồn đầu tiên là xu hướng của thế giới nói chung, chúng ta bắt buộc phải theo, thứ nữa là yếu tố mặt bằng công nghệ, đây mới là yếu tố quyết định sự nở rộ MV của nhạc Việt ở thời điểm hiện tại.

Trước đây có nằm mơ chúng ta cũng không thể tưởng tượng một ngày nào đó, chỉ bằng một chiếc máy ảnh với giá thành không quá đắt, một ekip không quá cồng kềnh chúng ta đã có thể sản xuất ra một MV “tươm tất”. Nếu không "thơm, ngon, bổ rẻ...." thì không thể phù hợp với thị trường chúng ta, vì chúng ta chỉ có khả năng phát triển theo cách đó (ít nhất cho đến thời điểm hiện tại).


Đạo diễn Việt Tú trong vai trò Nhà sản xuất đang làm việc với đạo diễn trẻ Triệu Quang Huy sản xuất MV "Habanera" tại Nhà Hát Lớn Hải Phòng
ảnh

* Vậy khi chịu tác động bởi những yếu tố đó, thì khả năng phát triển, duy trì, bão hòa… của MV sẽ diễn ra như thế nào?

- Nếu trước đây, những năm 1980 - 2005 là thời hoàng kim của những MV thuộc dạng "khủng long bạo chúa" được đầu tư tiền tấn và đó cũng là thời điểm những đạo diễn MV được coi như những ông hoàng bà chúa thì thực tế, nền công nghiệp sản xuất MV trên thế giới đã bị bão hoà trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây,  

Ở thời điểm hiện tại nếu xu hướng sản xuất MV của thế giới có trở lại "ấm áp" hơn có lẽ cũng chính nhờ yếu tố công nghệ giá rẻ mà tôi đã nêu trên. Mọi thiết bị sản xuất đang được đưa về mức dễ chịu nhất, hiện tại trừ thị trường Hàn Quốc, ít thị trường nào vẫn còn mặn mà với dạng MV được đầu tư tiền bạc kiểu bom tấn.

Việt Nam chúng ta thì đang được hưởng lợi nhờ yếu tố công nghệ (máy móc, phần mềm, hậu kỳ….) để có thể tạo ra những MV với giá sản xuất dễ chịu mà vẫn tươm tất. Việc thời điểm đến bao giờ sẽ là bão hoà của việc sản xuất MV online chúng ta sẽ dựa vào nền công nghiệp âm nhạc thế giới đến khi nào họ nghĩ ra được những phương thức sản xuất và phát hành khác thì chúng ta sẽ đi sau đó một vài năm.

* Với anh, tiêu chí nào dành cho một MV chất lượng? Những MV hiện nay, nếu xét trên tiêu chí đó, đạt hiệu quả bao nhiêu %?

- Một MV chất lượng đầu tiên phải là một MV có phần âm nhạc chất lượng, phần hình ảnh mang bản sắc của hai đối tượng: ca sĩ và đạo diễn, hãy xem lại những MV của Madonna, Bjork, Michael Jackson.... bạn sẽ hiểu những điều tôi nói.

Tiếp đó bất luận mức đầu tư là bao nhiêu tiền (rẻ hay đắt không quan trọng) nhưng nó phải làm người xem  ghi nhớ, hãy xem lại MV You've come a long way baby của Fat Boy Slim hay Around the world của Daft Funk, hay it's Oh so quiet của Bjork.... hoặc quái một chút là Praise You cũng của Fat Boy Slim bạn sẽ chia sẻ với tôi quan điểm rằng không nhất thiết phải nhiều tiền mới có thể tạo ra những MV được ghi nhớ.

Thời gian gần đây có một vài MV sau của thị trường nội địa làm tôi nhớ và ấn tượng như On and On (Phương Vy), Ăn gì đây (Mr.T và Hoà Minzy), Mona lisa (Văn Mai Hương).

* Năm nay, Giải Âm nhạc Cống hiến đưa vào hạng mục MV. Theo anh, là “sớm” hay “muộn” khi ghi nhận hoạt động này?

- Tôi cho rằng hơi muộn, thế hệ đạo diễn chúng tôi đã rất may mắn khi có một sân chơi nghề nghiệp ý nghĩa là chương trình VTV Bài hát tôi yêu từ những năm 2003, 2004. Tuy nhiên, với sự trở lại của thị trường sản xuất MV ca nhạc của thị trường nhạc Việt ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng việc bổ sung giải thưởng Cống hiến dành cho MV của năm là một sự rất thức thời và cập nhật của một giải thưởng mang tính hàn lâm cao như Cống hiến.

Đây là một giải thưởng ý nghĩa cho giới sản xuất MV và là sự động viên dành cho các nghệ sĩ đã đầu tư rất nhiều tâm huyết cho không chỉ phần âm nhạc mà còn là phần ngôn ngữ hình ảnh cho các tác phẩm âm nhạc của mình.

*  Có ý kiến cho rằng, thước đo giá trị của một ca sĩ vẫn được đánh giá ở các CD chứ không phải ở MV hay album online. Quan điểm của anh?

- Bản chất nguyên bản của âm nhạc thì cần phải được đánh giá đầu tiên cho âm nhạc. CD hay Music online chỉ là công cụ về mặt kỹ thuật phát hành, những MV chỉ vô giá trị khi không mang trong mình thông điệp âm nhạc của nghệ sĩ được hình ảnh hoá.

Trong lịch sử âm nhạc thế giới ghi nhận vô số các MV đã trở nên bất tử trong lòng người hâm mộ, vì vậy cần phải khẳng định lại một lần nữa, MV không chỉ là một nền công nghiệp mà còn là một nền văn hoá, là tổng hợp của các dạng thức khác nhau của nghệ thuật, những MV đích thực sẽ luôn được ghi nhận và nhớ mãi.

*  Và cũng với Giải Âm nhạc Cống hiến, có ý kiến cho rằng, việc đưa hạng mục MV vào là không cần thiết so với thiếu vắng ở hạng mục nhà sản xuất. Bởi đây mới chính là “nguồn cơn” sự ra đời của các chương trình, thậm chí chuỗi chương trình hay ngay cả với các MV cũng không thể thiếu các nhà sản xuất. Còn ý anh?

Tôi cho rằng việc bổ sung hạng mục Cống hiến dành cho Nhà sản xuất là vô cùng cần thiết, nhưng nếu chỉ vì chưa có hạng mục này mà nói sự có mặt của hạng mục MV là không cần thiết thì cũng không công bằng với giới làm nghề ở lĩnh vực đó!

* Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Đạo diễn Việt Tú đã đoạt 3 giải thưởng cho hạng mục Chương trình của năm, Giải Âm nhạc Cống hiến với chương trình Sao Mai Điểm Hẹn 2005, Con đường Âm nhạc 2006, Hồ Ngọc Hà live concert 2011; giải thưởng với cương vị nhà sản xuất cho Album của năm Classic meet Chillout 2012.

Trong lĩnh vực Đạo diễn Video Ca nhạc (Music Video), anh đã 2 năm liên tiếp đoạt giải Đạo diễn Video ca nhạc xuất sắc của chương trình VTV Bài hát tôi yêu với 2 MV: Sói non ngơ ngác (Kasim Hoàng Vũ) - 2003, Ngủ ngoan nhé ngày xưa của Thu Phương - 2004.

An Yên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm