25/08/2015 19:08 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Người phát ngôn của đảng Saenuri cầm quyền, ông Kim Young-woo bày tỏ hy vọng sau khi hai bên nhất trí tiến hành cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên vào dịp Trung Thu sắp tới, các cuộc đoàn tụ sẽ thường xuyên được tổ chức...
Đêm ngày 24-8-2015, hai miền Triều Tiên đã kết thúc các cuộc đàm phán cấp cao kéo dài suốt 43 tiếng tại làng đình chiến Panmunjom (Pan-mun-chơm) với thỏa thuận 6 điểm. Động thái này đã giúp tháo ngòi nổ căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời mở đường cho việc cải thiện mối quan hệ liên Triều.
* Đạt thỏa thuận 6 điểm
Tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên bắt đầu từ vụ nổ mìn ở khu phi quân sự (DMZ) phân cách hai miền Triều Tiên vào ngày 4-8 khiến 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng...
Để tháo ngòi nổ căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, hai bên đã tiến hành cuộc đàm phán... Sau 33 tiếng đàm phán liên tục (từ chiều ngày 23-8 đến đêm 24-8) nhằm thu hẹp bất đồng, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã đạt một thỏa thuận chung gồm 6 điểm. Theo đó:
Thứ nhất, hai nước nhất trí sẽ tiến hành một cuộc đối thoại liên chính phủ tại Seoul hoặc Bình Nhưỡng (Pyongyang) trong thời gian sớm nhất có thể nhằm cải thiện quan hệ liên Triều, cũng như sẽ tiếp tục đối thoại và đàm phán về các vấn đề khác.
Thứ hai, CHDCND Triều Tiên lấy làm tiếc về việc các binh sĩ Hàn Quốc bị thương trong vụ nổ mìn ở khu phi quân sự (DMZ) bên phía Hàn Quốc thời gian vừa qua.
Thứ ba, Hàn Quốc sẽ ngừng chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng bằng hệ thống loa phát thanh tại khu vực biên giới bắt đầu từ 0h00 ngày 25-8, trong trường hợp không phát sinh tình trạng bất thường.
Thứ tư, CHDCND Triều Tiên đồng ý bãi bỏ quân lệnh chuyển quân đội sang trạng thái chiến tranh.
Thứ năm, hai miền đồng ý tiến hành cuộc đoàn tụ các gia đình bị li tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào dịp Trung Thu sắp tới và tiếp tục tổ chức các cuộc đoàn tụ trong tương lai, đồng thời sẽ tiến hành phiên họp giữa Hội Chữ thập Đỏ hai miền vào đầu tháng 9 tới để chuẩn bị cho các cuộc đoàn tụ này.
Thứ sáu, hai bên đồng ý thúc đẩy giao lưu dân sự giữa hai miền trên nhiều lĩnh vực.
Giới phân tích Hàn Quốc cho rằng, thỏa thuận 6 điểm trên đã bao gồm tất cả những điểm chính mà hai bên mong muốn, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo hai bên trong việc chấm dứt đối kháng.
Theo Giáo sư Kim Yong-hyun, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại trường Đại học Dongguk (Hàn Quốc), cuộc đàm phán tại làng đình chiến Panmunjom vừa qua giữa các trợ lý thân cận nhất của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể được coi như một cuộc gặp thượng đỉnh gián tiếp giữa hai nhà lãnh đạo.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, thỏa thuận liên Triều đạt được có thể góp phần tạo đà mới cho sự hợp tác kinh tế giữa hai bên vốn bị ngừng trệ lâu nay và sau đó có thể là việc dỡ bỏ các lệnh cấm. Tuy thỏa thuận mới nhất này không đề cập gì đến việc dỡ bỏ các lệnh cấm tổng thể của Hàn Quốc nhưng đã kêu gọi việc tổ chức lại các cuộc đàm phán cấp cao càng sớm càng tốt để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc như Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), Hyundai Asan Corp - công ty được cấp phép tổ chức các chuyến du lịch tới khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgang, cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với thỏa thuận vừa đạt được, đồng thời hy vọng thỏa thuận trên có thể dẫn tới tình trạng ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, có lợi cho các hoạt động kinh doanh.
Ngoài Khu công nghiệp chung Kaesong, các dự án kinh tế liên Triều vẫn nằm trong tình trạng “treo” kể từ khi Hàn Quốc áp đặt lệnh cấm hợp tác kinh tế với Triều Tiên vào tháng 3-2010 sau vụ một tàu chiến của Hàn Quốc bị chìm gần khu vực biên giới trên biển phía Tây. Trước đó, từ tháng 7-2008, các chuyến du lịch tới khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgang cũng bị ngừng sau khi một nữ du khách Hàn Quốc bị bắn chết tại đây.
Sự kiện đoàn tụ gia đình tại các cơ sở của Hyundai Asan Corp ở khu vực núi Kumgang cũng đã ngừng từ tháng 2-2014.
Ngoài những ý kiến lạc quan trên, một số chuyên gia cho rằng nhiều vấn đề cốt lõi giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết, trong đó có vấn đề chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên chưa hề được thảo luận.
* Dư luận hoan nghênh và hy vọng
Ngay sau khi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đạt được thỏa thuận nhằm làm dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, đảng cầm quyền và phe đối lập tại Hàn Quốc đều lên tiếng hoan nghênh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận 6 điểm này.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời người phát ngôn của đảng Saenuri cầm quyền, ông Kim Young-woo nhận định việc hai bên đạt được thỏa thuận giảm căng thẳng là "điều tốt đẹp" và đáng hoan nghênh. Ông Kim Young-woo bày tỏ hy vọng sau khi hai bên nhất trí tiến hành cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào dịp Trung Thu sắp tới, các cuộc đoàn tụ sẽ thường xuyên được tổ chức cho những người thân bị ly tán ở hai miền được gặp lại nhau.
Ông Kim Young-woo cũng nhấn mạnh thỏa thuận này chỉ có ý nghĩa khi được thực hiện một cách đầy đủ.
Đảng Liên minh Chính trị mới vì Dân chủ, lực lượng đối lập chính ở Hàn Quốc cũng đánh giá cao thỏa thuận liên Triều. Theo người phát ngôn Đảng Liên minh Chính trị mới vì Dân chủ Kim Young-rok, thỏa thuận không chỉ làm dịu tình hình căng thẳng hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên mà còn mở đường cho việc cải thiện mối quan hệ liên Triều.
Thỏa thuận giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên cũng nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng thỏa thuận tổ chức các cuộc đối thoại liên Triều tiếp theo sẽ "đóng vai trò là một cơ cấu giải quyết hiệu quả bất kỳ vấn đề nào có thể nảy sinh trên Bán đảo Triều Tiên", cũng như khôi phục đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang đình trệ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên hợp tác hơn nữa về các biện pháp nhân đạo như tổ chức đoàn tụ các gia đình bị ly tán.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố, Mỹ hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Ông John Kirby nhấn mạnh, Mỹ ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhằm cải thiện quan hệ liên Triều, đồng thời khẳng định Washigton sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Seoul.
Phát biểu tại cuộc họp Nội các ngày 25-8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) nhấn mạnh, Nhật Bản hy vọng thỏa thuận liên Triều sẽ giúp giảm căng thẳng trong khu vực và dẫn tới giải pháp cho nhiều vấn đề còn tồn tại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố, Trung Quốc hoan nghênh thỏa thuận liên Triều vừa đạt được giữa hai nước. “Bắc Kinh hy vọng Bình Nhưỡng và Seoul có thể duy trì đối thoại và tham vấn cũng như thúc đẩy hòa giải và hợp tác”. Trung Quốc cũng kêu gọi hai bên thực thi thỏa thuận trên, duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong một động thái mới nhất, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 25-8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min Seok cho biết, thực hiện thỏa thuận đạt được tại cuộc đàm phán cấp cao hai miền, quân đội Hàn Quốc đã ngừng các chương trình phát thanh chống Triều Tiên kể từ trưa ngày 25-8; đồng thời phía CHDCND Triều Tiên sẽ dỡ bỏ lệnh quân đội trong tình trạng chiến tranh vào cùng thời điểm.
Ông Kim Min Seok nêu rõ, quân đội Hàn Quốc sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp và theo dõi chặt chẽ động thái của các lực lượng quân đội CHDCND Triều Tiên.
Phương Nam (tổng hợp)
[Nguồn: TTXVN]
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất