Serie A của những ông già: Vẫn còn đất cho các “cụ”

26/12/2008 14:56 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) -  Serie A không bao giờ xem phim “No country for old men” (Không có đất cho các cụ). Nhưng ở một đất nước có tuổi trung bình thuộc loại cao nhất châu Âu, có một Thủ tướng năm nay đã 72 tuổi và đang trải qua nhiệm kì lãnh đạo thứ 3 trong 14 năm qua, thì giải đấu này ngày càng già đi cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

* Lấy cả đất sống của người trẻ!

Những hàng tít đậm nét về các ngôi sao trẻ đang mọc như nấm ở Serie A chỉ tạo nên những ảo tưởng. Serie A vẫn là giải đấu mà kinh nghiệm, từ mà người ta thường nói để tránh đi 2 chữ “tuổi tác”, chiếm ưu thế. Thay vì “vui thú điền viên”, các “cụ” chiếm cả đất sống của những người trẻ, những người đang cảm thấy bị phân biệt đối xử, phải lay lắt ở các đội hạng B, Lega Pro (trước là Serie C), nghiệp dư, hoặc phải chạy ra nước ngoài.

Những số liệu thống kê mà TT&VH đã tổng hợp được trên đội hình đăng kí với Lega Calcio mùa này của 20 CLB cho thấy, tuổi đời trung bình của cả giải đã tăng thêm 3 tháng so với mùa bóng trước, từ 27 tuổi 6 tháng lên 27 tuổi 9 tháng. Rộng ra hơn nữa, trong 20 năm qua, tuổi trung bình của các đội đã tăng 18 tháng. Mùa 1988-89, con số này là 26 tuổi 3 tháng. 10 năm sau, mùa 1998-99, là 26 tuổi 9 tháng và mùa này xấp xỉ 28 tuổi. Mà 28 tuổi đã là quá già so với châu Âu, khi người ta ngạc nhiên chứng kiến đến bây giờ ở Italia, các nhà bình luận vẫn gọi Cassano là một “cầu thủ trẻ”, dù anh đã 26 tuổi. Tổng số cầu thủ trên 30 tuổi mùa này đã lên đến 158 người, nhiều hơn mùa trước 6 người, chiếm 1/3 tổng số cầu thủ của 20 đội. Trong 2 năm tới, nếu số cầu thủ ngoài 40 mùa này chưa chịu giải nghệ, số cầu thủ trên 30 ngày một già hơn không được thay thế và dăm người trong số họ bước sang tuổi 40, danh sách U40 của Serie A sẽ lên đến xấp xỉ 250 người, chiếm gần một nửa số cầu thủ của cả giải!
 
Maldini, một trong những lão tướng ở Serie A
 
Người Ý kêu gào trẻ hóa, bản thân Inter cũng nhận thấy thế nếu muốn tiếp tục thống trị Serie A, nhưng hành động không đi đôi với lời nói. Không phải vì các cầu thủ trẻ không có tài, mà vì họ có rất ít cơ hội được ra sân do các HLV sợ thất bại, thiếu kiên nhẫn và chỉ cần 1, 2 sai lầm là các cầu thủ trẻ phải trả giá. Những người trẻ luôn thất bại trong cuộc chiến với các cựu binh, mà nhờ kinh nghiệm cũng như các phương pháp tập luyện đặc biệt và chế độ ăn ngày càng tân tiến ngày càng tồn tại lâu hơn trên sân. Ví dụ không thiếu. Mùa bóng trước, hậu vệ 22 tuổi Criscito được ca ngợi như là một ngôi sao trung vệ mới của calcio sau một mùa bóng thành công với Genoa.
 
Nhưng anh chỉ đá được ở Juve vài trận rồi “bật bãi”, phải trở về Genoa để nhường vị trí của mình cho Legrottaglie, nhiều hơn anh 10 tuổi. Gilardino hạ cánh xuống Milanello với lưng vốn là hơn 40 bàn thắng cho Parma và cũng không phải là một gã quá kém cỏi ở Milan, khi cũng ghi được hơn 30 bàn thắng trong mấy mùa qua. Nhưng anh vẫn phải ra đi để tìm lại mình ở Fiorentina. Điều quan trọng không phải là anh không cạnh tranh nổi với lão tướng Inzaghi hơn anh đến 9 tuổi, mà vì anh không có được sử dụng liên tục. Chính sách quay vòng các tiền đạo của Ancelotti và cả cá tính quá thiếu mạnh mẽ của Gilardino đã làm thui chột anh trong 3 năm ở Milan.

* Các đội càng lớn lại càng già

Dấu hiệu tuổi già có thể nhìn thấy rõ nhất ở 3 đội bóng lớn nhất nước, Inter, Juve và Milan. Tại Inter, đội bóng thay thế Milan trở thành đội già nhất Champions League, Balotelli 18 tuổi không có đất sống. Tại Juve, nơi người ta ca ngợi những hiện tượng như Marchisio và De Ceglie (cùng 22 tuổi), thì Giovinco (cũng tuổi ấy) phải chấp nhận làm dự bị cho Del Piero (34 tuổi) và Nedved (36 tuổi). Còn Milan? Có thể không đoạt Scudetto trên sân cỏ, nhưng họ đã đoạt Scudetto về số cầu thủ sắp có tên trong sổ hưu, với 15 người trên 28 cầu thủ tối đa (chiếm 53,6%). Tuổi trung bình của họ mùa này giảm xuống đôi chút và chịu đứng sau Bologna về mức độ già chẳng qua là vì họ mua thêm 2 cầu thủ trẻ Cardacio và Viudez. Milan có thể lập thành một đội hình già nua đủ sức phá vỡ mọi kỉ lục về tuổi tác ở Serie A như sau: Abbiati-Zambrotta, Maldini, Nesta, Favalli-Ambrosini, Gattuso, Jankulovski-Seedorf –Shevchenko, Inzaghi (dự bị Dida, Kalac, Kaladze, Emerson)!

Trớ trêu thay, đội bóng già nhất Serie A mùa này, Bologna, lại có HLV trẻ nhất trong số 20 HLV của giải, là Mihajlovic, mới 39 tuổi. Tuổi trẻ có khác. Kể từ khi Mihajlovic đến Bologna, đội bóng xứ Emilia vẫn chưa chịu thua một ai (đá 7, hòa 6, thắng 1). Nhưng Bologna vừa tăng cường một hậu vệ đã 34 tuổi (Cesar, bạn cũ của Mihajlovic ở Inter), chắc chắn không phải để trẻ hóa đội ngũ.

Tấm gương lớn là Udinese, đội bóng trẻ nhất giải. HLV Marino có trong tay 26 cầu thủ thì chỉ có 3 trên 30, là thủ môn số 3 Belardi, hậu vệ Sala và đội trưởng Di Natale. Trong số này, chỉ Di Natale thường xuyên đá chính. 23 cầu thủ còn lại trong đội thuộc thế hệ từ 1980 trở đi. Ngay sau Udinese là Cagliari, đội chỉ có 4 “khủng long” là Bianco, Lopez, Fini và thủ môn số 3, Lupatelli.

Thế nhưng, những “tấm gương” ấy hiện đang ra sao? Udinese, nhờ sự phấn khích đặc biệt của tuổi trẻ, đã leo lên đầu bảng sau 10 vòng đấu, để rồi sau đó tụt dốc không phanh (thua 6/7 trận gần nhất) và giờ khó có triển vọng dự Cúp UEFA, chưa nói đến Champions League. Cagliari đã ngoi ngóp ở tận cuối bảng giai đoạn đầu, giờ đã leo lên giữa bảng, nhưng cũng chỉ đến thế là cùng. Không phải ngẫu nhiên mà 3 đại gia có tuổi trung bình cao đến thế. Tuổi trẻ là để vui tươi nhảy nhót, tuổi già là để chiêm nghiệm, chiến đấu và chiến thắng. Suy nghĩ ấy khiến “đất đai” ở Serie A ngày càng co lại với những người trẻ, khi số các “cụ” ngày càng nhiều thêm. Đấy là lí do tại sao trong suốt 20 năm qua, những đội đoạt Scudetto thường nằm trong số 3 đội già nhất giải. Ai bảo già là vô dụng nào?

Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm