Barca, M.U và đường đến Wembley

26/05/2011 11:30 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) - Để hội ngộ ở Wembley, trong trận đấu cuối cùng của Champions League 2010-11, con đường mà Barca và M.U đã đi suốt nhiều tháng qua có một điểm chung: đều trải qua những cuộc nội chiến.

Barca và sức mạnh hàng công

Họ đã sẵn sàng cho đại chiến ở Wembley - Ảnh Getty

Đụng phải kình địch Real Madrid tại bán kết và giành chiến thắng chung cuộc 3-1 là kết quả đầy thuyết phục của Barca. Trong trận lượt đi ở Bernabeu, cú đúp của Messi đã mang về chiến thắng 2-0 cho Barca, trước khi hai đội hòa 1-1 ở Nou Camp.

Xét trên nhiều khía cạnh, thực tế Barca không gặp nhiều chướng ngại trên hành trình của mình. Ở tứ kết, đối thủ của thầy trò Pep Guardiola chỉ là Shakhtar Donetsk. Đội bóng Ukraina từng gây bất ngờ khi loại Roma, nhưng đã phải hứng chịu thảm kịch 1-5 khi làm khách tại Nou Camp, và sau đó thua tiếp 0-1 trên sân nhà.

Trước đó, Barca đụng Arsenal ở vòng 1/8 đúng thời điểm đội bóng thành London đã sa sút. Thế nên, sau khi để thua 1-2 ở Emirates, Messi và các đồng đội đã dễ dàng lật ngược thế cờ trong trận lượt về, với kết quả 3-1.

Tại vòng bảng, Barca cùng M.U và Real Madrid là 3 đội duy trì được thành tích bất bại. Khi ấy, các đối thủ của Barca là Rubin Kazan, Panathinaikos và Copenhagen. Trước những đối thủ ấy, Barca không gặp chút khó khăn nào khi thắng 4 và hòa 2, ghi tổng cộng 14 bàn.

Để đi đến Wembley, Barca cũng là đội bóng trình diễn lối đá tấn công hiệu quả nhất. Tổng cộng, Barca đã ghi đến 27 bàn trên hành trình của mình và không một đội bóng nào làm được như thế. Tính trong số các đội vào đến tứ kết, Barca cũng là đội bóng duy nhất ghi bàn trong tất cả các trận đã đấu, và sở hữu chân sút đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới.

M.U và sức mạnh hàng thủ

Nếu Barca chiến thắng bằng cách áp đặt thế trận lên đối phương, thì nền tảng của M.U là phòng ngự. Đại diện Premier League vững bước vào chung kết với hàng thủ tốt nhất châu Âu, khi chỉ để thủng lưới 4 bàn sau 12 trận đã đấu (trung bình 0,33 bàn/trận), bằng một nửa số bàn thua của Barca.

Tất nhiên, thành tích ấy không chỉ đến từ sự xuất sắc của các hậu vệ, mà nó phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chiến thuật. Sự kết dính trong lối chơi là khác biệt lớn nhất tạo ra sức mạnh của M.U. Bên cạnh đó, tính đa dạng cũng là điểm mạnh của M.U. Tổng cộng, đã có 28 cầu thủ khác nhau được Sir Alex Ferguson sủ dụng, và có đến 11 người trong số họ ít nhất một lần lập công. Đây là thành tích mà không một đối thủ nào làm được.

Với sức mạnh ấy, M.U chẳng mấy khó khăn để loại hiện tượng Schalke với tổng tỷ số 6-1 ở bán kết; buộc Chelsea dừng bước sau hai chiến thắng ở từ kết (1-0 và 2-1). Ở vòng 1/8, đối thủ của M.U là Marseilla, và các học trò của Sir Alex đã giành vé đi tiếp sau chiến thắng chung cuộc 2-1.

Cũng giống như Barca, vòng bảng với M.U không có nhiều thách thức, ngoại trừ Valencia. Bursaspor và Rangers là quá yếu khi mang ra so sánh với M.U. Sự chênh lệch ấy được M.U thể hiện qua việc chỉ thủng lưới đúng 1 bàn. Nhưng bàn thua ấy cũng chỉ đến trong trận đấu mang tính thủ tục (hòa 1-1 trên sân nhà với Valencia).

Có một điểm cần lưu ý: Barca được ca ngợi như đội quân đánh đâu thắng đó đã bị đánh gục một lần trên bước đường đến Wembley, trong khi M.U là đội duy nhất “bất khả chiến bại”. Thành tích đầy ấn tượng này giúp các CĐV M.U hy vọng vào một cuộc “báo thù”, sau thất bại 0-2 ở Roma cách đây tròn hai năm.

N.L

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm