Ca từ 'Lạc trôi' của Sơn Tùng M-TP: Bi quan, mất phương hướng, có lúc như kêu cứu

16/02/2017 11:49 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Việc ca từ trong bài hát Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP được đưa vào đề thi lớp 11 tại trường THPT chuyên Vĩnh Phúc đang gây ra những ý kiến trái chiều.

Một số ý kiến tỏ ra không đồng tình với cách "thời sự hóa" đề thi theo hướng này. Tuy nhiên, phần đông các tranh luận xoay quanh sự thiếu tương thích giữa nội dung và ngôn từ của Lạc trôi so với những tiêu chí về phân tích ngữ pháp, thông điệp,cách biểu đạt...cần có ở một bài thi văn học.

Thể thao &Văn hóa (TTXVN) đã lấy ý kiến của một số chuyên gia ngôn ngữ và giáo dục để rõ hơn về vấn đề này.

PGS.TS ngôn ngữ học Phạm Văn Tình: Học sinh sẽ...viết bừa

Khi tách khỏi phần âm nhạc và trình bày dưới dạng văn bản, ca từ trong một bài hát gặp rất nhiều thiệt thòi. Với trích đoạn Lạc trôi, rõ ràng học sinh làm bài chỉ có thể tiếp cận nó dưới dạng... một bài thơ tự do.

Nhưng, xét theo dạng thể hiện ấy, chủ đề, ngôn từ và thông điệp của trích đoạn đều không rõ ràng và chặt chẽ, thậm chí là khá mông lung và khó hiểu, đối với cách tư duy thông thường. Những câu như: "Ngăn giọt lệ ngừng khiến khóe mi sầu bi" hay "Trống vắng bóng ai dần hao gầy" là điển hình.


Có lẽ Sơn Tùng cũng không hình dung sẽ có ngày “Lạc trôi” của anh vào đề thi

Nếu theo tư duy logic thông thường, chúng ta đều hiểu không ai nói như thế cả. Còn theo cảm nhận tổng quát, cá nhân tôi thấy trích đoạn chỉ là những cảm xúc mơ hồ, vô định, xen lẫn giữa sự chán chường, lạc lõng và đau khổ... thay cho việc biểu lộ một tư tưởng gì đủ rõ ràng. Và không khí chung từ trích đoạn này là cảm giác... não tình.

Là người nghiên cứu ngôn ngữ, tôi thấy cố gắng lắm thì 2 câu hỏi đầu (về phương thức biểu đạt và các từ Hán Việt) cũng có thể tạm chấp nhận – dù nếu bàn kĩ thì sẽ còn rất nhiều vấn đề. Nhưng 2 câu hỏi tiếp theo thì không hề ổn.

Bởi, sự đan xen lộn xộn giữa những ngôn từ về bi quan, mất phương hướng, thậm chí có lúc như là... kêu cứu trong trích đoạn là không thể đủ cho sự tường minh cần thiết của một thông điệp. Và khi gắn với quan niệm được gợi ý trong câu hỏi tiếp theo, học sinh rất dễ rơi vào cảnh viết hú họa, viết đón ý về trích đoạn này.


Đề thi của trường THPT chuyên Vĩnh Phúc

Còn quan niệm được gợi ý về hạnh phúc lại không có gì ăn nhập với trích đoạn, không có duyên cớ gì để đi tới ý tưởng "hạnh phúc không có sẵn". Sẽ dễ hiểu hơn, nếu trích đoạn đủ cho các em hình dung câu chuyện về một người đi tìm hạnh phúc, nhưng vì lý do gì đó lại thấy thất vọng, thấy hạnh phúc là một khái niệm viển vông, không dễ kiếm tìm.

'Lạc trôi' của Sơn Tùng M-TP: Lời bài hát cũng chẳng có gì sâu sắc để phân tích

'Lạc trôi' của Sơn Tùng M-TP: Lời bài hát cũng chẳng có gì sâu sắc để phân tích

Bob Dylan được giải Nobel Văn học bởi ca từ của ông mang nhiều giá trị thẩm mỹ. Còn với MV Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP phần hấp dẫn lại nằm ở hòa âm, cảnh quanh chứ không phải ca từ.

Tôi không phê phán, thậm chí là đánh giá cao việc đưa ra những đề thi có tính thời sự và thực tế. Nhưng, trong trường hợp này, "sáng tạo" của đề thi không thành công, vì môn Văn cần những tiêu chí đặc thù đảm bảo khả năng cảm thụ tiếng Việt.

Học sinh "thi" gì ở "Lạc trôi"?

Đề thi môn văn học lớp 11 của trường PTTH chuyên Vĩnh Phúc diễn ra ngày 13/2, thuộc kì thi khảo sát chất lượng THPT. Dẫn ra một phần ca từ của Lạc trôi, phần đọc hiểu của đề thi yêu cầu học sinh trả lời 4 câu hỏi (tổng số 3/10 điểm) liên quan tới cách biểu đạt, thông điệp, từ ngữ của trích đoạn này.

Ngoài ra, ở phần sau, từ trích đoạn này, học sinh cần viết một đoạn văn về quan điểm "Hạnh phúc không bao giờ có sẵn. Hạnh phúc do chính con người tạo nên” (2/10 điểm).

Sơn Tùng – Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm