Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng: Muốn Trường Sa gần hơn trong mắt mọi người

24/08/2013 08:31 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, MV Tiếng gọi non sông do ca sĩ Nguyễn Phi Hùng sáng tác, trình bày phát hành trên mạng, đã thu hút được dư luận. Trước đây, anh cũng từng sáng tác ca khúc Gửi người lính đảo Trường Sa và ra MV riêng.

“Điều bất ngờ nhất trong quá trình thực hiện MV là khi tôi gởi lời mời anh Nguyễn Văn Đua (Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM) tham gia hát Tiếng gọi non sông, anh ấy đã vui vẻ nhận lời ngay dù rất bận. Để thực hiện MV này, tôi nhận được sự ủng hộ của nhiều nghệ sĩ, của các anh trong hải quân, không quân, các nhóm tình nguyện…” - Nguyễn Phi Hùng kể.

Từ bức thư pháp ở chùa Trường Sa

* Lý do nào mà anh có 2 ca khúc về Trường Sa?

- Sáng tác không phải là việc dễ dàng đối với tôi, dù từ trước đến nay đã viết gần 20 bài. Thế nhưng, khi đặt chân đến Trường Sa, thấy sức sống của các chiến sĩ và người dân nơi đầu sóng ngọn gió, thiếu thốn nhiều thứ, nhất là về tinh thần, tôi lại muốn chia sẻ lòng mình. Ngoài mấy chục ca khúc đã hát trên suốt chuyến đi, tôi vẫn muốn có cái gì đó của mình để gởi đến quân và dân nơi đây. Suy nghĩ như vậy nên khi gặp cái tứ và cảm xúc đủ đầy, tôi đã viết khá nhanh, mỗi bài chừng một buổi là xong.

* Ca khúc Tiếng gọi non sông được phổ từ thơ của thầy Thích Tâm Trí. Vậy bài thơ này liên quan như thế nào với ca khúc về Trường Sa của anh?

- Chuyến đi thứ hai của tôi diễn ra từ ngày 5 tới 15/5/2013, khi ghé thắp nhang chùa Trường Sa thì được đọc bài thơ Đi mà thầy Thích Tâm Trí viết thư pháp tặng đệ tử của mình là Thích Giác Nghĩa, khi vị này ra đây trụ trì. Lời thơ như thúc giục bước chân của mọi người hướng về biển đảo và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng. Đồng cảm với tứ thơ và cảm xúc với bài thơ, tôi phổ thơ thành ca khúc Đi, sau được được đổi thành Tiếng gọi non sông. Qua ca khúc này, tôi ước muốn Trường Sa được gần hơn trong mắt mọi người.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng tại chuyến đi Trường Sa (mời độc giả xem MV Tiếng gọi non sông tại bài phỏng vấn này trên www.thethaovanhoa.vn)

Đến chuyện bộ đội nhảy hip-hop

* Ấn tượng về Trường Sa hẳn rất mạnh nên anh mới đi ra đó 2 lần?

- Lần đầu khi được BTC mời, gia đình tôi can ngăn, vì ngại xa xôi và nguy hiểm. Thế nhưng tôi lại rất tò mò và háo hức, vì biết đi Trường Sa tốn kém còn hơn đi Mỹ, chi phí các khoản cho mỗi người gần 100 triệu đồng, nên được bao trọn gói là rất vinh dự. Sau 2 chuyến đi, tôi thấy Trường Sa có nhiều thay đổi về vật chất, nhiều đảo có cảm giác rộng hơn vì được xây dựng hạ tầng nhiều hơn, tốt hơn. Tôi đã rất xúc động khi nhìn thấy một bầy vịt, dàn bầu, luống rau và vài em bé ở đó, vừa thân thuộc vừa sinh động. Một đêm nọ, cả đoàn bất ngờ vì thấy các chiến sĩ nhảy hip-hop rất đẹp, họ cũng khá cập nhật và biết vui sống với hoàn cảnh của mình.

Đến Trường Sa, được nghe tâm sự của người dân và các chiến sĩ giữ đảo và được ngắm sao trời giữa đại dương, thấy lòng mình thêm yêu đời, yêu biển đảo tổ quốc.

* Nhân lúc MV Tiếng gọi non sông đang được ủng hộ, anh có tham vọng nó sẽ thành “hit” không?

- Cả hai chuyến đi tôi đều hát phục vụ, có ngày hát 4-5 lần, ngay từ 6h sáng. Quân dân ngoài ấy cần nhất là được gặp mọi người ra thăm, được trò chuyện, còn quà tặng thuộc về vật chất hay tinh thần chỉ là yếu tố phụ. Tham vọng duy nhất, nếu có, đó là tôi muốn nhiều bạn trẻ sau khi xem MV này sẽ suy nghĩ và hành động thiết thực vì Trường Sa và Hoàng Sa thân yêu.

Bài thơ Đi của Thích Tâm Trí mà Nguyễn Phi Hùng lấy ý phổ nhạc

“Hãy ra đi vì biên cương biển đảo

Đi ra đi, cỡi sóng vượt trùng dương

Đi… đi đi, cho yên bình hiện hữu

Đi, bước đi để ổn cố sơn hà”.

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm