Mỹ Linh: “Tôi không phải là người chiều chồng”

20/03/2011 09:33 GMT+7 | Văn hoá

Sở hữu một chất giọng đẹp, một người đàn ông tài hoa, những đứa con xinh, ngoan đầy thiên bẩm âm nhạc, Mỹ Linh ngày càng được công chúng ngưỡng mộ về những gì chị đang có.

Nhưng ít ai hiểu rằng, có được hôm nay, chị phải trả nhiều “phí tuổi xuân” để học hai chữ “thấu hiểu” người bạn đời của mình.

Xuất hiện tươi tắn, khỏe mạnh trong chiếc áo sơ mi ôm sát vòng eo và quần jeans bụi phủi, Mỹ Linh chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc khi một diva sống chung với chồng cũng là nghệ sĩ nổi tiếng, tài năng và “độc đoán”.

“Tôi không phải là người chiều chồng”

Chị từng cho biết tính mình “đôi lúc rất dễ thỏa hiệp, nhưng cũng có khi sẵn sàng bỏ đi tất cả mọi thứ mà mình đã cất công gây dựng nhiều năm nếu cảm thấy không còn phù hợp”. Trong cuộc sống gia đình, chị có can đảm như vậy không?

Vợ chồng bao giờ cũng có lúc này lúc kia, lúc yêu, lúc ghét, đó là chuyện bình thường. Tôi thấy hiếm có cặp nào mười mấy năm chỉ yêu nhau thôi.


Ca sĩ Mỹ Linh

Nếu đồng nghiệp của nhạc sĩ Anh Quân nhận xét: Anh Quân là người độc đoán. Bản thân anh ấy cũng từng thừa nhận điều này. Chị có chịu áp lực gì từ tính cách ấy không?

Đó là nhiều người cho rằng như vậy thôi, chứ tôi thấy anh Quân không phải là người độc đoán. Anh ấy chỉ khó tính, đòi hỏi cao, nhưng không lấy suy nghĩ của mình áp đặt cho mọi người. Thật ra anh Quân là người biết lắng nghe. Ví dụ có những điều chúng tôi đã không đồng ý với nhau nhưng nếu nói chuyện thẳng thắn mà anh ấy thấy có lợi cho cái chung thì sẽ nghe ngay.

Chị có bênh chồng quá không đấy? Giới nghệ sĩ vẫn đồn Mỹ Linh nổi tiếng chiều chồng.

Tôi từng gặp những người phụ nữ chiều chồng rồi, so với họ, mình chẳng là gì (cười). Chắc tại mọi người yêu quý tôi nên khen vậy thôi. Tôi cũng không phải là người chiều chồng lắm đâu. Chẳng phải ngày nào tôi cũng nấu ăn cho anh Quân hay anh ấy muốn ăn món gì là tôi nấu ngay món đó đâu.

Vậy anh Quân là người biết chiều vợ chứ?

Không. Anh ấy không phải là người chiều vợ. Anh ấy sống có nguyên tắc, cái gì đúng thì thôi, còn không đúng nhất định không được. Tôi cũng không hẳn… không được chồng chiều, nhưng anh ấy không chiều vô lối.

Về ngoại ô sinh sống, anh Quân có giúp chị chăm sóc gia đình, con cái không?

Ồ có chứ. Một gia đình việc nhiều như thế, anh Quân và các cháu đều phải chia sẻ trách nhiệm với tôi. Nếu không, một mình có ba đầu sáu tay, tôi cũng không thể làm xuể. Ngoài ra, chúng tôi còn có những người khác giúp đỡ như chú lái xe hay chị giúp việc.

Chị không chỉ là một ca sĩ được công chúng ngưỡng mộ mà còn rất được lòng người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Làm thế nào để được trọn vẹn như thế nhỉ?

Tôi nghĩ từ khi có con, mình không chỉ sống cho mình mà còn sống cho con nữa. Nếu mình làm cái gì chưa hay, con mình biết sẽ buồn, bạn con mình biết sẽ trêu nó. Thế nen, tôi làm gì cũng qua lăng kính của con. Như chuyện mình ăn nói giữ gìn, ăn mặc chỉn chu sẽ tốt hơn là đưa con đến trường với bộ quần áo, đầu tóc lôi thôi, luộm thuộm…

Không bao giờ người có cái tôi mạnh chịu ở với một cái bóng


Gia đình Mỹ Linh đã chuyển về vùng ngoại ô sinh sống

Người ta nói: “Đằng sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ. Đằng sau thành công của người phụ nữ luôn là hiện diện của sự cô đơn”. Chị nghĩ sao?

- Có một điều chắc chắn là, đằng sau thành công của Anh Quân có Mỹ Linh và đằng sau thành công của Mỹ Linh có Anh Quân. Điều này không cần phải nói, ai cũng thấy. Mỹ Linh là con người thế nào, tính cách thế nào, sự nghiệp ra sao đều có sự ảnh hưởng của anh Quân.

Nghĩa là sống với Anh Quân, chị đã chịu ảnh hưởng nhiều?

- Thì đúng rồi. Vợ chồng ở với nhau cũng ảnh hưởng đến nhau chứ. Với lại, tôi là phụ nữ đã ở tuổi 36, cũng chín chắn rồi, làm sao nông nổi được nữa. Sự ảnh hưởng đó thế này, nếu ở người này là sự chịu đựng thì người kia cũng vậy và ở người này hạnh phúc, người kia cũng sẽ hạnh phúc. Có những gia đình không bổ sung cho nhau mặt tốt mà còn làm cho nhau cáu bẳn, khó chịu. Đó cũng là bổ sung nhưng theo hướng tiêu cực.

Tôi và anh Quân sống với nhau nên chịu ảnh hưởng nhau là điều bình thường. Bản thân anh ấy bây giờ cũng khác xưa, vì anh Quân sống với Mỹ Linh và ngược lại. Chúng tôi đều nhún nhường và cố gắng sống với nhau thương yêu, lịch sự, văn hóa.

Người bình thường không sao, nhưng là một diva thì có dễ nhún nhường không?

Tôi may mắn có tính cách lạc quan khi nhìn nhận con người. Khi thấy người ta khó chịu với mình, tôi tìm hiểu lý do để thông cảm với cách ứng xử của người ta.

Tôi nghĩ, vợ chồng cần nhất ở sự thấu hiểu. Có thấu hiểu mới thông cảm và cuộc sống mới bền lâu. Nếu không, mình sẽ không biết căn nguyên tại sao người ta ứng xử với mình như vậy. Mình sẽ tỏ thái độ kiểu như Anh làm tôi khó chịu quá. Tôi không thể chịu được anh… Nhưng khi hiểu, mình sẽ thương người ta hơn, sẽ biết tha thứ và mọi chuyện đều trở nên nhẹ nhàng.

Trong gia đình, tôi và anh Quân đều ứng xử như vậy. Vì có những lúc tôi cực kỳ cáu bẳn thì anh ấy tìm hiểu vì sao vợ như thế. Và ngược lại, khi chồng khó chịu, tôi cũng biết tại sao anh ấy lại có cách ứng xử như vậy.

Thế còn cái tôi của chị thì sao? Cái giá của hạnh phúc là phải chấp nhận đánh mất cái tôi của mình để thay vào một con người khác?

Nói như vậy không đúng. Cái tôi ở đây được hoàn thiện chứ. Vì nếu cái tôi mất, người này trở thành cái bóng của người kia, gia đình sẽ tan vỡ. Một gia đình mà một người hoàn toàn mất cái cá nhân, hồn vía của mình, gia đình ấy chắc chắn lung lay vì người mạnh sẽ tìm đến người tương đồng khác. Không bao giờ người có cái tôi mạnh chịu ở với một cái bóng. Đó như là chuyện không có người, ở với ma vậy. Thế nên, muốn sống với nhau thì không có chuyện cái tôi này thôn tính cái tôi kia.

Tôi nghĩ gia đình hạnh phúc là khi hai cá nhân đều mạnh mẽ, họ đủ lớn để bao dung cho nhau, chứ không phải lấn lướt nhau. Cách ứng xử với nhau phải thấu đáo và phải có một trí tuệ sáng suốt để nhìn, như rọi một ngọn đèn và mọi thứ đang lột ra trước mắt. Ngay cả khi mọi thứ (dù xấu) lột ra rồi, mình vẫn nhìn nhận và xem đó là một phần của mình. Như người ta có da thịt, có chân tay, lại có cả phần thừa thãi, phần thối trong cơ thể mình nữa. Không lẽ mình cứ bảo tôi chỉ thích phần đẹp đẽ thôi, còn cái gì xấu cho tôi phẫu thuật cắt bỏ hết đi à?




Đó có phải là bài học từ Anh Quân sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ?

Anh Quân là một người lớn. Anh ấy ứng xử rất người lớn.

Khen nhau trên mặt báo khá nhiều, còn trong đời thường, anh chị có hay nói cảm ơn nhau không?

Đã là người của công chúng, tất nhiên mình được khan giả quan tâm tới đời sống riêng, từ chối trả lời báo chí cũng khó. Trong cuộc sống chung, thay vì nói cảm ơn, có nhiều cách để tỏ lòng biết ơn nhau chứ. Chẳng hạn người ta có thể chiều nhau một cái gì đó. Chứ còn hai người ngồi nói: Em cảm ơn anh nhé hay Anh cảm ơn em nhé, chúng tôi không như vậy.

Tình yêu của anh chị sau hơn 10 năm chung sống có còn sự say mê như ngày đầu không?

Tôi nghĩ nếu không còn say mê thì làm sao ở được với nhau. Vợ chồng nếu chẳng còn thấy sự thú vị ở nhau thì con cái cũng không thể giữ được cuộc hôn nhân của cha mẹ.

Vợ chồng nào cũng vậy, ở với nhau lâu, tình cảm không phải lúc nào cũng nồng nhiệt như thưở ban đầu, nhưng sẽ có những tình cảm sâu sắc khác. Khi yêu nhau, người ta dễ có những lời có cánh. Còn khi đã là vợ chồng, họ nhìn nhau ở việc làm và chỉ cần một cái nhìn cũng hiểu.

Nhạc sĩ Anh Quân từng nhận mình là người may mắn khi con gái riêng Anna yêu mến vợ và vợ mình cũng rất yêu Anna. Nghe điều này, chị cảm thấy thế nào?

Nghe những lời này, tôi cảm động vì anh ấy đánh giá đúng. Trong cuộc sống vợ chồng, đánh giá đúng nhau là điều rất quý. Có những người chỉ biết mình, chẳng đánh giá được đâu, có khi họ nghĩ việc đó đương nhiên phải như vậy.

Phải nhớ con là người Việt Nam


Anh Quân luôn dạy Anna phải nhớ con là người Việt Nam

Các con có ảnh hưởng tính cách nào của anh chị không?

Anna tính dễ gần nhất trong 3 đứa trẻ. Con bé sống cởi mở và sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Anna thẳng thắn, rõ ràng và rành mạch, đó là ưu điểm từ bố. Nhưng gần tôi, con ảnh hưởng tính lạc quan, nhìn mọi thứ rất tươi sáng và hài hước. Con có ưu điểm là làm bất kỳ việc gì cũng suy nghĩ thấu đáo. Nếu làm một sản phẩm như tờ Báo tường của lớp, con cũng để tâm đến những hoạt tiết cho dù rất nhỏ.

Bé Mỹ Anh quấn quýt mẹ hơn. Con bé giống tôi ở tính cách. Riêng Anh Duy tính giống anh Quân, kín đáo và thâm trầm hơn.

Trong gia đình chị, ai chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái?

Về tiểu tiết, tôi là người dạy các con. Nhưng định hướng trong những chuyện lớn về tương lai và khiến các con nể thì là anh Quân. Trong gia đình, anh ấy đóng vai nghiêm khắc còn tôi đóng vai hiền. Tôi gần gũi các con hơn nên đôi khi cố gắng suồng sã như bạn để chúng chia sẻ.

Anh chị cho con đi học trường Tây, có sợ con mình sẽ bị Tây hóa không?

Có lần tôi thấy anh Quân nói với Anna: “Con là con của bố, nên con phải nhớ con là người Việt Nam. Người Việt có khuyết điểm này kia, nhưng cũng có nhiều điều rất hay như những giá trị truyền thống gia đình…”.

Chồng tôi còn bảo con bé rằng: “Bố mẹ cho con đi học trường Tây để học được cái hay của họ. Nhưng ngược lại, bố cũng muốn con thấy họ thiếu những cái hay khác mà chỉ người Việt Nam hay người châu Á mình mới có. Và con phải nhớ con là người Việt, đừng bao giờ quên điều đó, đừng bao giờ biến mình thành một người Tây không ra Tây, ta không ra ta là vứt đi”. Tôi thấy anh Quân dạy con như vậy rất ổn.

Nhà nào bây giờ cũng có người giúp việc, chị có dạy con gái nữ công gia chánh nữa không?

Có chứ. Phải làm hết, những việc cơ bản như nấu cơm, làm bánh, dọn dẹp nhà cửa, thu vén quần áo, chúng đều phải biết. Bởi vì là phụ nữ, mai mốt làm vợ làm mẹ, dù có người giúp việc, mình vẫn phải biết làm để còn chỉ việc cho người ta nữa. Nhà tôi có người giúp việc. Nhưng không có nghĩa là có họ, mình chẳng làm gì cả. Và khi không có họ, chúng tôi vẫn làm được hết. Họ là người giúp việc chứ không phải là người làm hết tất cả các việc.

Thực tế, bà nội các cháu dạy nhiều hơn mẹ vì tôi đi suốt ngày. Lúc nào cường độ công việc của tôi cũng nhiều. Chỉ khác là người ta diễn xong rồi đi chơi đây đó, mình thì sau khi diễn đều tranh thủ về nhà chơi với các con.

Bố mẹ bận rộn, vất vả như vậy, có khi nào trong ngày lễ, các con tự làm một món quà bất ngờ tặng anh chị chưa?

Các con làm những tấm thiệp rất đẹp và cảm động, khiến tôi ứa nước mắt.

Chị có thể chia sẻ về món quà đó không?

Ồ không được. Đó là chuyện riêng tư của gia đình rồi.

Nghe con hát thương lắm

Chị từng hát chung với cả Anna và Mỹ Anh. Chị nói sao về tố chất âm nhạc của hai cô con gái nhà mình?

Tôi thấy nếu con cứ phát triển theo hướng đang chọn bây giờ là rất tốt. Anna có dòng máu nước ngoài trong người, giọng như mấy cô ca sĩ teen của Mỹ. Tôi thấy ở Việt Nam, đó là chất giọng lạ, bắt micro, trong sáng, âm vực tốt, bè bối hay. Nhưng quan trọng nhất do con được tiếp xúc với nhiều album nước ngoài nên những cái hay đó đã thẩm thấu vào con một cách tự nhiên và tích lũy suốt nhiều năm. Tôi nghĩ đó có thể gọi là môi trường tốt cho Anna phát triển. Điều này tôi không có được bằng thế hệ trẻ bây giờ.


Mỹ Linh và con gái Anna

Với Mỹ Anh, tôi nghĩ con giàu cảm xúc và có giọng hát truyền cảm. Con bé rất thích hát và ý thức những việc mình làm. Bé thường hẹn mẹ cùng luyện thanh và rất chăm chỉ, thu đi thu lại. Với Mỹ Anh, con đã tự chọn nghề cho mình rồi, bố mẹ khỏi phải chọn giúp. Mỹ Anh sâu sắc hơn những đứa trẻ cùng lứa.

Với hai cô con gái, tôi thấy Mỹ Anh đã chọn lựa một con đường âm nhạc dài hơi cho mình. Còn Anna đang tuổi 16, một lứa tuổi đẹp trước ngưỡng cửa cuộc đời, ý thích theo âm nhạc cũng là thường tình như các bạn cùng trang lứa.

Cảm xúc của chị khi nghe Anna và Mỹ Anh hát có giống nhau không?

Có, nhất là khi chúng còn bé. Nghe thương lắm! Mình là mẹ mà, đứng trong cánh gà run lắm, run hơn mình hát. Giờ Anna lớn rồi, ra sân khấu, tôi đỡ lo hơn. Chứ khi Anna còn nhỏ, cảm xúc khi nghe con hát như nghe Mỹ Anh hát bây giờ. Vẫn run, hồi hộp khi thấy con nhỏ bé mà đi ra trước sân khấu lớn.

Anh chị có kế hoạch lâu dài gì cho con không?

Chúng tôi sẽ đầu tư làm nhạc cho Anna trước. Mỹ Anh còn nhỏ, cháu chỉ hát chơi thôi. Chúng tôi hướng Anna thành một ca sĩ trẻ đa di năng. Con có thể tự đàn hát và sáng tác. Bên cạnh đó, Anna rất thích những môn nghệ thuật, có khả năng diễn xuất tốt ở trường và viết kịch bản của các bạn. Tôi nghĩ con có năng khiếu, gia đình có điều kiện, tại sao không ra đĩa cho con mình?

Vậy sao anh chị không định hướng cho Mỹ Anh thành ngôi sao từ nhỏ?

Không. Chắc gì Mỹ Anh có thể làm ngôi sao lúc nhỏ, hoặc nếu có làm, con cũng chẳng hạnh phúc đâu. Chúng tôi muốn các con có một tuổi thơ bình thường, vậy sẽ tốt hơn một tuổi thơ được/ bị mọi người chú ý. Vợ chồng tôi luôn cố gắng rào giậu để cuộc sống của các con không bị ảnh hưởng.

Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Theo Mốt & Cuộc sống

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm