06/05/2023 14:06 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Mạnh Đình chưa từng nghĩ, anh sẽ tiếp tục theo nghệ thuật và trở thành ca sĩ được nhiều người yêu mến khi ra nước ngoài định cư, dù thời điểm đó anh đã là ca sĩ đi hát hàng đêm ở Việt Nam.
Mạnh Đình đam mê ca hát từ nhỏ nhưng suốt những năm hoạt động chuyên nghiệp ở Việt Nam với vai trò ca sĩ, anh vẫn không tạo dựng được tên tuổi. Năm 1993, Mạnh Đình theo gia đình sang Mỹ định cư và nhanh chóng nổi tiếng ở hải ngoại. Tuy nhiên những ngày đầu nơi xứ người, Mạnh Đình từng vô cùng hụt hẫng và lạc lõng.
Là khách mời trong chương trình Đời nghệ sĩ (phát trên VTV9), ca sĩ Mạnh Đình đã có những chia sẻ chân tình về giai đoạn này. Anh kể: "Những ngày đầu ở Mỹ rất buồn. Chính mẹ tôi cũng buồn bởi vì các bà nội trợ, sáng thường đi chợ, nói chuyện với nhau mà giờ không được thế.
Mẹ bảo, mẹ thấy cô đơn, cô quạnh quá con ạ. Còn tôi, nghề của mình là đi hát hàng đêm, giờ sang đây cũng buồn quá. Tôi rủ mẹ quay về. Mẹ bảo, thôi cứ ăn hết tiền trợ cấp rồi về con ạ" (cười).
Ca sĩ Mạnh Đình kể tiếp: "Tôi xin đi làm. Tôi học tiếng Anh ở Việt Nam rồi nhưng sang Mỹ vẫn đi học tiếp rồi đi xin việc ở các nhà hàng, doanh nghiệp.
Xin việc ở đâu, người ta cũng đòi mình phải có kinh nghiệm đi làm ở Mỹ. Mình mới qua, chưa có kinh nghiệm nên không nơi nào nhận. Tôi nghĩ, nếu họ không cho mình cơ hội làm thì làm sao mình có kinh nghiệm được.
Rất vui là cuối cùng tôi cũng được đi làm cho một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bóng đèn điện. Công việc của tôi là đếm 10 bóng đèn bỏ vào 1 cái túi rồi bỏ vào hộp, dán phân loại. Vì mình chưa có kinh nghiệm nên người khác làm 40 tiếng/ tuần thì mình làm 15, 16 tiếng/ tuần. Tức là làm tạm thời thôi, có chút tiền để sống".
Đi làm khoảng 9, 10 tháng thì Mạnh Đình được mẹ khuyên đi thi hát. Mạnh Đình kể, thập niên 1990, cộng đồng người Việt ở Mỹ tổ chức các cuộc thi hát.
"Ở Việt Nam, con hát chuyên nghiệp nhưng sang bên đây có ai biết con là ai đâu", nghe lời khuyên của mẹ, Mạnh Đình bỏ qua cái tôi của mình để đi thi, vì anh nghĩ, bản thân mình đã là ca sĩ chuyên nghiệp khi ở Việt Nam rồi, giờ đi thi thì... xấu hổ.
Anh tâm sự: "Lúc đó lệ phí thi là 20 USD. Năm 1993, số tiền đó là lớn lắm. Mẹ cho tôi 20 USD để đóng tiền đi thi. Trong đêm sơ kết, các nhạc sĩ lớn bên đó nói: 'Mãi tới hôm nay, tôi mới tìm thấy một giọng ca mang âm hưởng quê hương từ Việt Nam sang đây. Cho nên Mạnh Đình sẽ là người đứng đầu danh sách đêm nay'.
Nghe thế mình rất vui. Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản thôi, nhà tài trợ sẽ tặng cho ca sĩ đứng hạng nhất đêm đó 100 USD. Tôi nghĩ, được 100 USD là mừng rồi, trả mẹ 20 USD thì mình lời 80 USD".
Lúc đó, Mạnh Đình thích công việc lao động chân tay hơn vì anh mong muốn sau này từ chỗ làm tạm thời, anh sẽ được làm lâu dài và có cuộc sống ổn định với công việc này.
"Mấy người nói: Anh nổi tiếng, anh không ngồi đây được đâu, chỗ này chỗ kia mời anh. Tôi bảo: Nhưng anh thích chỗ này, hát gì thì hát, anh vẫn về đây làm việc với các em, vui lắm. Nhưng khi mình nổi tiếng lên thì mới thấy các em nói đúng quá", Mạnh Đình hài hước kể.
Sau cuộc thi, Mạnh Đình trở thành một hiện tượng được đông đảo khán giả yêu mến. Anh nhận được sự chú ý từ các trung tâm đĩa nhạc lớn ở hải ngoại và được ký hợp đồng sản xuất. Mạnh Đình tự nhận mình là người ngoại giao kém thế nên sau mỗi đêm diễn, anh thích về nhà nghỉ ngơi thay vì tụ tập, vui chơi.
Nhắc tới sự nghiệp của Mạnh Đình không thể không nhắc tới ca khúc Chuyện giàn thiên lý. Ca khúc này đã tạo nên tên tuổi cho Mạnh Đình không chỉ ở hải ngoại mà còn được khán giả trong nước yêu mến.
Có được sự nghiệp như hiện tại, Mạnh Đình cảm thấy vô cùng trân trọng và biết ơn tình thương yêu của khán giả khắp mọi nơi dành cho mình.
Trong một lần đi Australia biểu diễn, một người chủ của cửa hàng băng đĩa đã "than phiền" với anh: "Chúng tôi khổ vì Mạnh Đình. Cả nhà tôi phải thức đêm thức hôm để làm cho kịp sản phẩm của Mạnh Đình, nhưng mà vui".
Nhớ lại ký ức tuổi thơ cùng những ngày đầu biết đến âm nhạc, Mạnh Đình nhận mình là người học rất kém, thích mơ mộng và chỉ thấy hứng thú với những nốt nhạc, lời ca.
Năm học lớp bốn, khi được cô giáo hỏi đọc thuộc lòng hay hát để trả bài, Mạnh Đình tự tin chọn hát thay vì đọc thuộc lòng như bạn bè trong lớp. Tuy tuổi còn rất nhỏ nhưng Mạnh Đình vẫn vô cùng tự tin thể hiện bài hát Mùa thu chết và nhận về điểm 9,5 từ cô giáo, cao hơn rất nhiều so với các bạn.
Từ đó, Mạnh Đình bắt đầu ý thức và cảm nhận được năng khiếu cũng như tình yêu của mình đối với âm nhạc. Lên cấp trung học, anh được làm trưởng ban văn nghệ của trường. Sau này, anh được vào học trường chuyên về thanh nhạc để tích lũy thêm kiến thức và kỹ năng ca hát.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất