Không phải trả tiền nếu đúng là bút tích của Trịnh Công Sơn

29/08/2014 09:18 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Xung quanh vụ tranh cãi giữa Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) với Công ty TNHH Giải trí Đồng Dao (đơn vị tổ chức live concert Khánh Ly vào tháng 8.2014) về bản quyền ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lại có thêm diễn biến mới.

1. Nữ ca sĩ Khánh Ly đã đưa ra một bằng chứng là bản viết tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ngày 22/5/2000, với nội dung: "Tôi là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đồng ý cho Khánh Ly sử dụng những bài hát của tôi. Tiền tác quyền là: 5000 USD".

Văn bản này đã được Công ty TNHH Giải trí Đồng Dao (đơn vị tổ chức live concert Khánh Ly tại Hà Nội, Đà Nẵng vào tháng 8.2014) trình ra tại cuộc họp chiều 27/8 với VCPMC. Cuộc họp do Thanh tra Bộ VH,TT&DL tổ chức, đóng vai trò trung gian hòa giải. Kết quả, Đồng Dao vẫn phải thanh toán 275 triệu đồng (bao gồm cả VAT) tiền tác quyền cho VCPMC.

Thể thao & Văn hóa đã tham khảo ý kiến Luật sư Trần Đình Triển về giá trị pháp lý của văn bản nữ ca sĩ Khánh Ly cung cấp.


Ca sĩ Khánh Ly

"Muốn chứng minh đây là văn bản do chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết thì phải có chứng nhận của cơ quan giám định. Đơn cử như Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an chẳng hạn. Trên cơ sở so sánh chữ viết ở văn bản của ca sĩ Khánh Ly cung cấp với những văn bản gốc có chữ viết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cơ quan giám định mới có thể đưa ra kết luận. Còn việc Khánh Ly đưa ra bản sao có xác nhận của tòa án Mỹ không có giá trị. Vì họ không có chức năng xác minh bút tích trên văn bản đó có thực sự là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay không", luật sư Trần Đình Triển nói.

Trong trường hợp văn bản do Khánh Ly cung cấp đúng là do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết, theo luật sư Trần Đình Triển văn bản này sẽ có giá trị pháp lý, theo đó: "Khánh Ly có quyền sử dụng ca khúc của Trịnh Công Sơn biểu diễn bất cứ nơi đâu, bất cứ bài hát nào, không giới hạn số lượng mà không phải trả tiền tác quyền cho VCPMC hay gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nữa".




Văn bản nữ ca sĩ Khánh Ly thỏa thuận với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Khánh Ly cung cấp

2. Việc tranh cãi giữa Đồng Dao và VCPMC đã cho thấy xung quanh việc thu phí bản quyền tác phẩm âm nhạc vẫn còn quá nhiều bất cập. Nhiều năm nay các cơ quan hữu trách vẫn chưa có văn bản hướng dẫn để thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ về tác quyền âm nhạc nên trong thực tế vẫn có chuyện xé rào, vượt khung. Việc thu phí tác quyền không công khai rành mạnh, còn các đơn vị kinh doanh, các ca sĩ thì lấy cớ thoái thác việc trả tác quyền, gây nên những tranh cãi không hồi kết. Những tranh chấp này xảy ra thường xuyên nhưng không ai muốn đưa ra Tòa vì nếu ra Tòa cả hai bên đều gặp bất lợi.

Có một câu hỏi đặt ra là tại sao đến thời điểm này Khánh Ly mới đưa ra văn bản nói trên? Tại sao bà không cung cấp văn bản này cho đơn vị tổ chức là Đồng Dao ngay từ đầu. Từ đó Đồng Dao sẽ có trách nhiệm làm việc với VCPMC, rất có thể mọi việc sẽ khác.

Tranh cãi giữa Đồng vào VCPMC chỉ xoay quanh mức phí bản quyền VCPMC đưa ra. Phía Đồng Dao cho rằng mức phí VCPMC đưa ra (11 triệu đồng/ ca khúc, sau đó giảm xuống 7,5 triệu đồng) là quá cao. Trong khi đó, đại diện của VCPMC, nhạc sĩ Đình Trung Cẩn, Giám đốc Chi nhánh phía Nam cho rằng: "Lấy tài sản tác giả ra kinh doanh và bán vé tới 4 triệu đồng/1 vé sao không ai nói cao quá? Phía sử dụng tác phẩm âm nhạc để kinh doanh rồi tự động đưa ra giá chỉ trả một bài là 1,5 triệu đồng, căn cứ vào đâu họ trả giá này, văn bản, nghị định nào? Tại sao vé cứ tự động bán rất cao, ca sĩ cứ nhận tiền cũng rất cao, còn tác giả muốn đưa bao nhiêu thì tùy vào lòng hảo tâm?”.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm