10/07/2015 05:40 GMT+7 | Âm nhạc
Tiếng hát Ánh Tuyết hơn hai thập niên qua đã gắn liền với âm nhạc Văn Cao. Và nói không ngoa, nếu không có Văn Cao thì có lẽ sẽ khó có Ánh Tuyết của hôm nay. Nhân 20 năm ngày mất của ông, ca sĩ Ánh Tuyết trải lòng cùng Thể thao & Văn hóa.
* Ngày 10/7 là tưởng niệm 20 năm ngày mất Văn Cao, năm nay cũng có nhiều cột mốc để nhớ về ông như 40 năm ca khúc Mùa xuân đầu tiên, 70 năm Tiến quân ca... nhưng có điều lạ là các chương trình tưởng nhớ ông lại thiếu vắng giọng ca Ánh Tuyết...
- Chuyện thiếu hay không thiếu tôi nghĩ không phải do tôi đâu mà nhiều lý do khác mà tôi không tiện nói. Còn riêng với nhạc sĩ Văn Cao thì đối với tôi âm nhạc của ông đã quá đậm nét trong cuộc đời của tôi rồi nên tôi thấy không quá quan trọng những cột mốc. Tôi không làm lần này thì sẽ làm lần khác. Tháng 11 tới tôi sẽ làm một chương trình âm nhạc Văn Cao - Đoàn Chuẩn nhân ngày sinh của Văn Cao và cũng là ngày mất của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.
* Nhưng 20 năm cũng là một quãng đường để nhớ lại, nhất là cuộc đời âm nhạc của chị cũng thăng hoa từ 20 năm trước…
- Nhớ về ông thì lúc nào tôi cũng nhớ cả. Trong suốt 20 năm qua thì có lẽ tôi là một trong những người tổ chức những đêm nhạc về ông nhiều nhất. Tôi không có nhiều kỷ niệm chung cùng ông nhưng âm nhạc của ông quá in đậm trong tôi và tôi luôn nghĩ rằng, ông như người cha của mình vậy.
Ông kiệm lời và chẳng bao giờ nói hay nhận xét gì. Nhưng mỗi khi ông nói thì với tôi chẳng có điều gì quý hơn được. Chỉ một câu nói của ông: “Trương Chi chính là tôi đấy”, tôi như hiểu được toàn bộ con người ông - thấm nỗi đời, nỗi đau.
* Âm nhạc Văn Cao là khúc rẽ quan trọng cho sự nghiệp âm nhạc của chị?
- Đúng. Ngày đó tôi đã định bỏ nghề rồi vì đã quá mệt mỏi và chán nản. Lúc ấy tôi tự hỏi rằng tại sao mình có quá nhiều huy chương, thành tích, đi hát từ bé, hát chẳng tệ hơn ai, cũng được biết tới nhiều mà sao cứ đói riết khổ quá đi.
Năm 1993 tôi quyết định về quê và bỏ nghề. Tôi tâm sự điều ấy với anh trai mình. Sau đó, anh ấy tự nhiên nói rằng: “Tao nghĩ chắc mi chưa cúng cơm cái tên của mi”. Tôi tên thật là Trần Thị Tiết, đến năm 1979 nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ đặt cho tôi nghệ danh là Ánh Tuyết như bây giờ. Nghe anh tôi nói vậy nên tôi nghĩ, hay cứ thử lần cuối. Tôi về Hội An và nhờ nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ… cúng giùm. Và sau đó, tháng 7/1993 tôi trở lại Sài Gòn và đúng dịp vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao cũng vào Sài Gòn và tổ chức một đêm nhạc của ông ở quán Nhạc sĩ.
Đêm hôm đó, tôi đã hát 2 bài Buồn tàn Thu và Thiên thai và hơn cả sự ngạc nhiên của tôi, khán giả đã vỗ tay rần rần. Sáng hôm sau thì báo chí viết rất nhiều về chương trình này và tôi được đưa lên… mây xanh. Năm đó, tôi đã 32 tuổi rồi đâu còn trẻ trung gì nữa nhưng lúc ấy cuộc đời tôi mới thật sự thay đổi. Đó thật sự là một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được.
* Bây giờ ở tuổi này, đi qua nhiều thăng trầm của cuộc sống thì suy nghĩ của chị về nhạc Văn Cao có còn giống 20 năm trước?
- Nó rất khác. 20 năm trước tôi hát nhạc Văn Cao với một sự hồn nhiên. Tất nhiên tôi cũng có cảm nhận của một người đi hát, phải thể hiện cảm xúc nhưng vẫn còn khá non nớt. Còn bây giờ thì nó thấm sâu hơn vì tôi hiểu được nỗi đau của Văn Cao, hiểu được cuộc đời của ông gian truân thế nào, hiểu được cả một quá trình ông đi cũng như nỗi khổ cuộc đời mà ông trút vào tác phẩm. Nhưng xúc động nhất là cả cuộc đời mình, âm nhạc của Văn Cao không có sự oán trách. Ông không não nuột như nhiều người khác, không bi lụy.
Những điều ấy đã dạy cho tôi sống trong cuộc đời chẳng nên oán trách ai cả. Càng hát nhạc của ông, tôi lại càng mở được lòng mình, theo thời gian. Càng ngày càng thấu hiểu những câu từ ẩn bên trong nhưng không diễn tả bằng lời được mà chỉ có thể biểu cảm bằng giọng hát.
* Chị có nghĩ rằng bây giờ những cây đại thụ như Văn Cao, Phạm Duy... có còn là ngọn hải đăng cho lớp sáng tác trẻ hướng tới hay chỉ là một biểu tượng để nhìn lại?
- Tôi nghĩ rằng với những ai thực sự mong muốn làm âm nhạc tử tế thì họ sẽ là ngọn đuốc dẫn đường. Nhưng thật sự rất khó nói điều này với lớp trẻ bây giờ, để hiểu được suy nghĩ của họ quả thực là khó. Họ có những suy nghĩ mà mình chưa cập nhật được. Tôi chỉ muốn nói rằng, giống như mặt trời buổi sáng ở bên này, buổi chiều ở bên kia. Những người như Văn Cao là mặt trời bên này, còn những thế hệ mới sẽ là mặt trời bên kia nhưng nếu chọn lệch thời điểm thì sẽ không có ánh sáng mà chỉ le lói một chút rồi tắt như sao trên trời.
Vào lúc 20h ngày 11/7 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) sẽ diễn ra live show Sol Vàng thứ 15 tôn vinh âm nhạc Văn Cao với chủ đề 20 năm cõi thiên thai. Chương trình sẽ gồm 2 phần: Giấc mơ mùa Thu và Thiên thai với các giọng ca Họa Mi, Cẩm Vân, Năm Dòng Kẻ, NSƯT Thanh Thúy, Anh Bằng, Phạm Thu Hà, Thụy Long và tốp ca Nhạc viện TPHCM. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV9. |
Cung Tuy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất