07/11/2022 10:52 GMT+7 | Bóng đá Việt
Năm 1978, họa sĩ truyện tranh Takahashi Yoichi đưa ra một quyết định quan trọng trong đời: Trở thành một CĐV bóng đá.
“Vào năm thứ ba trung học, tôi được xem World Cup ở Argentina trên truyền hình và khám phá ra sự hào hứng với môn thể thao này” - ông kể lại với trang Nippon.com. “Thời điểm ấy, bóng đá Nhật chỉ là bán chuyên thôi và các đội thật sự kém lắm. Tôi được biết rằng tại châu Âu, bóng đá phổ biến hơn nhiều so với bóng chày và số lượng người chơi bóng đá cũng lớn hơn nhiều”.
Vẽ một giấc mơ
Bóng chày là môn thể thao quốc dân ở Nhật Bản khi ấy, và vốn là chủ đề ưa thích của Takahashi: “Trong thời gian học cấp hai, tôi rất mê truyện tranh bóng chày, và đó cũng là một trong những chủ đề tôi hay triển khai khi bắt đầu viết manga, nhưng có rất nhiều manga bóng chày vào thời điểm ấy, vì vậy, tôi nghĩ rằng tôi cũng có thể theo đuổi bóng đá, một môn thể thao hầu như chưa được khám phá thời điểm ấy”.
Và thay vì ngồi mơ mộng, ông bắt tay vào làm ngay một bộ manga sau này sẽ đi vào lịch sử. Takahashi đã trở thành người vẽ ra rất nhiều “lần đầu tiên” của bóng đá Nhật Bản: Nhân vật chính Tsubasa Ozora trở thành cầu thủ Nhật đầu tiên chơi bóng ở Brazil, rồi Barcelona. Đội Nhật Bản lần đầu tiên dự World Cup, và thi đấu ngang ngửa với những nền bóng đá hàng đầu thế giới.
Đến năm 2002, khi tất cả những độc giả của Tsubasa đã trưởng thành, Nhật Bản đã có một giải đấu chuyên nghiệp hoàn hảo, giành được quyền đăng cai World Cup chung với Hàn Quốc, đánh bại Nga, Tunisia trước khi bị Thổ Nhĩ Kỳ loại trên sân nhà ở Miyagi. Tại giải vô địch bóng đá nữ thế giới năm 2011 ở Đức, Takahashi thậm chí đã đến thăm toàn đội trước trận chung kết. Đội nữ Nhật Bản đánh bại đội nữ Hoa Kỳ và giành được World Cup đầu tiên trong lịch sử, với ngôi sao là Homare Sawa, một tiền vệ số 10 kiểu Tsubasa.
Takahashi Yoichi chính là người mở đầu cho một làn sóng yêu bóng đá đã lan tỏa khắp nước Nhật trong gần bốn thập niên, tạo ra những kỳ tích. Sự khác biệt nằm ở chỗ, ông đã là người đầu tiên ứng xử với giấc mơ của mình một cách thực dụng: Bắt tay làm ngay một cái gì đó, theo khả năng của mình.
Hành động là cảm hứng
Hôm nay, khi Huỳnh Như lần đầu đá chính sau hai tháng sang Bồ Đào Nha, và lập tức tỏa sáng rực rỡ, chúng ta sẽ nói về cô như một niềm cảm hứng. Đây là cầu thủ nữ đầu tiên sang châu Âu thi đấu, được ra sân từ đầu, và trở thành người hay nhất trận. Huỳnh Như đã cho mọi người hiểu rằng các cầu thủ bóng đá Việt Nam có thể làm được những gì.
Nhưng trong hai tháng vừa rồi, hẳn là như Quang Hải, mọi chuyện đã diễn ra không hề dễ dàng với cô, và mọi chuyện sau trận đấu chói sáng vừa rồi cũng thế: Lặp lại kỳ tích một cách ổn định vẫn còn là điều bỏ ngỏ ở tương lai. Chặng đường của Như đã bớt áp lực đi một chút, so với Quang Hải, nhưng để thỏa mãn kỳ vọng của người hâm mộ thì không bao giờ là đủ.
Bởi vì dư luận thường chỉ ghi nhận khi bạn có một kết quả rõ ràng: Một bàn thắng, một trận đá chính, một màn trình diễn xuất sắc. Còn lại đều được coi như thất bại. Cách ứng xử này tạo ra một áp lực kỳ lạ: Nếu anh đã “nhỡ” tỏa sáng, thì anh phải duy trì được điều này liên tục. Mọi kết quả đi lùi đều không được tính vào như thành quả tiến bộ.
Hôm nay, nếu những người hâm mộ chưa hiểu rõ cơ chế của chuyện này, thì Huỳnh Như có thể sẽ từ niềm cảm hứng thành một “bom xịt” vào một ngày xấu trời nào đó. Kết quả tạo ra cảm hứng là một mệnh đề nguy hiểm. Giống như một người không hề theo dõi, hoặc tệ hơn là bỉ bôi, chặng đường của Huỳnh Như, bất chợt cho rằng cô là niềm cảm hứng, chỉ sau một trận cầu tỏa sáng.
Nhưng câu chuyện của Takahashi Yoichi cho thấy rằng bất kỳ một nỗ lực hành động nào đều có giá trị. Bạn có bao giờ tưởng tượng ra rằng một nền bóng đá có thể hóa rồng không phải nhờ các kế hoạch đao to búa lớn, mà nhờ việc một họa sĩ mộng mơ đã bắt tay vào lao động nghiêm túc để cho ra sản phẩm?
Ông đã bắt đầu nó khi không có một lời động viên nào: Người dân Nhật Bản khi ấy không yêu bóng đá, manga cũng chẳng có bộ nào, và giải bóng đá vẫn là bán chuyên. Nếu nghĩ về những niềm cảm hứng thời vụ, Takahashi sẽ chẳng bao giờ có động lực bắt đầu.
Hôm nay, trong một ngày mà cảm hứng thời vụ xâm chiếm các mặt báo, bạn có thể làm lại một việc, nếu có lỡ lãng quên: Đọc lại những bài báo về Huỳnh Như từ khi sang Bồ Đào Nha tới bây giờ, để hiểu rằng đây là một chặng đường, và mỗi bước đi nhỏ trên đó đều có ý nghĩa, chứ không chỉ là hai bàn thắng và một kiến tạo.
Mỗi một bước đi nhỏ ấy, trong một ngày họ vẫn còn chơi bóng ở châu Âu và đang nỗ lực làm việc cho giấc mơ của riêng mình, vẫn sẽ là niềm cảm hứng, nếu bạn có thể nhìn ra được. Hành động là cảm hứng, chứ không chỉ là kết quả của nó.
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất