Động đất Nepal: Trung Quốc, Ấn Độ tranh thủ "ngoại giao cứu trợ"

28/04/2015 20:39 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tại một bệnh viện có 12 giường bệnh, sâu trong dãy núi Himalaya thuộc lãnh thổ Nepal, trực thăng của Không quân Ấn Độ bận rộn mang tới đây những nạn nhân của thảm họa động đất đã khiến hơn 4.000 người thiệt mạng.

Họ gồm đàn ông, đàn bà, phụ nữ bị thương, được giải cứu từ các đỉnh đồi hoặc các thung lũng mà lực lượng cứu hộ Nepal chưa thể tiếp cận do đường xá hư hỏng.

Còn ở thủ đô Kathmandu, những người cứu hộ tới từ Trung Quốc trong bộ đồng phục màu đỏ đang tích cực tìm kiếm người sống sót tại các đống đổ nát. Đài truyền hình Nepal trong ngày 28/4 còn chiếu cảnh một đội cứu hộ Trung Quốc đang kéo một người đàn ông ra khỏi đống đổ nát của một khách sạn rồi nhanh chóng dùng cáng đưa nạn nhân đi.


Lực lượng cứu hộ Trung Quốc đã nhanh chóng có mặt ở Nepal sau thảm họa

Sau trận động đất tồi tệ nhất suốt gần một thế kỷ qua, giới chức Nepal đã gần như vắng bóng tại hiện trường, do bận rộn xử lý thảm họa. Nhưng Trung Quốc và Ấn Độ thì không. Hai nước này còn hứa hẹn gửi thêm lực lượng cứu hộ, chó nghiệp vụ, lều bạt, thực phẩm và lập tức nhận được sự ca ngợi từ người dân Nepal.

"Chúng tôi chẳng còn niềm tin vào chính quyền của mình, chỉ còn Ấn Độ và (Thủ tướng Narendra) Modi đang giúp đỡ" - một người dân làng có tên Dhruba Kandel nói tại Dhading - "Nếu không nhờ những chiếc trực thăng đó, hàng chục người chúng tôi có thể đã chết trên núi".

Những nhận xét như thế này chẳng khiến giới quan sát ngạc nhiên. Nepal nằm kẹp giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Trong nhiều năm, hai người khổng lồ châu Á này đã thường dùng đầu tư và viện trợ để ve vãn Kathmandu.


Nhân viên cứu hộ Trung Quốc đã rất tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn ở Nepal 

Sau thảm họa, Trung Quốc vội vã thể hiện sự cảm thông và cung cấp viện trợ cho Nepal. Trung Quốc cũng nói rằng sẽ tặng cho Nepal khoản viện trợ lên tới 3,3 triệu USD, tức bằng cả khối Liên minh châu Âu cộng lại.

Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc còn đưa tin rằng người dân thường ở Trung Quốc đã vận động gây quỹ ủng hộ Nepal. Tờ báo cũng nói rằng một chủ cửa hàng mỳ người Trung Quốc ở Kathmandu đã nấu cháo và phát miễn phí cho người dân.

Trong khi đó ông Modi, với chính đất nước ông cũng bị ảnh hưởng từ thảm họa động đất, đã hứa hẹn sẽ "lau khô nước mắt của mọi người dân Nepal". Truyền hình Ấn Độ cũng dành nhiều giờ phát hình ảnh các máy bay, xe tải, xe buýt Ấn Độ bận rộn chở hàng cứu trợ đến Nepal.


Thành viên Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia Ấn Độ chờ lên đường tới Kathmandu để trợ giúp Nepal

Giới chức Nepal xác nhận rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang tích cực hỗ trợ Nepal. Họ bác bỏ thông tin nói rằng 2 nước này đang trong một "cuộc chiến viện trợ" để giành cảm tình của Nepal.

Nhưng rõ ràng cả Trung Quốc và Ấn Độ đều hiểu rõ họ sẽ thu được gì nếu làm tốt công tác trợ giúp thảm họa.

Trang tin Daily News Analysis nói rằng sự nghiệp chính trị của ông Modi đã được xây dựng dựa trên việc tái thiết bang Gujarat ở Ấn Độ, theo sau thảm họa động đất 2001. Ông cũng nhận được nhiều sự ca ngợi do quản lý tốt các hoạt động như sơ tán hơn 4.700 người Ấn Độ và khoảng 1.950 người nước ngoài khỏi Yemen trong tháng trước.

Trung Quốc thì đã nếm bài học cay đắng, sau khi có phản ứng chậm chạp trong việc giúp đỡ các nạn nhân bị bão ở Philippines hồi năm 2013. Trung Quốc còn dính chỉ trích bởi cam kết viện trợ cho Philippines số tiền còn nhỏ hơn công ty Ikea của Thụy Điển đóng góp - tương phản hẳn với số tiền khổng lồ mà Mỹ và các nước khác đổ tới. Hậu quả là Trung Quốc đã đánh mất thiện chí chính trị ở Philippines.

"Khi hoạn nạn mới hiểu bạn bè" - Mahesh Kumar Maskey, đại sứ Nepal ở Trung Quốc, đã nói như thế trong bài viết đăng trên hãng tin Tân Hoa Xã.

Tường Linh
Theo Daily News Analysis

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm