Ca khúc 'Wish You Were Here' của Pink Floyd: Mặt tối của Syd Barrett

16/06/2019 19:06 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Wish You Were Here của Pink Floyd thường được hiểu theo nghĩa “Ước gì em ở đây”, nhưng sự thật, đây là bài hát về những người đàn ông, những người đã cùng nhau đi qua bao thăng trầm để rồi lạc nhau trên đỉnh cao danh vọng.

'Tay guitar vĩ đại' của Pink Floyd tung ra album solo mới

'Tay guitar vĩ đại' của Pink Floyd tung ra album solo mới

Rattle That Lock, album phòng thu thứ 4 đồng thời là đĩa CD đầu tiên trong vòng 9 năm qua của nghệ sĩ guitar David Gilmour (69 tuổi) thành viên ban nhạc Pink Floyd, sẽ được phát hành vào ngày 18/9.

Nhưng nói cho cùng, Syd Barrett, thủ lĩnh đầu tiên của Pink Floyd, đã lạc lối hay đãtìm được con đường riêng của mình?

Tro tàn từ những tán cây xanh?

Ngày 5/6/1975, đêm trước chuyến lưu diễn thứ hai của Pink Floyd tại Mỹ năm đó, David Gilmour kết hôn với người vợ đầu tiên, Ginger. Cũng trong ngày nhiều niềm vui này, nhóm hoàn thành bản phối cho Shine On You Crazy Diamond (Tiếp tục tỏa sáng nhé, viên kim cương điên; ẩn tên SYD), ca khúc nằm trong album sẽ trở thành huyền thoại làng rock sau này Wish You Were Here, viết về Syd Barrett.

Trong lúc bốn thành viên còn lại của Pink Floyd đang đắm say, đau đớn hát về thủ lĩnh cũ của họ thì một người đàn ông lạ mặt bước vào. Gã ta béo phị, đầu trọc, lông mày cạo, trên tay cầm một chiếc túi nhựa. Roger Waters, thủ lĩnh sau này của nhóm, không biết đây là ai. Gilmour tưởng đó là một nhân viên của hãng ghi âm EMI. Richard Wright lại tưởng đó là bạn của Waters. Nick Mason cũng mù mịt chẳng hiểu ai vừa xuất hiện.

Chú thích ảnh
Syd Barrett (thứ hai từ trái qua) chụp ảnh cùng các thành viên Pink Floyd

Đó là Syd Barrett, người mà họ đang dạt dào hồi tưởng trên những khuông nhạc. Khi “kinh hoàng” nhận ra điều này, vài người đã bật khóc.

Barrett nói rằng anh tới để giúp ghi âm. Thế nhưng khi nghe bản phối Shine On You Crazy Diamond, không có dấu hiệu gì là anh hiểu hay quan tâm. Barrett sau đó cũng tham gia tiệc cưới của Gilmour ở căng tin EMI, rồi rời đi không lời từ biệt. Đây là lần cuối cùng cả nhóm nhìn thấy Barrett, cho tới khi anh qua đời vào năm 2006, tức là 31 năm sau.

Về cuộc chia ly này, Mason nhớ lại rằng những câu chuyện của Barrett “rời rạc và vô nghĩa”. Thân xác anh đang ngồi ở đây cùng những người bạn cũ, nhưng tâm trí đã ở một nơi xa.

"Ước gì bạn ở đây"

Sự trống vắng, mất mát một con người đang hiện hữu ngay giữa vòng tay ta hiện rõ trong ca khúc Wish You Were Here (Ước gì bạn ở đây) của nhóm.

Ca khúc mở đầu bằng những tạp âm xa xôi trên đài phát thanh, rồi từ xa tiến lại gần là tiếng guitar acoustic 12 dây thủ thỉ và chính thức bắt đầu với giọng hát như tiếng thở dài sát bên tai: “Vậy là, vậy là bạn nghĩ mình có thể nhận ra/ Thiên đường từ địa ngục/ Trời xanh từ nỗi đau?”.

Chú thích ảnh
Bìa album "Wish You Were Here" gợi nhớ tới quan điểm của nhiều rocker khi đó về một cuộc đời bùng cháy

Rồi liên tiếp sau đó là những lời chất vấn: “Bạn đã đánh đổi/ Anh hùng lấy những bóng ma/ Tro tàn từ những tán cây xanh/ Hơi nóng lấy gió mát?…Phải chăng bạn đã chọn/ Rời bỏ cuộc chiến/ Để thành chúa sơn lâm trong cũi sắt”?

Và sau cùng là mong ước: “Tôi ước làm sao có bạn ở đây/ Chúng ta chỉ là hai linh hồn lạc lối/ Bơi trong cái bể cá/ Năm này qua năm khác/ Chạy qua những nơi xưa cũ/ Ta tìm thấy gì/ Vẫn những nỗi sợ cũ/ Ước gì bạn ở đây”.

Gilmour và Waters đã cùng sáng tác ca khúc này.Lời bài hát, với phần đông mọi người, rõ ràng là để nói về Barrett, người đã rời bỏ nhóm để về với thế giới riêng khó hiểu của anh. Tuy nhiên, trong phim tài liệu The Story Of Wish You Were Here, Waters lại nói nó phần nào hướng về chính anh với khát khao giải phóng bản thân để tới với những trải nghiệm thật sự trong đời. Tuy nhiên, sau đó, anh nói thêm rằng vấn đề này sẽ vẫn để ngỏ.

Ở một số ca khúc khác trong album cùng tên, Waters cũng ám chỉ nó không phải về Barrett, mà là một hình tượng chung về những người chọn cách vùi đầu trong cát như con đà điểu trước những thách thức của cuộc sống. Độc đoán, thích nói về bản thân vốn là thói quen của Waters.

Thế nhưng, dù Waters nói gì, Gilmournhận thấy rằng dù ở đâu, khi nào, anh luôn biểu diễn ca khúc trong lòng tưởng nhớ hướng về Syd Barrett và rằng bản thân Wish You Were Here chỉ là một bản đồng ca đơn giản nhưng “chính bởi sự cộng hưởng và sức nặng cảm xúc, nó là một trong những ca khúc hay nhất của chúng tôi”.

Ngoài ra, không ai có thể phủ nhận rằng Pink Floyd nổi tiếng với việc xây dựng album theo chủ đề, và cả album Wish You Were Here là về Barrett, từ khi anh là chàng trai trẻ phơi phới trong những ngày đầu của Pink Floyd, tới cảnh ngã quỵ trong buổi diễn ngập khán giả và dần dần, biến mất khỏi nhóm.

Wish You Were Here nói riêng và cả album nói chung, cái nhìn về Barrett luôn là “viên kim cương điên” đã lạc đường và mong muốn được đưa anh trở lại. Nó cũng là lời gợi nhắc tới bài thơ cổ của Parmenides, về một người đàn ông được các nữ thần chỉ cho hai con đường: một con đường mang tên tồn-tại, dẫn tới sự thật; con đường kia là không-tồn-tại, dẫn tới sai lầm, hỗn mang, chối bỏ. Nếu chọn con đường đầu, anh sẽ luôn được hào quang bao phủ; ngược lại, anh sẽ nhìn thấy bóng tối trong chính mình.

Nhưng có thật là Barrett đã đi vào hành trình đến tận cùng đêm tối?

"Tỏa sáng nhé, viên kim cương điên"

Có lẽ chính bản thân Barrett lại không nghĩ vậy.

Sau khi rời Pink Floyd năm 1968, Barrett biến mất một năm rồi trở lại với sự nghiệp solo. Sau hai album, anh dứt luôn sự nghiệp âm nhạc và về sống trong căn nhà của mẹ ở Cambridge từ năm 1978. Ở đây, anh trở lại với đời trước khi lao vào chuyến phiêu lưu âm nhạc.

Barrett trước tiên là một họa sĩ. Anh đang là sinh viên Trường Mỹ thuật Cambridge khi gia nhập Pink Floyd. Giờ đây, anh lại cầm cọ thay vì đàn. Anh nghiên cứu kỹ về hội họa và thậm chí viết một cuốn sách. Anh sống khép kín, có phần hoài nghi con người và không muốn nhắc về Pink Floyd. Giấy tờ, tiền bạc, các bộ phim tài liệu liên quan tới nhóm, anh đều rất hờ hững. Trông rất giống một người bất đắc chí?

Thế nhưng, với người thân xung quanh, Barrett đơn giản là “một người đầy tình thương”.

Vào tuần cuối cùng trong cuộc đời Barrett, khi anh đã được đưa từ bệnh viện về nhà, em gái đã hỏi anh nghĩ gì về Chúa và cuộc sống sau cái chết. “Em biết không” - anh đáp - “Anh chưa bao giờ nghĩ về chuyện đó”.

Barrett có thể sa sút về thể xác nhưng vẫn luôn là một tài năng giàu triết lý. Vẫn còn những tranh cãi về quyết định ở ẩn của anh. Tuy vậy, con đường anh chọn rất giống với Anselm trong truyện Diên vĩ của đại văn hào Hermann Hesse. Anselm là một chàng trai tuấn tú, tài giỏi, được trọng vọng, đã quyết định rời bỏ tất cả để đi tìm bản thể của mình. Mang vẻ ngoài như một kẻ lang thang nghiện ngập nhưng trong Anselm là niềm hân hoan khi được chìm dần vào chốn quê hương.

Có thể nói, Wish You Were Here là một ca khúc đẹp, rất đời, nhưng nó mới chỉ khắc họa được “mặt tối” trong con người Syd Barrett.

Vài nét về Pink Floyd

Pink Floyd là ban nhạc rock thành lập ở London năm 1965. Nổi bật với lời ca mang tính triết học, nhiều thử nghiệm âm thanh, những ca khúc rất dài, album có chủ đề cùng những đêm nhạc cực kỳ công phu, họ là một trong những nhóm nhạc có ảnh hưởng và thành công thương mại bậc nhất lịch sử âm nhạc.

Thủ lĩnh thời kỳ đầu của họ là Syd Barrett. Album Wish You Were Here, phát hành năm 1975 được đánh giá là là một trong những album hay nhất mọi thời đại còn ca khúc Wish You Were Here nằm trong Top những ca khúc bất hủ mọi thời đại.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm