20/10/2019 07:58 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - NASA Moon Tunes, với tiêu chí là âm nhạc cho tất cả mọi người và được lựa chọn từ đề cử của cư dân toàn Trái đất, do đó, có sự đa dạng rộng khắp về thời kỳ cũng như thể loại âm nhạc. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy nhạc rock chiếm vị trí lớn trong danh sách này và điều đó hoàn toàn hợp lý.
Rock là thể loại âm nhạc quần chúng có nguồn gốc từ rock and roll - phong cách chịu ảnh hưởng nhiều từ blues và đồng quê - bắt đầu xuất hiện tại Mỹ vào đầu những năm 1950 rồi phát triển, chia nhánh mạnh mẽ trong những năm 1960 và sau đó, đặc biệt ở Mỹ và Anh.
Nhạc rock trong đời sống nhân loại
Về mặt âm nhạc, rock đặc trưng bởi tiếng guitar điện, bên cạnh bass điện, trống và giọng ca. Ban đầu, các ca khúc rock thường viết ở nhịp 4/4 với cấu trúc phiên khúc - điệp khúc đơn giản, nhưng dần trở nên đa dạng và phức tạp theo thời gian. Lời ca khúc cũng có nội dung rất phong phú, từ yêu đương lãng mạn đến các vấn đề xã hội, chính trị.
Từ khi ra đời tới nay, nhạc rock khi thăng khi trầm nhưng vẫn luôn bền bỉ tồn tại. Ở cuối những năm 1960, nhánh điển hình của nó là psychedelic rock, ảnh hưởng từ phong trao “phản văn hóa” khi đó. Bên cạnh đó là progressive rock và glam rock (nhấn mạnh tới hình ảnh và nghệ thuật biểu diễn) cùng heavy rock (đề cao âm lượng, độ gằn và tốc độ). Sang tới thập niên 1970, đó là punk rock với những bài phê bình chính trị, bóc trần thực trạng xã hội. Đỉnh cao trong thập niên 1990, đó là grunge ở Mỹ và Britpop ở Anh. Sang tới thế kỷ mới, có nhiều pha trộn thời đại hơn như pop punk, rap rock hay rap metal.
Hiện nay, trong kỷ nguyên của nhạc hip-hop, nhạc rock vẫn phát triển theo cách riêng của mình và đạt tới những đỉnh cao mới, tuy không bùng nổ nhưng vẫn có tiếng nói riêng. Nhiều album rock vẫn đánh bật các album hip-hop để đứng ở vị trí No.1 trên BXH Billboard 200, gần đây có thể kể tới album thời thượng như Father Of The Bride của Vampire Weekend, hoặc “nguyên chất” như Fear Inoculum của Tool.
Điều gì làm nên sự bền bỉ đến vậy ở rock? Có thể nói một phần là bởi rock không chỉ là một thể thể loại âm nhạc mà còn là một phong trào văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, với tư cách gốc là một thể loại âm nhạc, rõ ràng nguồn gốc sức mạnh của nó phải nằm ở chính… âm nhạc. Mà điển hình của nhạc rock là gì? Thứ nhất, đó là tính đa dạng, uyển chuyển theo thời thế. Và thứ hai, nhịp nhanh, mạnh của nó tạo cảm giác hưng phấn, hứng khởi, đào sâu vào các cảm giác – vốn là điều con người thời kỳ nào cũng khao khát kiếm tìm.
Nhạc rock trong “NASA Moon Tunes”
Trong hành trình dài bay vào không gian bao la với biết bao những áp lực tâm lý đè nặng lên các phi hành gia, như họ kể lại cũng như được khắc họa trên nhiều bộ phim hay câu chuyện, hứng khởi và nhu cầu chia sẻ là điều rất cần thiết. Nhạc rock là một trong những người bạn tốt cho lúc này.
Có thể bắt gặp rất nhiều tên tuổi, từ kinh điển tới hiện đại, trong làng rock ở NASA Moon Tunes (xem box trong bài). Trong bài viết này chúng tôi điểm qua ba bài nhạc rock đáng chú ý.
Sẽ gây ra rất nhiều tranh cãi nếu lựa chọn đâu là nghệ sĩ rock kinh điển nhất trong danh sách NASA Moon Tunes, tuy nhiên, xét về tính lão làng và bền bỉ, một dạng “phả hệ” của rock, thì The Rolling Stones là cái tên rất xứng đáng.
Nhóm nhạc của Anh, hiện gồm bốn thành viên, được thành lập vào năm 1962, giữa thời kỳ vàng của nhạc rock. Đáng nói là nhóm vẫn luôn hoạt động mạnh mẽ từ năm 1962 tới nay, tức là gần 60 năm, không có thời kỳ ngắt quãng. Với 30 album phòng thu, 23 album sống và vô vàn album tổng hợp, The Rolling Stones có mặt trong tất cả những danh sách danh giá nhất về nhạc rock.
Hiện tại, với thủ lĩnh Mick Jagger 76 tuổi và vừa phẫu thuật tim, nhóm vẫn đi lưu diễn thế giới và chuẩn bị ra album mới.Trong danh sách NASA Moon Tunes, The Rolling Stones góp hai ca khúc về mặt trăng là Moon Light Mile và Moon Is Up.
Không có gì ngạc nhiên khi nói các ca khúc trong danh sách của NASA được lựa chọn chủ yếu nhờ các từ khóa liên quan tới vũ trụ, đặc biệt là Mặt trăng. Tuy vậy, trong trường hợp của The Rolling Stones, các ca khúc có những mối quan hệ mật thiết hơn thế.
Ở Moon Light Mile, sau nhiều thập kỷ đồn đoán rằng lời ca khúc là về cocaine, Jagger cuối cùng cũng tiết lộ vào năm 2015, nhân dịp nó được đưa vào danh sách diễn của chuyến lưu diễn năm đó, rằng thật ra nó là về sự buồn chán và cô đơn mà ông cảm thấy khi cứ đi hết từ buổi diễn này tới buổi diễn khác. “Tôi chắc chắn là ý tưởng về ca khúc lần đầu tới với tôi vào một đêm khi chúng tôi đang trên tàu và trăng đã lặn” - ông nhớ lại. Giai điệu của Moon Light Mile, do đó, cũng đầy mơ màng, mỏng manh.
Ngược với cảnh trăng lặn, Moon Is Up là về trăng lên. Dù vậy, nó lại chứa đựng cùng câu chuyện, rằng khi trăng lên thì cũng là lúc mặt trời lặn, cũng như anh và em, luôn ở hai thế giới khác nhau. “Giờ em đang ở đâu?/ Khóc thật to/ Em đã đi đâu/ Khi anh cần em?”, là câu hỏi đau nhói cứ quanh đi quẩn lại trong ca khúc.
Những giai điệu gào thét tha thiết cùng nỗi lòng cô quạnh trong các ca khúc hẳn sẽ mang tới sự đồng cảm cho các phi hành gia khi họ cô độc ngoài vũ trụ.
Bầu trời đầy sao
Thế nhưng bầu trời không phải lúc nào cũng tối tăm và buồn bã. Luôn có hai mặt đối lập trong cùng một vấn đề. Trong không gian luôn có sức hấp dẫn, giống như nhân vật trong truyện Phi hành gia của Ray Bradbury nói với con, rằng khi ở ngoài đó, anh luôn muốn về Trái đất nhưng ở Trái đất, anh lại luôn hướng về những vì sao.
Ngược với giai điệu kinh điển và buồn bã trong Moon Light Mile và Moon Is Up, ở NASA Moon Tunes có một ca khúc vô cùng sôi động và vui tươi, tới từ một đại diện khác của nhạc rock, đó là A Sky Full Of Stars của Coldplay.
Không phải tân binh, Coldplay thành lập năm 1996 với 5 thành viên, nhưng họ luôn hợp thời đại và hiện là một trong những nhóm nhạc rock đình đám nhất thế giới. A Sky Full Of Stars là ca khúc có yếu tố nhạc dance đầu tiên của nhóm, đặt trên nền nhạc EDM cùng nhạc house và lấy cảm hứng từ ca khúc nhạc rock có tính biểu tượng Smells Like Teen Spirit của Nirvana.
Nội dung ca khúc cũng rất hợp với nhạc, đó là về tình yêu say đắm của một chàng trai dành cho một cô gái mà anh miêu tả là: “Vì em là bầu trời/ Vì em là bầu trời đầy sao/ Anh xin dâng trái tim cho em”. Cô gái này đã rọi sáng con đường, kéo anh ra khỏi cô đơn và đưa anh tới hạnh phúc. Ngay cả khi cô không là của riêng anh, như những ngôi sao ngoài kia, điều đó cũng chẳng phải vấn đề. MV của nó lại càng rực rỡ hơn với các thành viên Coldplay vác nhạc cụ trên vai cùng hoa, ô nhiều màu sắc… và đi dọc đường biểu diễn trong sự cổ vũ nhiệt liệt của khán giả.
Hẳn các phi hành gia sẽ rất thích được nghe ca khúc này khi muốn sốc lại tinh thần vì phải rời xa Trái đất để tới với một thế giới mới ngoài vũ trụ.
Rock ở “NASA Moon Tunes” - từ kinh điển tới hiện đại Có thể bắt gặp rất nhiều tên tuổi, từ kinh điển tới hiện đại, trong làng rock ở NASA Moon Tunes. Bên cạnh những tên tuổi đã giới thiệu ở hai kỳ trước về NASA Moon Tunes là David Bowie và The Beatles, đó là The Rolling Stones, Deep Purple, The Doors, Pink Floyd, Led Zeppelin, Queen, AC/DC, Van Halen, The Smashing Pumkins, R.E.M, The Police, The Byrds, The Church, Van Morrison, Ozzy Osbourne, Bruce Springteen, Fleetwood Mac, The Drum, Arcade Fire, Foo Fighters, The Killers, Radiohead, Muse, Death Cab for Cutie, Linkin Park, Twenty One Pilots, Cold Play… cùng nhiều cái tên khác. |
Thư Vĩ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất