Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Lời “hiệu triệu” trong "Tổ quốc nhìn từ biển"

09/06/2011 14:01 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Tư lệnh Hải quân đã có quyết định khen thưởng đối với những tác phẩm văn học nghệ thuật viết về điển hình tiên tiến trong Quân chủng Hải quân giai đoạn 2006-2010. Nhạc sĩ - nhà báo Quỳnh Hợp đã vinh dự nhận giải A thể loại ca khúc với bài Lính đảo đợi mưa (thơ Trần Đăng Khoa). Chị cũng vừa hoàn thành ca khúc Tổ quốc nhìn từ biển trong những ngày “nóng bỏng” này. 

TT&VH có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Quỳnh Hợp.

Quỳnh Hợp đang hát ca khúc Nghe em hát ở Trường Sa (1988)

* Ca khúc Lính đảo đợi mưa được trao giải A của Bộ Tư lệnh Hải quân, hẳn là để hoàn thành bài hát này, Quỳnh Hợp đã có chuyến thực tế đến Trường Sa? 

- Ca khúc này được sáng tác vào tháng 4/2010 để làm album Trường Sa giữa trùng khơi sóng (đã phát hành). Nói thật là Quỳnh Hợp từng đi những đảo như Cồn Cỏ, Phú Quốc, Côn Đảo, nhưng Trường Sa thì đến thời điểm sáng tác bài Lính đảo đợi mưa (phổ từ bài thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn của nhà thơ Trần Đăng Khoa), Quỳnh Hợp vẫn chưa đến Trường Sa, nhưng bài thơ này đã nói lên tất cả. Đó là bài thơ tả thực chứ không phải lãng mạn hóa, một bài thơ sống động đã thể hiện đầy đủ ý chí kiên cường, sự quyết tâm, khát vọng cũng như những nhọc nhằn của người lính đảo. Bài thơ cũng nói lên rằng khi người lính đảo còn niềm hy vọng để chờ đợi thì họ có thể vượt qua tất cả những gian truân.  Đọc xong bài thơ này Quỳnh Hợp đã viết một mạch để hoàn thành ca khúc Lính đảo đợi mưa. Giai điệu âm nhạc của Lính đảo đợi mưa trẻ trung với cảm giác yêu đời, phấn khích, biểu  đạt tinh thần kiên cường và lòng quyết tâm bám trụ giữ đảo của người lính. 

* Trong rất nhiều bài hát viết về hải quân, về đảo Trường Sa bài hát nào mà lúc viết chị dạt dào cảm xúc nhất? 

- Ngoài bài Lính đảo đợi mưa như đã nói trên, còn có bài Nghe em hát ở Trường Sa được sáng tác trước sự kiện tàu hải quân ở biển đảo Trường Sa năm 1988, đó cũng là thời điểm  Quỳnh Hợp đang học sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Bài hát này vừa sáng tác xong thì một ngày sau được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm để gởi đến Trường Sa. Bài thứ ba là bài vừa mới được sáng tác: Tổ quốc nhìn từ biển, phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.


Quỳnh Hợp và Nguyễn Hồng Sơn cùng cán bộ chiến sĩ đảo Tiên Nữ (5/2011)

* Chị có thể nói thêm về ca khúc này, xem ra cũng rất nóng bỏng thời sự...

- Đúng là chỉ với tựa đề Tổ quốc nhìn từ biển đã gợi cho mọi người nhiều liên tưởng với thực tiễn những ngày gần đây. Bài thơ này Nguyễn Việt Chiến sáng tác từ năm 2009 nhưng rất phù hợp với hoàn cảnh biển đảo hôm nay. Bài thơ khẳng định hùng hồn chủ quyền của đất nước và nói lên lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta. Tình cờ đọc được bài thơ này, Quỳnh Hợp đã có rất nhiều cảm xúc: “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa”...

Quỳnh Hợp đã phổ nhạc thành một khúc tráng ca thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm giữ vững chủ quyền của tổ quốc. Trong những ngày nhạy cảm này, có thể nói nó như một lời hiệu triệu, khơi dậy lòng yêu nước, kêu gọi mọi người đoàn kết, vững vàng, quyết tâm giữ vững vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

* Trong năm nay, Quỳnh Hợp có dự án âm nhạc nào về biển đảo, Trường Sa...?

- Quỳnh Hợp đang cùng Đại tá bác sĩ quân đội Nguyễn Hồng Sơn chuẩn bị cho một album về bộ đội hải quân. Dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong một số bài hát mà có những điều chỉ với những ai đã đến Trường Sa mới có thể hiểu hết được...


Bài hát trong nhạc chuông điện thoại của lính hải quân

Bác sĩ, Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng - người cũng có một ca khúc (Sức sống Trường Sa) được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng giải A - tâm sự về ca khúc của mình cũng như ca khúc của Quỳnh Hợp:

“Trong dịp đi công tác Trường Sa cùng đoàn của quân chủng hải quân, nhìn Trường Sa ban ngày dưới nền trời xanh rất đẹp, ban đêm Trường Sa như một “cung điện” giữa biển khơi sáng rực ánh đèn. Sóng vỗ vào những bờ kè tạo thành những “hoa nước” tuyệt đẹp. Ngày xưa chỉ có cây bàng vuông và phong ba mới tồn tại được ở mảnh đất nắng gió này, nhưng hôm nay có cả những vườn rau xanh um, có cả “Tiếng học vần ê a dưới nếp nhà ngói mới”. Tôi cảm nhận một sức sống mới ở Trường Sa và qua bài thơ của Đoàn Vũ Linh tôi đã phổ nhạc thành ca khúc Sức sống Trường Sa.

Có thể nói ca khúc Sức sống Trường Sa Lính đảo đợi mưa (Quỳnh Hợp phổ thơ Trần Đăng Khoa) là 2 ca khúc đã đi vào đời sống của lính đảo. Nó xuất hiện trong các hội diễn của binh chủng hải quân, trong các liên hoan văn nghệ và trong hầu hết nhạc chuông điện thoại của lính hải quân”.

Bình Minh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm