Làm rõ hơn thông tin liên quan đến việc xử lý vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung

30/06/2016 20:34 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tại buổi họp báo Chính phủ chuyên đề tháng 6/2016, chiều 30/6, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan đã cung cấp thông tin làm rõ hơn những quan tâm của báo chí và dư luận liên quan đến việc xử lý sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại miền Trung.

* Nắm chắc chứng cứ pháp lý xác định Formosa là thủ phạm

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc xác định nguyên nhân hải sản chết hàng loạt tại vùng biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đòi hỏi phải có chứng cứ khoa học chặt chẽ, bài bản. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan cần xác định nguyên nhân vụ việc này theo hướng thận trọng, khoa học, khách quan, bài bản, chính xác.

Từ yêu cầu này, các đơn vị chức năng liên ngành đã thực hiện điều tra, tìm nguyên nhân theo hai nhóm. Nhóm thứ nhất, xác định nguyên nhân, giải thích được hiện tượng gì đang diễn ra trên vùng biển 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế?; cơ chế gì đang diễn ra khiến hải sản ở khu vực này chết hàng loạt?. Nhóm thứ hai, nguồn gây ô nhiễm bắt đầu từ đâu?. Trên thực tế, hai nhóm làm việc này độc lập nhưng có quan hệ biện chứng với nhau.

Ở nhóm thứ nhất, trên 100 nhà khoa học trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực đã tiến hành những công việc liên quan đến việc lấy các mẫu: cá, nước, trầm tích đáy, mẫu sinh vật phù du…Đồng thời, các nhà khoa học cũng tìm hiểu những dấu vết từ vệ tinh, xâu chuỗi, diễn tiến lại sự việc. Nhiều nhà khoa học đã trực tiếp xuống biển, đối mặt với nguy hiểm để tìm hiểu những dấu vết vệ tinh chỉ ra nhằm xác định các chứng cứ.

Từ đây, các lực lượng chức năng đã có kết quả phân tích của hàng nghìn thí nghiệm khác nhau, trong đó có những thí nghiệm phải vài tuần mới có kết quả, phải đối chứng với thực tế để đảm bảo tính pháp lý khi đưa ra làm chứng cứ. Theo trình tự khoa học, các Bộ, ngành liên quan đã tổ chức Hội đồng khoa học nhằm đánh giá các phân tích trên; lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học nước ngoài độc lập.

Qua nhiều bước từ điều tra hiện trường đến phân tích, thí nghiệm, các lực lượng chức năng đã giải thích được hiện tượng hải sản chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung. Theo đó, đây là quá trình di chuyển theo dòng hải lưu của một dạng phức hỗn hợp gọi là mixel được tạo ra từ các độc tố Phenol, Xyanua… kết hợp với Hydroxit Sắt 2, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Bản thân hợp chất này có nhu cầu ô xi và trên đường di chuyển đã lấy ô xi trong nước biển, từ đó là nguồn trực tiếp gây ra cái chết của hải sản. Toàn bộ sự việc này đã được ghi nhận với những chứng cứ thu thập được từ vệ tinh và đáy biển 4 tỉnh trên.

Đối với việc xác định nguồn thải độc tố, lực lượng chức năng đã tiến hành rà soát hàng trăm cơ sở có nguồn xả thải ra khu vực miền Trung, trong đó tập trung vào 3 đối tượng chính, đó là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Điện Vũng Áng và Khu công nghiệp Hà Tĩnh. Các nhà khoa học về luyện thép, luyện kim, chuyên gia về công nghệ môi trường, các nhà quản lý đã cùng kiểm tra, dùng các phương pháp về kiểm toán chất thải, kiểm toán năng lượng, từ đó phát hiện ra hàng loạt vấn đề sai phạm trong công tác quản lý từ khâu thiết kế, đầu tư, xây dựng cho đến vận hành hệ thống xử lý nước thải của Formosa Hà Tĩnh. Từ đó, lực lượng chức năng xác định, chỉ có lò luyện cốc của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh mới phát thải ra chất độc Phenol và Xyanua.

Đến nay, lực lượng chức năng đã nắm giữ đầy đủ chứng cứ thuyết phục để nhà đầu tư Formosa phải thừa nhận, quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

* Đưa ra những căn cứ khoa học tin cậy, khách quan, thuyết phục cao nhất

Thông tin về quá trình tìm ra nguyên nhân cá chết, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định các nhà khoa học trong nước đã nỗ lực, cố gắng cao nhất trong suốt thời gian qua với sự tham gia phối hợp của cả các chuyên gia nước ngoài như Nhật, Pháp, Đức, Mỹ... bổ sung những dữ liệu đối chứng, so sánh, phân tích các chỉ tiêu, thông qua đó chúng ta có được những căn cứ khoa học với đầy đủ độ tin cậy, tính khách quan, thuyết phục cao nhất để đưa đến kết luận được các nhà khoa học trong nước và quốc tế thừa nhận.

Những kết quả đã được công bố là minh chứng sinh động cho những nỗ lực, cố gắng cũng như năng lực của nhà khoa học trong nước trong tiếp cận, xử lý những vấn đề khoa học hết sức phức tạp. Trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân, các nhà khoa học, chuyên gia đã gặp nhiều khó khăn do phải tìm kiếm dấu vết ngay tại thực địa, đáy biển, đồng thời từ đó phân tích hồi tố những điều kiện thực địa ban đầu.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết: sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra vào tháng 12/2014 tại tỉnh Chiba, Nhật Bản mà hơn 1 năm sau (12/2015), Hội đồng đánh giá của Nhật Bản với các chuyên gia hàng đầu về môi trường biển mới có thể kết luận được nguyên nhân là do một công ty gang thép xả thải chất độc ra biển. Từ đó để thấy những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, chuyên gia trong việc tìm nguyên nhân, thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam.

* Công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố môi trường là kịp thời

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, việc chính thức công bố nguyên nhân, chủ thể và các biện pháp xử lý xung quanh tình trạng cá chết chứng tỏ Đảng, Nhà nước chủ trương công khai minh bạch diễn biến và các biện pháp xử lý tình huống môi trường nghiêm trọng này.

Ngay từ đầu sự việc, các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, thủ phạm; đánh giá thiệt hại về kinh tế, môi trường; hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm minh theo pháp luật các cá nhân tổ chức sai phạm...

Khẳng định công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố môi trường này là kịp thời, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh các cơ quan điều tra đã nỗ lực rất lớn, làm hết năng lực và trách nhiệm của mình. Kết quả điều tra là hoàn toàn khách quan, chỉ dựa trên chứng cứ, hoàn toàn loại trừ mọi sự can thiệp làm chậm quá trình điều tra, làm sai lệch kết quả điều tra.

*Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại

Đối với quan tâm của báo giới về việc có khởi tố vụ án hình sự hay không, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc đấu tranh tìm ra thủ phạm xả thải ra môi trường của Formosa Hà Tĩnh là việc làm bày tỏ thái độ rất cương quyết của Chính phủ Việt Nam. Thái độ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là xử lý nghiêm, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, Việt Nam đang xây dựng một môi trường đầu tư thuận lợi, tạo hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và tham gia các Hiệp định thương mại, đang được bạn bè quốc tế và nhà đầu tư ngoài nước đánh giá cao. Đó là, ổn định chính trị, cải thiện môi trường đầu tư và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Việc kinh doanh đầu tư thành công của các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện môi trường đầu tư tại Việt Nam rất tốt.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Formosa Hà Tĩnh nhận lỗi trước Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ và cam kết không tái diễn vụ việc tương tự. Việt Nam có câu" đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại", Chính phủ Việt Nam luôn có thái độ rất rõ là xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam, nhưng đồng thời có chính sách khoan hồng, độ lượng, để các nhà đầu tư nước ngoài có vi phạm nhận lỗi trước Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam, pháp luật Việt Nam cũng đảm bảo cho các nhà đầu hoạt động đúng pháp luật và có hiệu quả; đồng thời cũng có thái độ rõ nếu vi phạm pháp luật sẽ xử lý theo pháp luật.

Làm rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết có khởi tố vụ án hay không là do các cơ quan tố tụng, các cơ quan tư pháp xem xét, Chính phủ không can thiệp vào việc này. Tất cả mọi quyết định đều cần được xem xét dựa trên luật pháp và lợi ích.

*Nhất quán chính sách thu hút đầu tư

Nói về việc thẩm định dự án của Formosa, Thứ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Đặng Huy Đông cho hay, thời điểm năm 2008, quy trình thẩm định dự án đầu tư được tuân thủ theo Nghị định 108 hướng dẫn chi tiết về thực hiện Luật đầu tư 2005. Tại thời điểm đó, đã phân cấp cho UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan có vai trò đóng góp ý kiến thẩm định. Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã góp ý cho UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiều nội dung, trong đó có nội dung về môi trường, nêu rõ “phần đánh giá tác động môi trường của dự án còn sơ sài, chưa đề cập đến các yếu tố nguồn gây tác động, đối tượng và quy mô bị tác động, đánh giá các tác động, biện pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. Đề nghị nhà đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Cũng theo Thứ trưởng Đông, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam sau sự cố này vẫn nhất quán, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, đúng các cam kết đã đưa ra với cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài. Một sự kiện xảy ra là điều đáng tiếc và các cơ quan của Nhà nước, của Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm, coi đây là bài học để rà soát từng chức năng, nhiệm vụ của mình, đảm bảo việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật. Chính sách thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam tại Nghị định 103/2013/NĐ-CP đã đưa ra một số định hướng chủ chốt là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Nikkei (Nhật Bản) về con số bồi thường 500 triệu USD là “rất nhiều” Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định đây là con số rất nhỏ vì mới tính được thiệt hại kinh tế trực tiếp của người dân, mới sơ bộ đánh giá thiệt hại đối với hệ sinh thái biển, mức độ tồn lưu, còn những thiệt hại lớn hơn rất nhiều, đó là thiệt hại về tổn thương tâm lý, những hệ lụy. Ông Trần Hồng Hà cũng nêu rõ “không cần thiết ở chỗ phải là bao nhiêu nhưng chúng tôi yêu cầu Formosa và cổ đông phải tiến hành chuyển đổi công nghệ và thực hiện thật nghiêm, không bao giờ để xảy ra sự cố như vậy… Để xử lý sự cố môi trường với kinh phí đó không phải là lớn”.

* Không chấp nhận việc lợi dụng sự bức xúc của người dân để kích động chống phá Nhà nước

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nêu rõ: từ đầu tháng 4/2016, ngay khi xảy ra sự việc hải sản chết hàng loạt, lực lượng báo chí trong và ngoài nước đã đưa thông tin với tần suất dày đặc và theo nhiều chiều. Đảng và Nhà nước Việt Nam không có chủ trương che giấu thông tin. Hơn nữa, không chỉ người dân cần biết sự thật mà Đảng và Nhà nước cũng cần biết nguyên nhân gây ra sự cố môi trường trên, do đó đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra nguyên nhân vụ việc, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan truyền thông hoạt động theo đúng Luật Báo chí, giảm liều lượng thông tin, không thông tin suy diễn, quy chụp nguyên nhân sự cố môi trường trên để chờ kết luận điều tra. Việc này là cần thiết nhằm tránh thông tin suy diễn, làm trở ngại, tác động đến quá trình điều tra. “Trong sự cố phức tạp và nghiêm trọng như vụ hải sản chết hàng loạt này, các nhà báo không đủ khả năng để tìm ra thủ phạm. Việc điều tra của báo chí không thể thay thế công tác điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học” Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.

Về vấn đề thời gian qua dư luận trên các trang mạng xã hội có nhiều ý kiến phản ứng về thời gian công bố nguyên nhân cá chết, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng: ý kiến đó là hoàn toàn chính đáng và dễ hiểu, vì sự cố này liên quan đến sự an lành của đất nước, liên quan đời sống của người dân, đặc biệt là đời sống của hàng vạn ngư dân ven biển của 4 tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, sự phản ứng thái quá, suy diễn không dựa theo kết quả điều tra đã làm nhiễu loạn thông tin, gây bất lợi cho quá trình điều tra.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong phiên họp Chính phủ chuyên đề sáng 30/6, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát lại tất cả các quy hoạch về môi trường, rà soát lại các tiêu chuẩn, các công chức gián tiếp, trực tiếp liên quan đến vụ việc này sẽ xem xét xử lý pháp luật tùy mức độ vi phạm.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm