Tản mạn trong văn hóa đọc

17/11/2011 14:10 GMT+7

(TT&VH) - Tôi biết rất nhiều người, kể cả đang đi công tác ở nơi xa, vẫn giữ thói quen, cứ sáng sớm là chạy ra đường mua lấy vài tờ báo thể thao, văn nghệ đem về ngấu nghiến đọc. Sách báo cũng là một thứ gây “nghiện”, đã “nghiện" rồi khó có thể bỏ được.

1. Lật lại trang sử xưa, khi con người chưa có chữ viết, giao tiếp của người với  người là giao tiếp trực tiếp. Khi có chữ viết sự giao tiếp giữa người với người mở ra vô cùng, vượt không gian và thời gian - giao tiếp bằng sách báo. Người đọc sách là thâu tóm được nhiều tri thức trở thành người có kiến văn được xã hội coi trọng. Nhưng đọc như thế nào để đạt tới những điều cao cả, hữu ích, khiến cho người khác ngưỡng mộ, yêu tin. Chúng ta có văn hóa ẩm thực, văn hóa ăn mặc sao không có văn hóa đọc.

Cách đây hơn 40 năm, hồi ấy, tôi còn đi học đại học. Trong lũ sinh viên chúng tôi, có một chàng trai trông cũng khá bảnh, đi lại uốn oéo như con gái. Chàng chăm mua sách lắm. Chồng sách nhà chàng ngăn nắp, gáy sách lộ ra những cái tên khả kính. Nhưng mấy lần, chúng tôi để ý, sách của chàng nếp sách còn nguyên, mùi giấy cũng còn nguyên. Cuốn sách nào đã đọc nhìn qua hoặc ngửi mùi là biết. Có chăng, chàng chỉ làm cái công việc bọc bìa rồi rước sách lên giá. Đọc sách là căng óc tiếp nhận thông tin, cũng mệt lắm chứ chẳng chơi.

Cũng trong thời gian còn đi học, có lần, tôi đến với thư viện tìm một cuốn sách. May quá sách vẫn còn. Nhưng khi mở sách ra thì ôi thôi! Cuốn sách đã mất những trang mà tôi cần. Giận này không biết để đâu cho hết. Người đọc trước tôi sao mà tàn nhẫn đến vậy! Tri thức đã in ra trong sách nào của riêng ai mà độc chiếm! Có lần đến tìm sách ở một thư viện nước ngoài, tôi thấy bìa 2 của cuốn sách có gắn một phong bì nhỏ. Trong phong bì này ghi tên và địa chỉ người đã sử dụng cuốn sách và hiện trạng cuốn sách lúc đó. Nhìn vào danh sách có tên lạ, tên quen, tôi thấy như được an ủi vì mình đã không đơn độc trong cuộc truy tìm kiến thức lặng thầm này.



Một cảnh trong phim Sống đẹp

2. Cách đây có lẽ đến gần 10 năm, tôi có ý định biên soạn một cuốn sách tập hợp các bài viết của bản thân mình và các bạn đồng nghiệp. Bản thảo đã chuẩn bị xong, nhưng Mạnh Thường Quân cho cuốn sách của tôi, tự nhiên hờ hững. Buồn quá và cũng bị cụt hứng,  tôi tặng tập bản thảo cho một người bạn với hy vọng bạn tôi sẽ sử dụng nó vào một việc có ích. Gần đây, khi có nhiệm vụ phải viết một bài nghiên cứu có liên quan,  tôi bèn đến xin mượn lại. Nhưng bạn tôi khéo léo từ chối. Không biết đây có nằm trong văn hóa đọc hay không, nhưng tôi buồn lắm.

Cũng có người đọc sách có thói quen đánh dấu vào sách, có người lại ghi cả cảm tưởng rất dài dòng vào lề sách, bất kể sách ấy của ai. Cảm tưởng ấy có khi là những dòng tự thưởng cho mình - một thứ “độc ẩm”. Có khi là một sự phô phang suy nghĩ của mình với người đọc sau chẳng khác gì  một thứ “song ẩm” mà chẳng cần biết kẻ đối diện với mình là ai. Người đọc, ai cũng vậy, chắc chắn chỉ muốn thu nhận thông tin, cộng cảm với tác giả chứ không muốn đọc suy nghĩ của người đọc trước mình trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ như thế.

Tôi còn nhớ hồi đi học, khi làm tiểu luận, thầy tôi cho tôi mượn một tài liệu dịch từ một cuốn sách nghiên cứu của Nga. Trong tài liệu, tác giả có những giải thích rất thuyết phục lý do tồn tại của chế độ mẫu quyền, rồi sự tan vỡ của nó để chuyển sang chế độ phụ quyền. Các vấn đề dân tộc học ấy chi phối, cắt nghĩa các hình tượng dân gian trong truyện cổ. Sách viết hay đến nỗi mọi khúc mắc trong tôi đều được lý giải thấu tình. Tôi mới hỏi thầy tôi sao cuốn này không cho xuất bản. Thầy giải thích thật đơn giản, sách hay nhưng là sách chuyên ngành  thì rất kén độc giả. Tự nhiên tôi thấy xót xa như xót xa người tài hoa mà mệnh bạc. Tôi lại thấy tiếc cho ai không đọc được cuốn sách này. Lúc đó một cái máy chữ cũng khó kiếm, tôi không làm gì để kiến thức trong sách được sinh sôi.

Tản mạn trong văn hóa đọc là rơi vào cái “mênh mông bể Sở”. Chúng tôi còn muốn tản mạn về thị trường sách hiện nay, về sự đa dạng của sách trong thời đại thông tin bùng nổ, về lớp người sử dụng ngoại ngữ không thua kém tiếng mẹ đẻ mấy tí, cùng với lớp người ngay cả khi ăn cũng phải tìm đến những Mắc-đô-nan để tiết kiệm thời gian thì họ có yêu sách không và  đọc sách thế nào. Nhưng chợt nghĩ, với khuôn khổ một bài ngắn thì cũng nên dừng lại. Sợ nhất là mang tiếng tưởng hiểu về văn hóa đọc, nhưng rút cục chẳng hiểu gì về tâm lý độc giả.

Bạn đọc có thể xem loạt phim ngắn về văn hóa đọc, văn hóa ứng xử trong chương trình truyền hình Sống đẹp, phát chính vào lúc 20g hằng ngày trên kênh VTV1 và phát lại trên kênh VTV3 vào 17g53.

Đào Nam Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm