Bước nhảy hoàn vũ: Ghế nóng ban giám khảo

09/05/2010 07:26 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(TT&VH Cuối tuần) - Tối Chủ nhật này, 9/5, sau một tuần nghỉ ngơi, sàn nhảy cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ sẽ lại nóng lên với vòng loại trực tiếp thứ ba - sẽ có cặp nhảy thứ ba theo gót cặp Hoàng Điệp và cặp Tiến Đoàn rời khỏi cuộc chơi. Có thể cảm nhận thấy sức nóng đang “đốt” phía sau Lương Mạnh Hải, Minh Béo, Quang Vinh - những người đang ở vị trí nguy hiểm trên bảng xếp hạng, nhưng cũng không có gì là chắc chắn cho cả Ngô Thanh Vân, Đoan Trang lẫn Siu Black - chỉ sơ sảy, “tai nạn” tí là họ cũng sẽ phải nói lời chia tay. Nhưng có lẽ, nóng không kém các thí sinh trong cuộc thi này là ban giám khảo.

Ghế oai giờ thành ghế nóng


Màn trình diễn của Siu Black tại live show thứ 3 được thành viên BGK Khánh Thi cho điểm 10.
Vị BGK này đã bị khán giả đánh giá là chấm điểm "cảm tính".
Ngoài Chí Anh, ba vị giám khảo còn lại của Bước nhảy hoàn vũ, gồm toàn những người nổi tiếng – đạo diễn Lê Hoàng, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và kiện tướng dance sport Khánh Thi, “tơi tả” vì bình luận của các khán giả trên nhiều diễn đàn, “nặng” nhất là Khánh Thi. Nhất nhất từng lời bình luận và số điểm chấm cho từng thí sinh của các giám khảo đều được những khán giả này “ghi âm” cẩn thận, đối chiếu, so sánh và bình phẩm. Trong đêm thi loại trực tiếp thứ hai, điểm 10 của giám khảo Khánh Thi dành cho Siu Black cùng câu bình phẩm quá đỗi hớ hênh, chẳng ăn nhập gì với vị trí một giám khảo chuyên môn của cô: “Em chỉ đáng tuổi con gái chị thôi, và đây là điều em muốn dành cho chị” rốt cuộc đã tệ hơn việc nhận xét Ngô Thanh Vân “trình diễn tuyệt vời” nhưng chỉ cho điểm 9. Ngược lại, một tuần trước đó, màn diễn cũng của Ngô Thanh Vân với nhận xét của giám khảo Khánh Thi là “không hơn gì các bạn nhảy trước” song lại nhận được từ chính giám khảo này điểm 10!

Tương tự, sự ưu ái “trên bình thường” của giám khảo Nguyễn Quang Dũng dành cho Siu Black và nhất là Lương Mạnh Hải cũng khiến không ít khán giả nghi ngờ vị giám khảo này dường như đang làm việc theo cảm tính. Cách chấm điểm gây không ít ngỡ ngàng của vài vị giám khảo khiến những cuộc ra đi sớm của Vũ Hoàng Điệp và Tiến Đoàn cũng đầy những vết gợn không đáng có. “Tôi thì không sao nhưng bạn nhảy của tôi không hài lòng” - Nam vương “bóng gió” về kết quả thất vọng trong đêm thi thứ hai, trong khi Nữ hoàng sắc đẹp công khai cho rằng ban giám khảo thiếu công tâm với mình... Từ đây, có người “moi” ra thông tin Khánh Thi không chỉ là cố vấn chuyên môn của ban tổ chức mà còn là cố vấn trang phục cho một số thí sinh - những việc lẽ ra vị trí của giám khảo phải nói “không”.


Dù cuộc thi mới đi được 1/4 quãng đường, ban tổ chức đã phải “giải trình” xung quanh vấn đề ban giám khảo trước những bức xúc đôi khi hơi thái quá của khán giả, kiểu như: “Nếu BGK tiếp tục kiểu cho điểm như vậy thì chương trình sẽ mất hết khán giả”. Cái ghế của ban giám khảo, xưa nay vốn oai, giờ thành ghế nóng...


BGK của Bước nhảy hoàn vũ
Giám khảo kiểu mới và những hệ lụy

Thật ra, ban giám khảo luôn luôn là một “vấn đề” trong các cuộc thi. Ngay cả những giải thưởng điện ảnh hoặc LHP danh giá như Oscar, Cannes cũng không hiếm lần bị các nhà phê bình chỉ trích về giải thưởng. Nhưng ở ta, ban giám khảo thực sự trở thành “vấn đề” khi các cuộc thi nằm trong hình thức các cuộc chơi - mà “danh từ chuyên môn” gọi là truyền hình thực tế.

Kể từ khi có kiểu thi - truyền hình thực tế này, khởi đầu từ Sao mai Điểm hẹn, Thần tượng Việt Nam, rồi đến bây giờ Bước nhảy hoàn vũ (và nhiều cuộc thi khác nữa với hình thức tương tự), thay cho hình ảnh các vị giám khảo nghiêm khắc đến... lạnh lùng, chỉ giơ bảng điểm mà không buồn giải thích lấy nửa câu (!) quen thuộc trong các cuộc thi tiếng hát truyền hình truyền thống, hay không cả giơ bảng điểm, mà chấm trong vòng “bí mật” trong các cuộc thi sắc đẹp xưa nay – là một ban giám khảo hoàn toàn khác, được tuyển chọn chẳng khác gì... thí sinh. Giám khảo thời nay trong các chương trình truyền hình thực tế, cũng buộc phải “thực tế”, phải có tài ăn nói, phải có duyên với đám đông, có sức thu hút khán giả chả kém gì thí sinh, thậm chí còn phải hấp dẫn hơn thí sinh nữa (chuyện này không phải ta nghĩ ra, mà có từ “format” mua của Tây, điển hình như bộ ba giám khảo đình đám của American Idol).

Giám khảo kiểu mới mang tới làn gió mới, hấp dẫn hơn, làm cho cuộc thi nhẹ nhàng hơn, hài hước hơn và giải trí hơn – đúng với mục đích tối thượng của nhà tổ chức là thu hút khán giả xem chương trình nhiều hơn, chứ không phải tìm ra người tài năng nhất để trao giải (nếu như hai điều này trùng nhau thì tốt, nhưng nếu không thì cũng chẳng sao). Nếu như khán giả ngồi trước màn hình hiểu cho điều này, họ sẽ chẳng hơi đâu mà... bức xúc với ban giám khảo làm gì. Khổ nỗi, khán giả thì vẫn “truyền thống”, vẫn luôn đòi hỏi sự công bằng trong các cuộc thi. Thế mới phát sinh nhiều hệ lụy từ chính làn gió mới này...

So về phản ứng của khán giả trước các giám khảo thì cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ vẫn chưa “xi nhê” gì. Ngay sau chương trình phát sóng trực tiếp cuộc thi Sao mai Điểm hẹn năm đầu tiên (2004), Thứ trưởng Bộ VH-TT lúc bấy giờ đã gửi công văn tới Tổng giám đốc Đài THVN với nội dung: “Bộ VH-TT đã nhận được nhiều ý kiến của khán giả và công chúng phản ánh sự không đồng tình với các ý kiến phát biểu của Ban giám khảo! Cụ thể, những phát biểu của giám khảo “không tập trung vào các yêu cầu chuyên môn nghệ thuật, lại đưa ra những nhận xét, đánh giá thiếu nghiêm túc, có biểu hiện đi chệch định hướng về văn hóa, văn nghệ của Đảng theo tinh thần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gây bất bình trong dư luận”. Vị giám khảo “bị la” này chính là nhà thơ Đỗ Trung Quân - về sau anh không xuất hiện trên ghế giám khảo cuộc thi này lần nào nữa. Cũng cuộc thi này, những lời nhận xét thẳng thừng của “diva” Mỹ Linh thoạt đầu gây sốc với nhiều người, nhưng sau đó lại được công nhận là thẳng thắn, công tâm.

Thần tượng Việt Nam cũng là cuộc thi tạo ra nhiều màn cười ra nước mắt với ban giám khảo. Thí sinh và cả khán giả không tài nào quên được ấn tượng từ những lời nhận xét của giám khảo, kiểu như: “Cám ơn em. Giọng hát của em khiến tôi nhớ lại một xưởng cưa nơi tôi thường đi qua thời thơ ấu”; “Em đã hát xong rồi à? Sao không đánh thức chúng tôi dậy”, hay: “Rất tiếc khi phải thông báo với em rằng phần thi của em diễn ra vào lúc chúng tôi đang thảo luận xem ai nên ngủ cho lại sức”...

Một trong những cuộc thi mà kết quả cuối cùng do ban giám khảo đưa ra hầu như bao giờ cũng gây nên tranh luận từ hàng ghế khán giả, đó là các cuộc thi nhan sắc, hoa hậu. Vẫn biết “đóa hồng đẹp trong mắt kẻ tình si”, song đâu đó còn râm ran những tin đồn rằng người đẹp này, người đẹp nọ trước khi nhận lời đi thi đã được người của ban tổ chức hứa “sẽ có giải”, thì ghế của các vị cầm cân nảy mực vẫn luôn trong tầm ngắm của dư luận.

“Hậu quả nặng nhất về việc đánh giá công tâm hay không công tâm trong việc chấm điểm là thuộc về những thành viên trong ban giám khảo chứ không thuộc về ban tổ chức hay khán giả” – ông Nguyễn Quang Minh, TGĐ Cát Tiên Sa, đơn vị đồng tổ chức Bước nhảy hoàn vũ, đã đẩy “quả bóng” về phía ban giám khảo. Ghế nóng quả là... rất nóng!

Lần đầu tiên, TBT báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 (vòng chung kết diễn ra vào tháng Tám năm nay tại Tuần Châu, Hạ Long) sẽ không ngồi ghế ban giám khảo. Chưa biết “chất lượng mắt” của ban giám khảo Hoa hậu Việt Nam 2010 sẽ như thế nào song việc ông trưởng giải không cùng lúc “đá bóng, thổi còi” đã khiến dư luận đánh giá cao với hy vọng về sự công tâm, trung thực.


P.T.T.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm