(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Uông Triều quê ở Quảng Ninh, nhưng đã chuyển công tác về Thủ đô được 10 năm và đã “phải lòng” Hà Nội nhiều thứ. Anh “trò chuyện” với Hà Nội như một người bạn qua những lần “bát phố”, la cà vào những quán xá, từ “sang chảnh” cho đến bình dân nơi vỉa hè, để thưởng thức phong vị đa dạng của ẩm thực đất Hà thành.
Trong bối cảnh mô hình cải tạo các chợ truyền thống tại Hà Nội vẫn là một câu hỏi để ngỏ, những ý tưởng từ dự án Diện mạo mới cho chợ dân sinh ở Hà Nội là một gợi ý đáng giá. Dự án đã được đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2019 ở hạng mục giải Ý tưởng.
Anh viết khá nhiều về Hà Nội. Chẳng hạn, chỉ cần vào trang báo điện tử An ninh Thủ đô search tên Uông Triều thì có tới 4 trang là những bài viết của anh về chủ đề Hà Nội.
Tháng 10/2018, cuốn tản văn, ký sự Hà Nội quán xá phố phường của anh đã chính thức được phát hành, trong đó có 500 phiên bản bìa cứng, tranh popup 3D mô hình địa danh Hà Nội kèm chữ ký tác giả. Cách làm này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người yêu mến, sưu tầm sách về Hà Nội.
Viết về phố và ẩm thực là... rất mệt
Anh “tự bạch” với Thể thao và Văn hóa (TTXVN):
- Tôi dạy học 10 năm thì chuyển sang viết văn chuyên nghiệp. Tất nhiên trong lúc dạy học tôi đã viết rồi vì đó là ước mơ của tôi từ thuở bé.
Dạy học là nghề nghiệp, văn chương là ước mơ. Khi dạy học, tôi đã có một vị trí vững chãi và có tay nghề, cho nên khi tôi thôi dạy học, chuyển sang viết văn, nhiều người đã cho rằng thế là điên rồ. Bởi ở Quảng Ninh tôi đã ổn định, có gần như đầy đủ, lên Hà Nội nghĩa là bắt đầu lại từ đầu và dám đánh đổi nghề nghiệp với ước mơ.
* Là một người ở xa đến Hà Nội, anh có nhận xét gì?
- Thực ra, tôi là người quay về Hà Nội sau đúng 10 năm. Tôi học đại học ở Hà Nội, về Quảng Ninh đúng 10 năm rồi quay lại. Khi trở về Hà Nội, tôi thấy thành phố này quá khác, phát triển quá nhanh. Hồi tôi hồi đại học, hiếm tắc đường lắm, đường phố nhiều xe đạp, ít ô tô. Còn bây giờ thì ngược lại. Phố không thấy xe đạp, toàn ô tô xe máy và tắc đường liên tục. Tất nhiên Hà Nội giờ có nhiều con đường mới, nhiều nhà cao tầng, hiện đại và giàu có hơn rất nhiều.
* Đã có rất nhiều người viết, nghiên cứu về Hà Nội, nhưng chắc hẳn anh phải có cách riêng để tạo sự khác biệt cho những trang sách của mình về Hà Nội. Cách ấy là gì vậy, thưa anh?
- Tôi nhìn Hà Nội theo cách của riêng tôi, cụ thể là cách nhìn của một người tỉnh lẻ với Thủ đô. Người Hà Nội gốc đôi khi họ thấy những điều quen thuộc nào đó mà không để ý, còn tôi, tôi quan sát nó từ xa, tôi không bị định kiến hay ám ảnh. Hà Nội độc lập và khách quan với tôi.
Ví dụ một người bạn tôi bảo, những người Hà Nội gốc họ ít đi ăn những quán lạ, họ mặc định phải đến những chỗ thân quen từ bé hoặc bị ảnh hưởng. Tôi thì không, sự lựa chọn của tôi đa dạng và ít khi bị cảm tính như những người sống ở đây quá lâu.
* “Hà Nội quán xá phố phường” của anh mang dáng dấp một tác phẩm địa chí, văn hóa. Hẳn anh đã phải đọc, phải nghiên cứu rất nhiều các tư liệu, phải đi, phải thu thập thông tin và chắc hẳn phải ăn uống, tốn kém rất nhiều?
- Nói chung viết về phố và ẩm thực là... rất mệt. Tôi phải đi bộ lang thang các phố, tay cầm một cuốn sổ nhỏ, chăm chăm ghi chép. Mò vào từng ngõ phố hẹp, ngắm nghía săm soi từng căn nhà, ngôi chùa, rồi tra cứu tài liệu, đối chiếu… Viết về món ăn thì càng vất vả hơn, vì phải cưỡng lại ham muốn muốn ăn, lại phải ăn quá nhiều một món nào đấy ở nhiều hàng để so sánh cảm nhận. Có ngày tôi đã ăn ba bữa bánh rán để cảm nhận về nó. Kỷ niệm của tôi có rất nhiều mùi dầu mỡ, hành, dấm, tỏi và các thứ gia vị…
* Ẩm thực Hà Nội đôi khi ngon - bổ - rẻ lại nằm ở những hàng quán vỉa hè, đến khách du lịch quốc tế cũng phải ca ngợi. Nhưng hàng quán vỉa hè cũng lại là nguyên nhân khiến cho phố phường Hà Nội nhếch nhác. Anh có nghĩ vậy không?
- Đó là một bài toán cần giải quyết hài hoà. Dẹp món ăn đường phố thì không còn là Hà Nội nữa mà để tràn lan thì nhếch nhác mất vệ sinh. Cái này cần sự đầu tư của cả cá nhân và chính quyền, vẫn để tồn tại nhưng kiểm soát được về trật tự cảnh quan đô thị và vệ sinh. Người dân cũng cần được ý thức về điều này để bảo vệ nguồn mưu sinh của mình mà vẫn làm đẹp thành phố.
Tôi đề nghị có một bảng chấm điểm công khai trên mạng điện tử lấy ý kiến của khách hàng về các hàng quán này. Chỗ nào đáp ứng các yêu cầu về mỹ quan, vệ sinh, được khách hàng hài lòng thì cho phép tồn tại, thậm chí hỗ trợ, chỗ nào kém cần chấn chỉnh hoặc dẹp bỏ. Nhiều lỗi vi phạm sẽ bị phạt hoặc không cho hoạt động.
* Có ý kiến cho rằng: Ăn uống của người Hà Nội cần phản ánh đúng nét văn hóa thanh lịch của người dân kinh kỳ, lịch sự, tao nhã và sang trọng. Còn ý kiến của anh?
- Món ăn ở Hà Nội cầu kỳ hơn nơi khác, sự cầu kỳ có khi chỉ thua Huế.
Hà Nội có những món ăn của riêng mình, nó cũng du nhập những tinh hoa ẩm thực từ nơi khác và lại có những cách sáng tạo riêng. Ví dụ phở là món lâu đời của Hà Nội và sau này có thêm bánh cuốn phở. Ở Hà Nội cũng không thiếu mì vằn thắn, bún bò, nem lụi, bánh đa cá… những món ăn có nguồn gốc ở nơi khác, thậm chí từ nước ngoài.
Về cơ bản tôi đánh giá món ăn Hà Nội khá tinh tế và đa dạng. Ngay cả món đặc trưng nhất là phở, mỗi hàng cũng khác nhau.
Cần “cứu nguy” cho văn hóa Hà Nội
* Trong một bài trả lời phỏng vấn, anh có nói: “Văn hóa Hà Nội đang gặp nguy...”. Vậy anh thấy “nguy” nhất ở điểm nào và nguyên nhân chính là do đâu?
- Nguy hiểm nhất là cái “chất” Hà Nội bị mai một dần. Chất Hà Nội là sự tao nhã, lịch sự, là sự khoan thai, nhẹ nhàng, cả trong sinh hoạt và ẩm thực. Cái chất này đang mất nhiều đi, thậm chí ngày càng hiếm gặp. Nguyên nhân chính là chúng ta phát triển nhanh và đông đúc quá.
Ngày xưa Hà Nội thanh lịch tao nhã vì Hà Nội có không gian, thời gian để làm việc đó. Bây giờ thì phố xá đông nghịt, tắc đường. Ai cũng muốn nhanh, muốn gấp; ai còn nghĩ đến thanh lịch, tao nhã? Ăn một bát phở cũng phải chen chúc, lên xe bus cũng xô đẩy, rác xả ra thu không kịp… Những điều ấy khiến người ta khó thanh nhã được.
* Vậy, để “cứu nguy” cho văn hóa Hà Nội, chúng ta cần phải làm gì, thưa anh?
- Tôi nghĩ cần đặt ra các tiêu chuẩn và thực thi nó nghiêm, ví dụ tiêu chuẩn về quán ăn, tiêu chuẩn về bến xe, bệnh viện… và được sự đánh giá của nhân dân. Cái chính là chúng ta phải nghiêm và giải quyết căn bản vấn đề nhưng hai điều đó thường lại rất yếu. Tôi không lạc quan lắm về sự cải thiện này trong tương lai gần.
* Bên cạnh những cái “nguy”, văn hóa Hà Nội bây giờ hẳn anh cũng nhìn thấy được những cái đẹp, cái tích cực chứ. Đó là gì vậy, thưa anh?
- Hà Nội có lợi thế là Thủ đô, không địa phương nào trong cả nước có được điều đó. Những người giỏi nhất đều về Hà Nội, nghĩa là Hà Nội có rất nhiều điều kiện để phát triển, cả kinh tế và văn hoá.
Hà Nội phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng được xây dựng nhanh, cảnh quan đô thị đã có những tiến triển, người Hà Nội ngày càng có học thức cao và cũng là nơi giao thoa và ảnh hưởng văn hoá quốc tế mạnh mẽ. Một bộ phận lớp trẻ ngày càng văn minh, hiện đại và có ý thức về cộng đồng, về văn hoá Thủ đô..
* Anh có dự định viết tiếp về Hà Nội không? Nếu có, chủ đề anh chọn là gì?
- Có. Năm sau hoặc năm sau nữa, tôi sẽ in một cuốn sách về Hà Nội, dự định đặt tên là Hà Nội - dấu xưa phố cũ. Sau đó là một tiểu thuyết về Hà Nội, tôi đã viết được mấy chục trang.
* Xin cảm ơn anh!
Đôi nét về nhà văn Uông Triều
Nhà văn Uông Triều, tên thật là Nguyễn Xuân Ban (sinh năm 1977). Tên Uông Triều là ghép từ hai địa danh Uông Bí và Đông Triều, quê của nhà văn.
Các tác phẩm chính: Đôi mắt Đông Hoàng (tập truyện ngắn), Những pho tượng đá ở Yên Tử (khảo cứu), Tưởng tượng và dấu vết (tiểu thuyết), Sương mù tháng Giêng (tiểu thuyết lịch sử), Người mê (tiểu thuyết)...
Hiện Uông Triều công tác tại Tạp chí Văn Nghệ Quân đội
|
Đề cử Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội 2019
1. Sách Một thời Hà Nội hát Tim cũng không ngờ làm nên lời ca của Nguyễn Trương Quý - góc tiếp cận độc đáo về đời sống Hà Nội qua âm nhạc của Đoàn Chuẩn.
2. Sách Kim Liên một thuở của Vũ Công Chiến - ký ức dung dị về đời sống Hà Nội trong quá khứ ở các khu tập thể cũ.
3. Sách Hà Nội quán xá phố phường của Uông Triều - bức tranh Hà Nội trong ẩm thực.
|
Phạm Huy (thực hiện)