Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn Ngợi ca “Phù phiếm”

12/09/2011 14:45 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - 18 phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn là 18 cách phô diễn đường cong thân thể và sắc màu của quần áo - nhục dục. Họ vừa “sành điệu” vừa e ấp; vừa phá cách vừa thanh lịch; vừa khêu gợi vừa bí ẩn; vừa lộ liễu vừa ngụy trang… Với triển lãm tranh lụa Phù phiếm, đang diễn ra tại TP. HCM, Bùi Tiến Tuấn đã đưa người xem khỏi cái khuôn hình dung “quê quê” về lụa…


Bùi Tiến Tuấn

Sau triển lãm Lụa khá thành công vào năm 2009, ngày 8/9 vừa qua, Phù phiếm - triển lãm lụa lần thứ hai của Bùi Tiến Tuấn được khai mạc tại khu nhà Lily 19 (BP Compound, Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) - đã “làm rõ” hơn cách vẽ mà Bùi Tiến Tuấn đã chọn. Ngày 12/9, triển lãm được dời về và “tái khai mạc” tại phòng tranh Craig Thomas (27i Trần Nhật Duật, Q.1), kéo dài đến hết ngày 25/9.

Vẫn phải khẳng định một lần nữa, Bùi Tiến Tuấn đã dẫn dụ và “phủ định” người xem ra khỏi cái khuôn hình dung “quê quê” về lụa. 18 tác phẩm cùng khổ (83 x 135 cm, hoặc 135 x 83 cm) hoàn toàn là cái nhìn của một thị dân, về con người và chủ đề cũng đậm chất thị dân: “lụa là gấm vóc”. Điều đáng chú ý, dù cách vẽ khá “khác lụa” truyền thống, nhưng vẫn được đón nhận nồng nhiệt, ngay trong ngày khai mạc, với giá khá cao, đã có 6 - 7 tác phẩm được bán.

Lụa và ngôn ngữ biểu hiện

Bằng ngôn ngữ hội họa biểu hiện có tính giao thoa, 18 phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn là 18 cách phô diễn đường cong thân thể và sắc màu của quần áo - nhục dục. Họ vừa “sành điệu” vừa e ấp; vừa phá cách vừa thanh lịch; vừa khêu gợi vừa bí ẩn; vừa lộ liễu vừa ngụy trang... Nên thật tài tình khi triển lãm được đặt tên là Phù phiếm - trong tiếng Việt, “phù phiếm” vừa được hiểu là viển vông, không thực tế, vừa biểu thị sự xa hoa, sang trọng, quý phái.

Với đôi mắt lá răm (lớn, một mí, đuôi dài, sắc, ướt...), một kiểu di truyền và thẩm mỹ phổ biến ở Đông phương, phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn vừa riêng lẻ vừa đại chúng. Có thể đó là một “khuôn mẫu” mà nghệ sĩ nương theo, mà cũng có thể là bất kì ai, miễn ánh mắt ấy đủ “hớp hồn” ta. Con mắt lá răm là trung tâm của mọi tâm trạng và cảm xúc trong tác phẩm của họa sĩ này.

Tác phẩm Khỏa thân và mặt nạ, mực và màu nước trên lụa Mã Châu, 135 x 83 cm, 2011

Bên cạnh đó, những cử chỉ, điệu bộ và “phụ kiện” kèm theo ánh mắt ấy cũng vừa quen thuộc vừa lạ hóa; vừa ngoan hiền vừa tinh quái; vừa buồn đau vừa hoan lạc; vừa thánh thiện vừa tinh quái...

Có một chi tiết khi xem tranh, nhìn chữ ký thì có thể biết tác giả đang đề nghị một bố cục như vậy. Nhưng thật ra, với tư duy khá phóng khoáng, nhiều tác phẩm trong Phù phiếm có thể xoay 2-3 chiều để xem vẫn được, vì tư thế và ánh mắt của nhân vật cho phép làm điều đó. Ánh mắt ấy rất khác “lối nhìn bâng quơ” của hội họa, mà giống với nhiếp ảnh thời trang, quảng cáo... hơn, khi mà người xem có cảm giác nó luôn dõi theo mình, dù từ góc độ nào. Việc thay đổi bố cục và “tâm/tầm nhìn” của nhân vật đã giúp Bùi Tiến Tuấn (sinh 1971 tại Hội An) mặc nhiên vượt ra khỏi định chế thường thấy của tranh lụa Việt Nam. Và cũng vì rất cởi mở về điểm nhìn, nên ngay từ kỹ thuật về bố cục, nó đã mang tính chất phù phiếm - theo nghĩa không câu nệ, không chạy theo một chuẩn mực, mà cần sự đa dạng.

Người đầu tiên vẽ lụa Mã Châu?

Làng lụa Mã Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam) có lịch sử hơn 400 năm, gắn liền với thiên tình sử của bà Đoàn Quý Phi (1601-1661) với chúa Nguyễn Phúc Lan. Qua năm tháng, làng nghề này có nhiều thăng trầm, sau 1975 thì hồi sinh với hơn 300 gia đình trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa... Nhưng khoảng 20 năm gần đây thì chỉ còn nghề dệt lụa, với tơ tổng hợp, giá rẻ, mua từ Trung Quốc, nghề trồng dâu nuôi tằm gần như vắng bóng.

Tác phẩm Nàng bikini, mực và màu nước trên lụa Mã Châu, 135 x 83 cm, 2011

Bùi Tiến Tuấn học về lụa, nhưng khi ra trường lại theo đuổi những vật liệu khác, đến cuối năm 2008 mới quyết liệt quay trở lại. Đúng lúc này, làng nghề Mã Châu cũng đang tìm hướng hồi sinh, họ muốn khôi phục diện tích trồng dâu, để có thể làm ra tơ lụa chất lượng cao. Vì thị trường Ấn Độ, Trung Đông... đang cần “lụa là gấm vóc” đúng nghĩa.

Một số tác phẩm tại triển lãm lần này, Bùi Tiến Tuấn đã bắt đầu thử nghiệm với lụa Mã Châu, vốn dày và mịn hơn, nếu so với lụa Hà Đông. Chính vì vậy, cách xử lý, cách vẽ và cách bồi tranh cũng khác. Bùi Tiến Tuấn tâm sự, nếu xử lý không đúng cách, chúng ta dễ dàng phê phán lụa Mã Châu không thể dùng để vẽ tranh, mà thực tế, gần như nó cũng chưa có tiền lệ cho việc này. Anh phải nhờ các nghệ nhân dân gian chỉ cách để làm cho lụa được “nhuyễn” đúng như ý của mình. Hiệu quả mà lụa Mã Châu mang lại cho tác phẩm cũng hoàn toàn khác với lụa phổ biến trên thị trường.

Tự nhận mình không hiểu nhiều về tơ lụa Mã Châu, nhưng bằng tác phẩm, cũng như việc giảng dạy khoa lụa tại ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Bùi Tiến Tuấn hi vọng trong tương lai gần, anh và sinh viên của mình sẽ có sự quan tâm sâu sát hơn về một vật liệu đang hồi sinh.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm