Vì sao người Brazil tôn thờ số 10 và Neymar?

14/06/2014 09:54 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Số 10. Số 10. Và chỉ số 10 mà thôi. Ở Brazil, bóng đá phải là số 10. Số 10 gạch nối từ Pele đến Neymar. Số 10 hoàn hảo theo cách của người Brazil.

Cứ ra ngõ là gặp áo vàng. Không cần phải đợi đến World Cup, người dân Brazil nói chung và những người sinh sống ở Sao Paulo nói riêng đã quá quen ra đường với những chiếc áo thi đấu truyền thống của đội tuyển Brazil. “Nếu được cho phép, tôi sẽ thường xuyên đến công sở với chiếc áo vàng này. Nhưng người ta cứ bắt phải mặc đồ Âu cơ. Chả biết để làm gì. Đó không phải là trang phục truyền thống của đất nước chúng tôi”, nhân viên ngân hàng Lorenzo than thở đầy ấm ức.

Brazil là số 10, là Pele

10 người mặc áo vàng ra đường thì phải có đến 8 người chọn số 10. Đó là sự khác biệt rất lớn giữa Brazil và các nền bóng đá ở châu Âu. Italy không tôn thờ số 10, những số nhỏ gắn liền với các hậu vệ lại được nhớ nhiều hơn. Đức số nào cũng được, miễn là chiến thắng. “Tam sư” Anh lúc thì thích số 9, lúc coi trọng số 7, khi thì số 10, nhưng không có số áo nào tượng trưng cho chiến thắng, vì họ… thất bại quá nhiều. Pháp có Platini, có Zidane, nhưng chưa đến mức khiến người ta phát rồ.

“Ở Brazil thì khác, số 10 là tất cả. Tượng trưng cho sự hoàn hảo. Cho giấc mơ vươn lên. Cho một xã hội bình đẳng, không phân biệt màu da. Cho tố chất thiên tài. Cho sự thông minh, đến mức tinh quái. Và cho sự sáng tạo, ngẫu hứng vượt lên trên những tính toán, kỷ luật khô khan”, anh Joao Miguel, 35 tuổi, với chiếc áo số 10 sau lưng và phía trước in số 1958 (năm Brazil lần đầu vô địch thế giới), phân tích. “Nói ngắn gọn, số 10 là Pele”.

Khi tôi hỏi anh về cầu thủ yêu thích nhất, Joao Miguel không mất một giây suy nghĩ: “Pele. Đương nhiên là Pele. Với tôi và tất cả người Brazil, luôn là Pele”. Vì sao? Anh trả lời bằng một câu hỏi: “Khi nhắc đến Pele, bạn nghĩ ngay đến điều gì? Brazil và bóng đá phải không?”. Ở Brazil, bóng đá có trước Pele từ rất lâu. Nhưng chỉ khi Pele xuất hiện ở World Cup 1958 tại Thụy Điển và trở thành thiên tài ở tuổi 17, hình ảnh Brazil mới vượt ra khỏi biên giới Nam Mỹ, bóng đá Brazil mới trở thành thương hiệu toàn cầu. “Mọi đứa trẻ ở đây, kể từ khi chạm vào trái bóng bằng đôi chân trần, đều ôm giấc mơ vươn lên tầm của Pele”, Juliana, một cô gái đang du học ở Mỹ và nói tiếng Anh rất lưu loát, cho biết.

Niềm hy vọng Neymar

10 chiếc áo vàng, 8 chiếc số 10, trong đó ít nhất 4 chiếc có chữ Neymar. Không cần phải đợi đến khi Neymar lập cú đúp để giúp Brazil thắng ngược Croatia 3-1 ở trận khai màn World Cup 2014. Cũng chẳng cần phải chờ đến khi Neymar trở thành ngôi sao số 1 của đội tuyển Brazil.

“Từ 4 năm trước, khi chỉ mới 17, 18 tuổi, chúng tôi đã nhìn thấy hình ảnh Pele ở Neymar. Anh là nhà báo, chắc anh biết vụ Dunga không đưa Neymar đến Nam Phi dự World Cup 2010? Lúc đó nhiều người chúng tôi đã kéo đến nhà Dunga, dọa sẽ đốt nhà ông ta nếu không dùng Neymar. Tôi đã có mặt ở trong nhóm ấy. Tất nhiên lúc đó tôi còn trẻ, hơi quá khích. Nhưng Dunga chẳng biết gì về chơi bóng, sáng tạo. Ông ta chỉ biết phá bóng và toan tính. Và ông ta đã trả giá”, cô Juliana kể lại. (Đừng ngạc nhiên khi thấy một cô gái Brazil am hiểu bóng đá).

Neymar có thực sự sở hữu những tố chất của một số 10 Brazil? Một lần nữa, anh Joao Miguel trả lời bằng câu hỏi: “Trên thế giới hiện tại, anh có thấy ai biết nhảy múa với trái bóng ngoài Neymar? Messi? Anh ta có thể đi bóng qua 4, 5 người, nhưng không phải là nhảy múa. Ronaldo của Bồ? Anh ta quá phụ thuộc vào tốc độ, và không phải là mẫu cầu thủ sáng tạo. Neymar thì khác, luôn sáng tạo, luôn nhảy múa, dám tạo ra đột biến bằng những pha xử lý bóng táo bạo”.

Nhưng Neymar ấy lại mang tiếng ăn vạ quá nhiều, và suýt bị đuổi vì pha va chạm với Luka Modric ở trận gặp Croatia vừa qua. Juliana lý giải: “Tôi không thích đàn ông vừa giỏi, vừa hiền, vừa ngoan. Phải có khuyết điểm thì người ta mới… yêu. Hãy nhìn đi, Messi có khuyết điểm về nhân cách không? Theo tôi là không, anh ấy quá ngoan. Nhưng người Argentina lại tôn thờ một Maradona đầy tật xấu”.

“Dù thế nào, Neymar phải giúp Brazil vô địch World Cup năm nay”, anh Joao Miguel kết luận. “Số 10 mà không vô địch thế giới thì cũng chỉ là số 10… thường”.

Nhật ký hành trình

Tràn ngập áo vàng “Made in China” chất lượng thấp

Tập đoàn Nike, nhà tài trợ áo đấu của đội tuyển Brazil, có lẽ sẽ kiếm cả núi tiền nếu người Brazil nào cũng dùng áo xịn, chính hãng, nhưng đa số cổ động viên Brazil lại thuộc tầng lớp lao động có thu nhập thấp. “Họ yêu đội tuyển, họ thích khoác áo vàng, nhưng họ lại không có tiền. Hàng ‘Made in China’ chất lượng thấp chính là giải pháp” – Một CĐV tên Joao Miguel cho biết. “Tôi đây cũng dùng hàng chất lượng thấp. Quan trọng gì, tình yêu mới là tất cả”.

“Một đất nước bị hủy diệt trong bệnh viện”

Một biểu ngữ mà phóng viên Vũ Tú bắt gặp trong khi đưa tin về vụ biểu tình ở Rio de Janeiro.Với dòng chữ: “Một đất nước của World Cup là một đất nước bị hủy diệt trong bệnh viện”. Dịch vụ y tế của Brazil là rất tệ. Những ai có bảo hiểm đắt tiền đều có tìm bác sĩ giỏi ở bất cứ đâu, trừ tại các bệnh viện công. Tại một thành phố giàu có như Brasillia, giải pháp chữa bệnh tốt nhất vẫn là “đáp máy bay đi Sao Paulo”.

“Thà không bóng đá, còn hơn thiếu sức khỏe và giáo dục”

Anh Carlos, một thành viên trong trang phục Người dơi với dòng chữ “Một đất nước bóng đá chẳng có ý nghĩa gì nếu không có sức khỏe và giáo dục”. Ông Airton Pereira Lopes, một nhân viên bán hàng đã nghỉ hưu, phải chờ 35 ngày để được điều trị cho cánh tay gãy của mình. Tháng Ba năm ngoái, một nữ bác sĩ bị cáo buộc đã sát hại đến 300 người chỉ để giải phóng diện tích khu chăm sóc đặc biệt của một bệnh viên ở Curitiba.


ĐỨC LỘC (từ Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm