30/06/2013 19:36 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(Thethaovanhoa.vn) - Không còn thời gian, không có những ngôi sao lớn đích thực, không nhiều hy vọng, ngay cả một giải Confederations Cup khá thành công trên sân nhà cũng không thể giúp các cổ động viên áo vàng tin tưởng hơn vào đội bóng của họ, một Selecao được cho là dở nhất trong lịch sử, dù World Cup 2014 sẽ được tổ chức ở Brazil.
Nỗi đau của Neymar ở chung kết Olympic London 2012. Brazil sẽ
không muốn thấy lại hình ảnh này mùa hè sang năm
Những ám ảnh quá khứ
Kể từ bảy năm trước, khi Brazil được tuyên bố là nước chủ nhà World Cup 2014, một ký ức khó chịu đã hiện lên trở lại với những người hâm mộ màu áo vàng: Maracanazo. Đó là từ riêng dùng để chỉ bi kịch với bóng đá Brazil năm 1950, ở kỳ World Cup tổ chức trên sân nhà, họ bị Uruguay đánh bại ngay tại thánh địa Maracana và để tuột chức vô địch thế giới vào tay đối thủ.
Sau thất bại ấy là màn …quốc tang, một vết sẹo lên cả một thế hệ các cầu thủ và huấn luyện viên. Nỗi đau thậm chí trở thành một ám ảnh tâm lý với Brazil. Vì vậy, câu hỏi ở World Cup 2014 không phải là liệu Brazil có thể vô địch trên sân nhà hay không, mà là liệu Selecao có chịu nổi một thất bại nữa, trong trận chung kết, ở Maracana hay không?
Một năm trước khi giải đấu khai màn, Brazil vẫn đang vật lộn với công tác hoàn thiện những sân bóng và cơ sở hạ tầng, nhưng nỗi lo lớn nhất với các cổ động viên samba vẫn là đội tuyển của họ. Từ các chuyên gia bóng đá trên truyền hình tới những chuyên gia trong quán rượu, các ý kiến bị chia rẽ thành hai thái cực. Những người bi quan nói đây là đội tuyển tệ nhất trong lịch sử bóng đá Brazil, khi họ đã rơi xuống thứ 22 trên bảng xếp hạng FIFA, thấp nhất trong lịch sử, kém Thụy Sĩ năm bậc và Ecuador chín bậc! Nhưng những người lạc quan lại cho rằng bất chấp khó khăn trắc trở, Brazil vẫn có hy vọng đăng quang trên sân nhà.
Cuộc chuyển giao đột ngột
Trước khi bắt đầu phân định ai đúng ai sai, hãy trở lại một chút vào thời điểm tháng 8/2010, khi huấn luyện viên Mano Menezes được bổ nhiệm sau World Cup 2010. Ông đã tiến hành những cải cách từ từ với đội bóng, mục tiêu trước mắt là Olympic London 2012, còn dài hạn là World Cup vào bốn năm sau. Hàng công của ông là Neymar và Ganso, những chàng trai trẻ của câu lạc bộ Santos đã vắng mặt ở đội hình World Cup 2010 khiến người tiền nhiệm Dunga của ông bị chỉ trích dữ dội.
Nhưng mọi việc không suôn sẻ với Menezes như dự kiến. Trong nỗ lực đầu tiên, Copa America 2011, ông giữ lại những hạt nhân của đội hình World Cup 2010, Brazil chơi kém cỏi, bị Paraguay loại ở tứ kết sau loạt sút luân lưu. Ngay cả vô địch cũng chưa chắc đáng ăn mừng, bởi đó chỉ là giải vô địch Nam Mỹ, nhưng thất bại là một tai họa. Áp lực ngay lập tức đè nặng lên vai Menezes.
Trong khi đó, Liên đoàn bóng đá Brazil (CBF) cũng có cuộc chuyển giao quan trọng. Sau 23 năm cầm quyền, Ricardo Texeira từ nhiệm chủ tịch vào tháng 3/2012 trong những bê bối hối lộ và tham nhũng lan rộng. Thay thế ông là Jose Maria Marin, một nhân vật thậm chí còn nhiều tranh cãi hơn với quá khứ liên hệ cùng chế độ độc tài quân sự.
Menezes sống sót qua cuộc chuyển giao quyền lực, và cả thất bại ở London. Chiếc huy chương bạc tại Wembley trước đối thủ bị đánh giá thấp hơn Mexico là một trải nghiệm cay đắng, nhưng ông chỉ bị sa thải vào tháng 11/2012, khi mà theo nhiều người, là thời điểm tốt nhất của Menezes cùng đội tuyển quốc gia. Dưới thời ông, Selecao thắng 21 trận, hòa sáu và thua sáu. Ông triệu tập tổng cộng 102 cầu thủ, rất nhiều người còn vô danh, dẫn tới những cáo buộc ông có liên hệ với giới cò cầu thủ để lăng-xê cho thân chủ của họ.
Tới lượt Big Phil
Câu hỏi ở World Cup 2014 không phải liệu Brazil có thể vô địch trên sân nhà hay không, mà là liệu Selecao có chịu nổi một thất bại nữa, trong trận chung kết, ở Maracana hay không ? |
Vài ngày sau khi sa thải Menezes, CBF ra mắt ban huấn luyện mới, chỉ có điều là nó không mới lắm: Luiz Felipe Scolari, hay Big Phil, và trợ lý Carlos Alberto Parreira, hai người đã ngồi ghế huấn luyện viên trong các chiến dịch vô địch World Cup 2002 và 1994. Ngay từ đầu, nhiều nghi ngờ đã được nêu ra với họ.
Kể từ khi rời đội tuyển Bồ Đào Nha sau Euro 2008, Scolari đã không làm được gì nhiều. Sau thất bại tại Chelsea và một mùa giải chẳng ai biết ra sao cùng Bunyodkor tại Uzbekistan, ông gặp nhiều trục trặc với Palmeiras. Năm ngoái, ông giành Cúp quốc gia Brazil, nhưng bị sa thải vào tháng 9 khi câu lạc bộ lơ lửng trên vùng rớt hạng. “Kể từ khi trở lại Brazil, Scolari chưa làm gì để chứng tỏ ông xứng đáng dẫn dắt đội tuyển quốc gia”, bình luận viên bóng đá Brazil Paulo Vinicius Coelho nói.
Nhưng ít ra Scolari vẫn có hào quang quá khứ. “Ông ấy là huấn luyện viên thành công nhất trong lịch sử Brazil”, Coelho thừa nhận. “Những điều đó có còn đúng với hiện tại hay không là vấn đề khác”. Phong cách của Scolari cũng là một vấn đề, khi các cổ động viên áo vàng muốn được thấy đội bóng không chỉ chiến thắng, mà còn chiến thắng một cách đẹp mắt.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Scolari tuyên bố với ông các tiền vệ phòng ngự, chứ không phải tiền đạo, mới là những người quan trọng nhất trên sân. “Những người trình diễn kỹ thuật thì đẹp mắt với báo chí, nhưng không phải với các huấn luyện viên”, ông nói. Scolari cũng nói Đức, Ý và Argentina là những đối thủ chính của Brazil năm 2014, còn Tây Ban Nha chỉ xếp thứ tư.
“Menezes và Scolari nghĩ về bóng đá rất khác nhau, nên ngay cả với cùng các cầu thủ mà họ gọi, cấu trúc của đội bóng cũng bị phá vỡ hoàn toàn và phải xây dựng lại từ đầu”, Coelho phân tích. “Menezes luôn muốn giữ bóng trên mặt đất, chuyền ban nhanh, tốc độ, như Barcelona. Scolari thì than phiền rằng các hậu vệ không phá bóng lên ngay lập tức. Khái niệm bóng đá của họ hoàn toàn khác nhau”.
Trận đầu tiên của Brazil dưới thời Scolari là giao hữu gặp Chile ở sân Mineirao. Ngay trước hồi còi chung cuộc, các cổ động viên Brazil đã không chút thương tiếc đội nhà khi vỗ tay cổ vũ cuồng nhiệt mỗi lần Chile có bóng. Kết quả là một trận hòa 2-2. “Đội tuyển quốc gia đã mất liên hệ với các cổ động viên do tình trạng quản lý sai lầm của CBF”, Juca Kfouri, một nhà báo bóng đá lớn ở Brazil, nói. Ngoài sự bất bình với chi phí quá lớn để tổ chức World Cup, đội tuyển Brazil chỉ đá bảy trận trên sân nhà từ sau World Cup 2010 tới trước Confederations Cup, do CBF phải sắp xếp cho Selecao đi “công diễn” vòng quanh thế giới nhằm kiếm tiền (họ đá năm trận ở Mỹ cũng trong thời gian đó!)
Nhưng như trước bất kỳ World Cup nào, lòng tin vẫn không vì thế mà mất đi ở Brazil. “Trong sáu kỳ World Cup khi Brazil thay huấn luyện viên trước giải, chúng tôi đã vô địch bốn lần”, Coelho dẫn ra một thống kê đầy hy vọng.
Loan Phương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất