07/08/2012 13:00 GMT+7 | Olympic 2012
(TT&VH) - Đeo băng rôn hay viết tên nhà tài trợ lên các vật dụng trong quá trình thi đấu như áo hay giày đã trở thành phương thức quảng cáo quá cũ bởi tại Olympic London, VĐV đã dùng ngay cơ thể mình “cho thuê” để kiếm thêm tiền.
Tại Olympic London, VĐV đã dùng ngay cơ thể mình “cho thuê” để kiếm thêm tiền.
Nick Symmonds- VĐV chạy 800m của đội tuyển Olympic Mỹ cho biết đó là điều cần thiết cho bất cứ VĐV Mỹ nào muốn giữ chân được nhà tài trợ của mình. Không như các nước bạn, vận động viên Mỹ không được chính phủ tài trợ. Thế nên Nick phải tìm cho mình Mạnh Thường Quân để có tiền trang trải chi phí tập luyện nuôi ước vọng giành “vàng”. “Quảng cáo cho các nhà tài trợ là cách duy nhất giúp chúng tôi có thể theo đuổi giấc mơ Olympic. Không có tiền thì hoàn toàn không thể tập luyện ở trình độ cao để cạnh tranh ở một sự kiện lớn như Olympic”, Nick bộc bạch trong bài phỏng vấn với BBC.
Mỗi VĐV đều tự phân hạng cho mình trong việc lựa chọn nhà tài trợ và những người nổi tiếng nhờ thành tích của mình thì nhận được những nguồn hỗ trợ tài chính lớn hơn. Sự cạnh tranh giữa các VĐV cũng tồn tại và nó biến loại hình này chả khác gì một thương trường thu nhỏ trong giới thể thao. “Mỗi VĐV đều có một nhà tài trợ ưa thích. Tên tuổi của hãng càng lớn, ngân sách cho việc quảng cáo càng cao và bạn càng nhận được nhiều khi giành giải thưởng.”
Tất nhiên, là thương trường nên các VĐV cũng phải biết cách “tiếp thị” bản thân để thu hút các nhà tài trợ lớn. Chẳng hạn như khi một VĐV tuyên bố rằng “Tôi muốn hợp tác với công ty anh, nhưng tôi không được phép quảng cáo trong Olympic”. Thế nhưng nhiều nhà tài trợ vẫn sẵn sàng ký hợp đồng với VĐV đó bởi họ biết chắc chắn anh ta đang theo đuổi giấc mơ Olympic và có tới 330 triệu người dân Mỹ luôn sẵn sàng xem màn trình diễn của các VĐV nước nhà tại Thế vận hội. Trường hợp của Symmonds đã chứng minh cho điều đó. Ngày 23/7 vừa qua, anh đã đấu giá một chỗ trống trên tay trái để quảng cáo cho một nhà tài trợ và giành chiến thắng là một hãng quảng cáo ở Milwaukee với 11.000 USD cho hình xăm trang Twitter của họ. Tại giải đấu nghiêm cấm các hoạt động quảng cáo trái phép như Olympic, Symmonds buộc phải che lại hình xăm đó bằng băng trắng khi thi đấu.
Thế nhưng chính việc này lại khiến anh càng thu hút được nhiều sự chú ý. Symmonds nói: “Tôi luôn muốn đem lại hiệu quả tốt nhất cho nhà tài trợ của mình. Kể cả khi không thể mang logo công ty, thì mỗi khi được phỏng vấn, tôi cũng sẽ tìm cách đề cập đến họ để làm sao tên của công ty được nhiều người biết đến. Để giữ uy tín với khách hàng, Symmonds cũng đề nghị các nhà tài trợ không phải trả tiền với những hợp đồng quảng cáo mà anh không thu lại được lợi nhuận cho họ. “Tôi luôn đặt danh tiếng của các nhà tài trợ lên trên nhu cầu về chi phí tập luyện”, Nick quả quyết.
Khánh Đan
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất