Angelina Jolie: "Không thể nói thế giới đã bình ổn..."

16/12/2008 03:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Với tư cách đại sứ đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ), từ 7 năm nay, nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng người Mỹ Angelina Jolie đã phấn đấu không mệt mỏi cho số phận của những người tỵ nạn trên khắp thế giới. Nhân 60 năm tuyên bố chung về nhân quyền của LHQ, nữ minh tinh này đã trả lời phỏng vấn báo toàn cảnh Frankfurt (Đức) về ý nghĩa công việc nhân đạo của chị.

* Thưa chị Jolie, từ 7 năm nay chị là Đại sứ đặc biệt của Cao ủy LHQ về người ty nạn (UNHCR) và đã tới thăm các trại ty nạn ở hơn 20 vùng chiến sự, tại Afghanistan, Iraq, Tschad, Sierra Leone... Điều gì đã thôi thúc chị làm việc này?
 
Angelina tại Bunia/Congo năm 2003

- Hoàn toàn đơn giản: Hiện có 20 triệu người ty nạn trên thế giới; 1/6 dân số thế giới phải kham chịu mức sống ít hơn 1 USD mỗi ngày. Vậy mà Hiến chương LHQ được bắt đầu bằng những từ: “Chúng ta, các dân tộc...”. Và điều được đề cập tới ở đây chính là: Sự chung sống của tất cả các dân tộc. Những người ty nạn, đó là các gia đình và cá nhân. Họ giống như bạn và tôi nhưng không có những quyền tự do mà chúng ta đang được hưởng. Tôi luôn khâm phục những con người dường như đã mất mát hết thảy này về sức mạnh và khát vọng sống của họ. Và tôi thấy tức giận trước việc hình ảnh những người ty nạn này đã bị một số chính phủ và các phương tiện truyền thông bóp méo theo hướng tiêu cực. Người ta đã phớt lờ việc những người ty nạn có một ảnh hưởng tích cực như thế nào đối với các xã hội khác biệt nhất. Hình ảnh của những người ty nạn phải được thay đổi. Họ xứng đáng được chúng ta tôn trọng. Tôi cố gắng góp sức của mình vào việc đó.

* Trước khi được ghi nhận nghiêm túc với danh nghĩa người đấu tranh tích cực cho nhân quyền, chị bị coi là một “bad girl” (cô gái hư) của Hollywood, thiên về một lối sống quá phóng đãng. Điều gì đã dẫn chị tới chỗ tranh đấu cho những đau khổ của người khác như thế?

- Con trai Maddox của tôi sinh tại Campuchia, nơi có nhiều người ty nạn. Tôi đã làm quen với đất nước này năm 2000 trong quá trình quay phim Tomb Raider, và sau đó, theo lời mời của UNHCR, tôi lại đến đây một lần nữa. Lúc ấy, tôi đã hiểu rằng phải đem đến cho cuộc đời mình một ý nghĩa khác, trước khi trở thành một người mẹ. Tôi sẽ không thể chăm lo cho những đứa con của mình nếu tôi không có một cuộc sống bình ổn. Công việc với UNHCR đã giúp tôi trong việc này.
 
Angelina tại Pakistan

* Chị có một trải nghiệm then chốt nào không?

- Trong mọi trường hợp thì đó là một thế giới hoàn toàn khác với cái thế giới mà tôi từng biết. Ở Campuchia, tôi đã gặp một người đàn ông bị cụt cả 2 tay mà phải nuôi 6 đứa con. Ông ta đã sống ty nạn 8 năm ở Thái Lan. Sau khi hồi hương, người đàn ông này muốn được tái canh tác trên mảnh đất của mình, và đã vấp phải một quả mìn. “Tôi không thể nói bình thường được nữa. Những lo lắng đã làm suy yếu tinh thần”, ông ta nói với tôi. Tuy thế, từ con người ông vẫn tỏa ra một sức mạnh nội tâm. Người ty nạn là những người bị thương tổn nhiều nhất thế giới, phần lớn trong số đó là các phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi, những nạn nhân của các hình thức đánh đập, tra tấn dã man. Nhưng đồng thời họ cũng là những người mạnh mẽ nhất mà tôi từng gặp.

* Có nhiều nghệ sĩ ngôi sao tham gia vào chương trình hành động của chị và trong các lễ hội từ thiện, họ đọc những bài diễn văn phản đối cái ác trên thế giới đồng thời kêu gọi quyên góp. Tuy nhiên, những lời phát biểu này thường tỏ ra rất “vô chính trị”, cứ như thể không có thủ phạm gây ra đau thương ấy. Chị nghĩ sao về điều này?

- Ở phương diện khác, những cuộc gặp gỡ tại chỗ của tôi với mọi người là quan trọng. Trước hết, nó đem lại sự chú ý cho mọi người. Mặt khác, thông qua những chuyến đi này, tôi mới hiểu ra rằng trước đây mình có hiểu biết quá ít về phần còn lại của thế giới. Nhưng sau đó thì tôi đã tìm ra tiếng nói chính trị của mình và ngày nay, nó có một trọng lượng khác hơn so với trước đây 10 năm. Một lúc nào đó tôi tự hỏi: Thực tình thì ta còn có chút gì nữa để nói không nhỉ? Nhưng các anh hãy tin tôi, khi bất đồ rơi vào một khu vực khủng hoảng, nơi con người bị giết hại, trẻ em kêu khóc vì không đủ ăn, người ta sẽ biết rất nhanh rằng cái gì thực sự là quan trọng và cái gì thì không.


* Trước đây 4 năm, chị đã phát hành cuốn sách Nhật ký một chuyến đi - kể về những trải nghiệm trong quá trình thực hiện vai trò Đại sứ của UNHCR. Trong khía cạnh nào đó, cuốn sách này cũng đã cho thấy việc thấu hiểu tính phức tạp của các cuộc chiến tranh và khủng hoảng là khó khăn ra sao đối với một người ngoài cuộc. Và đối với một phụ nữ Mỹ, trong thời kỳ chiến tranh chống khủng bố, việc có quan điểm, chẳng hạn như về tình hình của những người tỵ nạn Afghanistan ở Pakistan, là một vấn đề khó xử ra sao...

  • - Lúc đầu tôi không dự kiến cho phát hành dưới dạng một cuốn sách. Nhưng nhiều cộng sự của chương trình cứu trợ tỵ nạn đã khuyên tôi nên ghi chép lại tất cả... Tôi đã không thể ghìm được nước mắt khi nghe người phụ nữ nọ ở Pakistan kể về một bé gái 6 tuổi bị cưỡng hiếp, bóp cổ rồi vứt xuống hố tiêu. Hay khi ngay cả dân ủy ty nạn bị buộc phải giảm khẩu phần xuống 20%. Không ai có trách nhiệm cụ thể về việc này, nhưng điều đó thật đáng thất vọng. Rồi còn không có băng vệ sinh cho phụ nữ... Tôi đã ghi lại tất cả những chuyện ấy, và sau đó người ta hỏi tôi liệu có thể cho phát hành các bản ghi chép này trên Internet được không. Tôi cũng đã nhận được vô số thư từ của những người trẻ tuổi, vì thế đã cho xuất bản thành sách... Trong những chuyến đi của mình, có không ít những khoảnh khắc mà tôi cảm thấy sợ hãi, thậm chí rất bị tổn thương... Nhưng điều đó không thể sánh với nỗi đau khổ mà những người dân tỵ nạn phải hứng chịu. Trong một trại ty nạn Pakistan, tôi đã gặp những phụ nữ sống ở đó từ 20 năm nay. Việc họ đã sống sót ra sao qua ngần ấy năm chỉ với những bó củi và một số thứ khác ở vùng đất đó là một câu hỏi đối với tôi. Mỗi ngày đều xoay quanh sự tồn tại. Trong những đêm Đông, người ta, đặc biệt là bọn trẻ, rét run dưới các túp lều nhựa. Trong những ngày nóng, các túp lều này như những lò nướng. Những người thông ngôn thường hay dịch cho tôi nghe lời than van của các phụ nữ: “Đời chúng tôi đã hết rồi. Nhưng các con chúng tôi cần có một tương lai”. Ngay cả trong những khoảnh khắc hoang mang đến cùng cực ấy, họ vẫn cho thấy những nhân phẩm...

    * Những trải nghiệm sống dường như cũng ảnh hưởng tới lựa chọn đóng phim của chị. Trong bộ phim A Mighty Heart, chị vào vai người vợ của Daniel Pearl, nhà báo Mỹ đã bị các phần tử khủng bố Hồi giáo sát hại. Trong bộ phim mới Changeling, của mình chị đóng vai một người mẹ có con trai bị mất tích trong những năm 1920...

    - Tôi đã nhận thức được một điều: Cả hai bộ phim này đều xoay quanh các phụ nữ bị mất những người thân yêu nhất của mình. Nhưng Christine (trong phim Changeling) sống ở một thời kỳ mà phụ nữ còn chưa thể tự quyết được như Mariane Pearl. Đối với tôi, việc nhận một vai diễn như thế, người phụ nữ hiện đại dám nói những gì mình nghĩ, là một thách thức. Và tôi không thể hình dung ra điều gì tồi tệ hơn khi mất một đứa con.

    * Chị đã nghĩ tới chuyện bỏ thế giới điện ảnh lại sau lưng và sẽ đảm nhiệm một công viêc kiểu như người phụ trách ngoại giao về người ty nạn của LHQ chẳng hạn?

    - Các cộng sự của UNHCR đã làm được những việc đáng kinh ngạc, tôi khâm phục họ. Nhiều người trong số đó thường hay phải sống xa gia đình hàng tháng trời, thậm chí còn lâu hơn, và công việc của họ rất nặng nhọc. Tôi không biết liệu mình có thể làm được điều ấy hay không. Trước sau thì tôi vẫn sẽ thực hiện những chuyến công du cho UNHCR. Nhưng tôi không phải là một người lãng mạn, tự vẽ ra cái điều rằng sẽ tốt đẹp biết bao nếu họ có nhiều thời gian hơn cho những dự án cụ thể dành cho người ty nạn, ví như sẽ giúp xây dựng tại chỗ một trường học. Việc đó có lẽ sẽ kéo dài một năm. Nhưng trong thời gian này, tôi cũng có thể tham gia một bộ phim và tạo điều kiện xây dựng tới 100 trường học.

    * Cùng với Brad Pitt, người tình của mình, chị đã quyên góp 1 triệu USD cho các dự án ty nạn. Chị lựa chọn các dự án cứu trợ của mình theo tiêu chí nào?

    - Tôi cố gắng tìm hiểu tại chỗ những gì cấp thiết tại các khu vực nhất định. Tôi cũng có đặc quyền để sau đó có thể gọi điện tới những nơi ấy và hỏi: “Các bạn đã nhận được hết chưa?”. Brad và tôi cũng chú trọng tới việc ủng hộ các dự án đặc biệt tại Campuchia, Ethiopia và Việt Nam, quê hương những đứa con nuôi của chúng tôi. Brad và tôi đã thành lập ở Campuchia một Làng Thiên niên kỷ cùng bệnh viện phòng chống lao và AIDS. Tôi đặc biệt tự hào khi có thể thấy tình trạng sức khỏe của bọn trẻ ở đó được cải thiện ra sao, và thậm chí rất tự hào nữa với việc bọn trẻ lại có thể đến trường. Làng Thiên niên kỷ là một thử nghiệm để chúng tôi thấy có thể tiếp cận dưới hình thức nào với các dự án cứu trợ.

    * Mọi nhiệm vụ của chị đều được lưu giữ chuẩn xác dưới dạng văn bản, hình ảnh và những đooạn phim trên trang web của UNHCR. Từ góc độ của mình, chị thấy có gì được cải thiện trong 7 năm vừa qua không?

    - Ngay tại chỗ thì đáng tiếc là còn quá ít. Số lượng người ty nạn trên phạm vi thế giới tuy đã hơi giảm, song có những nơi vẫn còn nhiều người ty nạn nội địa, chẳng hạn như ở Darfur (Sudan). Con số những người bần cùng còn cao ghê gớm. Người ta không thể nói rằng thế giới đã được bình ổn trong 7 năm qua.
     
    Thục Anh (trích dịch)

    Cùng chuyên mục
    Xem theo ngày
    Đọc thêm