10/10/2011 11:00 GMT+7 | Bóng đá Pháp
(TT&VH)- Cuối tuần qua, cả Pháp và Bosnia-Herzegovina đều giành những chiến thắng ấn tượng để khiến trận đấu giữa 2 đội tại Paris vào đêm mai mang tính chất của một trận chung kết.
Đội chủ nhà Pháp chỉ cần không thua tại Stade de France là đủ hoàn thành mục tiêu giành vé dự EURO 2012. Trong khi nếu không thắng, đội khách xứ Balkan cũng chẳng quá tiếc nuối bởi đã nắm chắc suất play-off tới Ba Lan - Ukraina. Tuy nhiên, có vẻ cả hai đều không tin mọi chuyện chỉ đơn giản như vậy.
“Nếu cố gắng thủ hòa, chúng ta có thể rơi vào cái bẫy của chính mình”, tiền vệ Samir Nasri cảnh báo trước trận đại chiến, “Pháp không có kinh nghiệm trong trường hợp mhư vậy. Chúng ta không giống người Italia để có thể tiếp cận trận đấu theo cách chờ đợi đối phương sơ hở. Đội tuyển sẽ chơi theo cách của mình và khiến Bosnia rơi vào khó khăn. Pháp không cần phải tính toán và sẽ làm mọi thứ để giành chiến thắng”.
Đó có vẻ là một tuyên bố không thật sự cần thiết từ phía Nasri, cho dù anh có là nguồn cảm hứng trong chiến thắng 3-0 trước Albania hôm thứ Bảy. HLV Laurent Blanc mới là người quyết định việc Pháp sẽ chơi như thế nào. Nhưng chắc chắn chiến lược gia 45 tuổi này không thể bỏ qua “lời gợi ý” đó. Rõ ràng, việc nhập cuộc với tư tưởng cầu hòa hay chiến thắng sẽ dẫn đến những chiến thuật rất khác nhau, chưa kể đến sự ảnh hưởng về tâm lý cũng như chuyên môn của các tuyển thủ.
Blanc đang đau đầu với những lựa chọn cho trận gặp Bosnia- Herzegovina- Ảnh Getty
Mọi chiến thuật dù lý tưởng tới đâu cũng luôn có 2 mặt mạnh và yếu. Nếu Pháp đá vì 1 điểm, điều tối thiểu họ cần, HLV Blanc sẽ bố trí sơ đồ cẩn trọng quen thuộc mà ông xây dựng hơn một năm qua, 4-2-3-1. Nhưng nếu “tham lam” hơn, bộ khung gồm 2 tiền đạo đã thăng hoa trong chiến thắng 3-0 trước Albania, có vẻ sẽ tiếp tục được trao cơ hội thử nghiệm. Khi ra sân với sơ đồ 4-4-2, rõ ràng Pháp có nhiều phương án tấn công hơn và chúng cũng biến ảo hơn nhiều.
Muốn hòa phải thắng
Sau khi nêu ý kiến cá nhân, Nasri không chỉ nghĩ cho đội nhà mà cũng tính cho bản thân anh. Tiền vệ của Man City đã có một ngày thi đấu xuất thần bởi được đá đúng vị trí sở trường cánh phải. Đó cũng là điều mà các đồng đội ở tuyến trên của Nasri nghĩ tới. Malouda, Remy, Gomis và M’Vila đều nhanh chóng thích nghi và bùng nổ dưới sơ đồ 4-4-2. Sự so sánh với đại kình địch Italia của Nasri cũng rất thú vị. Xuyên suốt lịch sử, các triều đại của “Les Bleus” đều không được đánh giá cao ở khả năng phòng ngự lỳ lợm. Và họ đã từng phải trả cái giá quá đắt cho một lần mạo hiểm.
Đó là bi kịch vào ngày 17/11/1993. Cũng ở vòng loại World Cup và cũng trong trận đấu cuối cùng của chiến dịch, Pháp chạm trán Bulgaria trong bối cảnh hơn đội bóng Đông Nam châu Âu này 2 điểm. Điều đó có nghĩa đội chủ nhà chỉ cần 1 kết quả hòa tại Paris là đủ để có mặt tại Mỹ vào mùa Hè sang năm. Tuy nhiên, tư tưởng phòng ngự tiêu cực của Gérard Houllier khi ấy đã khiến đội bóng áo Lam trải qua một đêm kinh hoàng.
Pháp vươn lên dẫn trước ở phút 32 do công của Eric Cantona. Nhưng Kostadinov nhanh chóng gỡ hòa cho Bulgaria chỉ 5 phút sau đó. Ở phút bù giờ cuối cùng, một lần nữa Kostadinov lên tiếng nhờ tận dụng sai lầm khó tin của David Ginola. Ngay tại Parc des Princes ở Paris, Pháp ngậm ngùi nhìn 2 bàn tay trắng và trao vị trí thứ 2 cho chính đối thủ Bulgaria. Đó là nỗi đau mà Blanc khó có thể quên bởi ông là một thành viên của “Les Bleus” trong trận thua lịch sử đó.
Trở lại hiện tại, HLV trưởng của Pháp đang phân vân khi không có lựa chọn nào là cầu toàn. Quá mạo hiểm cũng không được, mà trông chờ vào hàng phòng ngự đang tan nát vì chấn thương thì càng “chết”. Hơn nữa, Bosnia có những cầu thủ đẳng cấp và rất giỏi chớp thời cơ như Dzeko (Man City) hay Pjanic (Roma). Nhưng nên nhớ, dù đứng trước lựa chọn nào và kết cục ra sao, “Gà trống Gaulois” vẫn còn ít nhất là suất dự play-off cho EURO 2012.
Hà Dương
Con số 4 Kể từ cú vấp ngã ở vòng loại 1994, Pháp có mặt ở 4 vòng chung kết World Cup tiếp theo. Họ thậm chí còn giành cúp Vàng trên sân nhà liền kề sau chiến dịch thảm họa đó (1998). 5 Pháp đã vượt qua vòng loại của 5 kỳ EURO liên tiếp gần đây. 3 lần đứng nhất bảng (1992, 2000, 2004) và 2 lần nhì bảng (1996, 2008). 2009 Lần gần đây nhất Pháp phải chơi play-off để góp mặt tại một giải đấu lớn là hồi tháng 11/2009. Họ vượt qua Ireland với tổng tỷ số 2-1 sau 2 lượt trận để tham dự World Cup 2010 tại Nam Phi. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất