(Thethaovanhoa.vn) -
Hồi chưa giải nghệ, Stefan Edberg và Ivan Lendl là hai kình địch trong làng banh nỉ thế giới và gần như bất phân thắng bại trong những lần đối đầu. Tại Australian Open 2014, họ tái ngộ nhau, trên băng ghế huấn luyện, với tư cách là thầy của Roger Federer và Andy Murray. Đó từng là một trong những cặp đấu đáng xem nhất ở thập niên 80 của thế kỷ trước. Edberg nhỉnh hơn Lendl về tỷ số đối đầu tổng thể (14-13), nhưng ở những trận chung kết, tay vợt người Czech&Slovakia lại nhỉnh hơn (4-3). Đáng chú ý nhất, trong lần gần nhất đụng độ nhau ở chung kết Grand Slam, Australian Open 1990, Lendl là người giành chiến thắng, nhưng Edberg không thực sự tâm phục khẩu phục bởi khi đó ông phải rút lui vì chấn thương ở set thứ ba sau khi hòa 1-1 ở hai set đầu.
Federer: hồi sinh từ “cảm hứng” EdbergSau những pha ăn điểm ấn tượng của Murray và Federer ở trận tứ kết Australian vừa qua, ống kính máy quay không chỉ nhắm vào các tay vợt này mà còn lia lên khán đài, nơi các HLV của họ đang ngồi. Federer giành thắng lợi 6-3, 6-4, 6-7 (6), 6-3 trong một trận đấu mà anh tạo được lợi thế ngay từ khâu giao bóng để tạo đà cho những tình huống tiếp theo, đặc biệt là lên lưới cắt hoặc volley, sau những pha trả giao bóng lỏng tay của đối phương. Đó chính là dấu ấn đặc biệt của Stefan Edberg, một chuyên gia về lối chơi serve & volley trong thời kỳ mà ông còn thi đấu.
Nhờ Edberg, Federer đã tìm lại được những pha lên lưới hiệu quảTrong khi đó, Federer thì khẳng định rằng anh muốn cộng tác với Edberg vì mong được ông “truyền cảm hứng”. Song Edberg hiểu rằng nhiệm vụ của ông cụ thể hơn nhiều. Trong năm 2013, Federer đã rơi tự do, với thất bại không tưởng trước những đối thủ vô danh tiểu tốt như Federico Delbonis, Daniel Brands, Sergiy Stakhovsky…
Lối chơi giao bóng và lên lưới volley của Edberg từng là đặc sản trong thập niên 80 của thế kỷ trước, nhưng không phải lúc nào cũng hữu dụng ở thời kỳ hiện đại, nhất là với những mặt sân bóng nảy chậm. Nhưng rõ ràng, một tay vợt 32 tuổi như Federer không thể đọ sức với Nadal, Djokovic và Murray trong những pha đánh cuối sân. Để vô địch Grand Slam trở lại, Federer cần tìm lại những kỹ năng vàng mà anh từng sở hữu, và phong độ ấn tượng ở Australian Open năm nay cho thấy tác động tích cực của HLV mới.
Trước khi thuê Edberg làm HLV, Federer từng gặp vấn đề trong những pha volley, và đặc biệt là việc di chuyển. Tại vòng 4 Australian Open năm nay, anh đè bẹp Jo-Wilfried Tsonga 3 set, trong chưa đầy 2 tiếng, khi giành tới 34 điểm ở những pha lên lưới. Trước Murray ở tứ kết cũng vậy, Federer giành 13/15 điểm trong những lần lên lưới ở set đầu tiên bằng một phong cách cực kỳ quyết đoán. Thật dễ để nhận thấy dấu ấn của Edberg ở đây nhưng điều quan trọng là “bản năng” lên lưới rất rõ ràng của Federer mỗi khi anh cảm thấy có cơ hội thuận lợi. Đó là sự kết hợp giữa tài năng thiên bẩm và “cảm hứng” từ một ông thầy huyền thoại.
Hãy cho Boris Becker thời gianKhi Becker nhận lời dẫn dắt Djokovic, có thể nhiều người cho rằng công việc của huyền thoại người Đức sẽ dễ dàng hơn nhiều so với Edberg và Lendl bởi Nole đang có phong độ cực tốt. Nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Thất bại mới nhất của Djokovic trước Wawrinka tại tứ kết Australian Open 2014 là một minh chứng. Đối thủ của Nole đã liên tục chống trả bằng lối phòng ngự kiên cường, bằng những cú đánh bền (rally) không mệt mỏi, cũng như những cú đánh cuối sân (groundstroke) đầy uy lực. Nếu Djokovic muốn trở lại thời kỳ đỉnh cao như dưới sự dẫn dắt của Marian Vajda, một cựu tay vợt, anh cần phải kết thúc sớm hơn các pha bóng bằng cách ổn định ngay từ khâu giao bóng, thay vì trở nên mạo hiểm hơn.
Becker cần thêm thời gian cùng DjokovicĐó chính là những kỹ năng đặc biệt của Boris Becker hồi ông còn thi đấu, chỉ có điều ông chưa thể truyền cho cậu học trò chỉ quãng thời gian ngắn ngủi làm việc cùng nhau.
Phương Chi