30/08/2019 10:13 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện Văn Quyết không được HLV trưởng Park Hang Seo triệu tập vào ĐQTG chuẩn bị cho trận đánh lớn với người Thái tại vòng loại World Cup 2022 đang làm nóng các trang báo cũng như mạng xã hội. Nhưng đó không phải là câu chuyện mới...
12 năm trước, trung phong số 1 của bóng đá Việt Nam - Nguyễn Việt Thắng, từng phải nuốt lệ vào trong, khi HLV Alfred Riedl không một đoái hoài nào tới anh, trong 2 chiến dịch quan trong của đội tuyển Việt Nam: AFF Cup 2007 (giải đấu lần đầu tiên và duy nhất được tổ chức trong năm lẻ) và AFC Asian Cup 2007 trên sân nhà.
Thắng "bế" khi ấy là nhà vô địch V-League 2005-2006, ghi khá nhiều các bàn thắng cho Đồng Tâm Long An, lại "cùng cạ" với Minh Phương, Tài Em, Quang Thanh, Như Thành, Huy Hoàng…, trên đội tuyển. Nhưng thuyền trưởng người Áo vẫn lắc, mà không cần phải đưa ra một lý do nào cả. Phải đợi đến năm 2008, khi HLV Henrique Calisto lên cầm ĐTQG, Việt Thắng mới có cơ hội.
Trong tay HLV Alfred Riedl vào thời điểm đó có ít nhất 2 cầu thủ chơi trung phong cắm: Phan Thanh Bình và Nguyễn Anh Đức. Nhưng chỉ Thanh Bình thường xuyên được sử dụng (đá cặp Công Vinh) và điều đáng nói là, ông Riedl đã bỏ Việt Thắng để trao cơ hội cho Huỳnh Phúc Hiệp (mới 19 tuổi). Chúng ta khoan nói về đẳng cấp hay năng lực chơi bóng của từng người.
Việt Thắng hay Quang Hải và Nguyễn Văn Vinh ở chiến dịch SEA Games 2007, cũng na ná nhau. Hải "gà" từng khóc như mưa tại Trung tâm Thể thao Công an TP.HCM, trong ngày đội tuyển U23 Việt Nam chốt danh sách đi Korat, Ratchasima (Thái Lan) đá SEA Games 24… Còn Văn Vinh thậm chí không thể cạnh tranh với Phùng Công Minh, Võ Duy Nam và Minh Chuyên.
Việt Thắng từng chia sẻ, chỉ cần được lên Tuyển, anh sẵn sàng "xách nước, bổ cam" cũng vinh dự. Thanh Bình đã là học trò cưng của HLV Riedl, kể từ SEA Games 2003. Còn Phúc Hiệp đá tốt ở Vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, không đá một phút nào tại Asian Cup 2007, nhưng vẫn tích được gần 100 triệu tiền thưởng. Vấn đề là quan điểm chiến thuật và dùng người của các HLV.
Năm 2012, lần thứ 2 Việt Thắng bị ngó lơ, khi phó tướng của thầy "Tô" là Phan Thanh Hùng nắm ĐTQG. Bây giờ, khi đã treo giầy và kinh qua vai trò huấn luyện, từ PVF đến SHB Đà Nẵng, Việt Thắng hẳn đã hiểu vấn đề. Anh chơi tốt khi được làm việc với HLV Calisto, vốn dĩ như người cha thứ 2 của mình, nhưng không phải giải pháp tối ưu với những bộ não khác trên ĐTQG.
Toàn bộ chiến tích vô địch AFF Suzuki Cup 2008 dưới vương triều Henrique Calisto, vai trò của Thanh Bình gần như không được nhắc tới, khi Việt Thắng và Công Vinh là một cặp. Thanh Bình thất thế, nhưng hiểu thân phận, SEA Games 2009 vẫn còn cơ hội cho riêng mình. Còn Phúc Hiệp "mãi mãi tuổi 20", khi không thể phát triển, Anh Đức thì bây giờ vẫn tung hoành.
Tất cả những câu chuyện cũ ấy nói lên điều gì? Bóng đá có thời và có "ê-kíp". Chúng ta bàn nhiều đến Văn Quyết đã không bén duyên với HLV Park Hang Seo thêm một lần nào nữa, kể từ sau ASIAD 18 ở Indonesia. Không một ai phủ nhận đẳng cấp chơi bóng của Quyết "rừng", nhưng vắt qua 2 chiến dịch AFF Suzuki Cup 2018 và ASIAD 18, ông Park hẳn hiểu rất rõ Quyết.
Trước trận đánh lớn, thậm chí trận đấu với Thái Lan ở Thammasat tới đây còn là trận đánh đời người, với không chỉ HLV Park Hang Seo mà còn với rất nhiều cầu thủ, "bàn ra" là điều không nên. Chuyện của Văn Quyết cần phải được "chốt hạ" để tránh ảnh hưởng không đáng có tới đội tuyển! HLV Park Hang Seo hẳn đã và đang có những phương án khác ưu việt hơn Quyết.
ĐTQG lúc này có thể không cần Quyết, nhưng Hà Nội FC cần Quyết cho những hạng mục quan trọng không kém, từ quốc nội đến sân chơi châu lục. Ai cũng muốn được chơi trận đấu cuộc đời, nhưng chắc gì đã là trận đấu để đời?
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất