21/04/2020 08:33 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá Thái Lan đã đưa ra nhiều ý tưởng để cải cách hệ thống thi đấu các giải quốc gia nhằm phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay cũng như trên lộ trình hướng đến mô hình các giải đấu ở châu Âu. Nằm trong những thay đổi từng bước đó, mới đây BTC Thai League đề xuất phương án tổ chức mùa giải 2020 từ tháng 9/2020 vắt sang tháng 5/2021. Nhưng đó là chuyện của người Thái...
Phương án này thật ra không quá bất ngờ, bởi trước đó ông Somyot Poompanmoung, Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan (FAT), đã tiết lộ ý định muốn chuyển lịch đấu mùa giải năm nay theo khung thời gian của các giải bóng đá châu Âu hiện hành.
Theo tính toán của người Thái thì đây được coi như phương án để phù hợp với diễn biến của dịch bệnh nếu không thể tổ chức trở lại vào tháng 5, 6, 7 hay 8 như dự kiến. Cùng với đó, Thái Lan muốn cải cách những mô hình hoạt động cho Thai League theo hướng đi mới hơn.
Với thời gian thi đấu mới như thế này, FAT cho rằng sẽ giúp giải đấu tránh được mùa mưa nhiệt đới ở quốc gia mình. Quan trọng hơn là thị trường chuyển nhượng cầu thủ sẽ phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, tạo ra thuận lợi cho CLB mua sắm cầu thủ theo khung thời gian chuyển nhượng chung.
Ở thời điểm hiện nay, khi bản quyền truyền hình Thai-League đã được khai thác trong khu vực thì người Thái còn muốn hơn thế. Đó là tính toán để hướng đến việc bán được bản quyền giải đấu đến những thị trường rộng hơn cũng như khai thác giá trị bản quyền truyền hình lớn hơn.
Theo Chủ tịch FAT Poompanmoung thì đây là thay đổi mang tính lịch sử với mục đích cao nhất là mang lại lợi ích cho nền bóng đá Thái Lan. Rõ ràng, người Thái đang dựa trên những cải cách về phương thức điều hành và tổ chức theo mô hình châu Âu để có thể mang về lợi ích cho mình.
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu Thai League nói riêng hay nền bóng đá Thái Lan nói chung có thật sự phù hợp cũng như có được thành công khi làm cuộc “cách mạng” như thế hay không?
Vào thời điểm hiện nay, tất cả vấn đề đó chỉ mới là phương án hay tính toán trên lý thuyết của Thái Lan mà thôi. Phù hợp hay thành công còn chờ thực tiễn các mô hình và cách thức đó mang lại trong thời gian sắp tới.
Còn với bóng đá Việt Nam hay V League, liệu có khả thi khi làm theo mô hình mà người Thái đang tính áp dụng hay không? Nhìn vào thực tế V League cũng như bối cảnh cụ thể của bóng đá nước nhà thì thấy quả thật rất khó.
Hay nói cách khác, muốn áp dụng điều gì mới mẻ hơn cần thêm lộ trình dài hơi cũng như và hướng đi phù hợp, chứ không thể muốn là triển khai ngay. Cụ thể hơn, ở giải đấu V League năm nay, chúng ta khó có thực hiện việc chuyển đổi để đá từ mùa thu năm nay vắt sang mùa hè năm sau.
Hiện nay, các cơ quan điều hành bóng đá nước nhà đang hết sức cố gắng để tìm ra cách thức tổ chức cho V-League trở lại một cách sớm nhất có thể. Theo đó, phương án thích hợp nhất đó là giải đấu có thể trở lại vào nửa cuối tháng 5 và hoàn tất vào nửa đầu tháng 10.
Lý do là bởi theo kế hoạch, 3 tháng cuối năm là quãng thời gian ĐTQG sẽ tập trung để bước vào vòng loại World Cup 2022 cũng như AFF Cup 2020.
Đó được coi như nguyên nhân cụ thể nhất cho việc V League không thể đá theo khung thời gian từ tháng 9 năm này sang đến tháng 5 năm sau. Rộng hơn nữa, tính chất, mô hình hoạt động hay cách thức điều hành, tổ chức của mỗi giải VĐQG đều không giống nhau nên không thể rập khuôn mọi thứ như nhau.
Có thể, V League của chúng ta còn dưới tầm Thai League về chất lượng chuyên môn, thu hút cầu thủ hay khai thác tốt nhất giá trị thương mại từ nguồn thu giải đấu mang lại. Tuy vậy, ở vào thời điểm hiện nay thì trình độ của bóng đá chúng ta và Thái Lan là không có nhiều chênh lệch.
Bóng đá Việt Nam rõ ràng còn nhiều khó khăn trong quá trình phát triển chuyên nghiệp hiện nay nhưng không thể cứ thấy “người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào”.
Thực tế cho thấy thời gian gần đây, bóng đá chúng ta đã dần dà chuyên nghiệp hơn với lộ trình phát triển của mình. ĐTQG tạo ra những dấu ấn với nhiều thành tích qua các giải đấu. Những CLB, các địa phương hay Trung tâm bóng đá đang từng bước chuyên nghiệp hơn trên nhiều khía cạnh.
Như đã nói, Thai League phát triển nhưng đó là dựa trên đặc thù hay những bước đi trước đây của họ. Trong khi đó, nhìn vào mô hình hoạt động của chúng ta hiện nay thì nhiều đội bóng vẫn ít nhiều dựa trên những ràng buộc của địa phương hay nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ.
Do đó, một khi cơ chế hoạt động,tổ chức không tương đồng hay nói cách khác chưa tương thích mô hình chung thì rất khó để áp dụng ngay sự thay đổi nào đó.
Thai League đưa ra những cải cách mới mẻ nhưng thực tế lợi ích mang về của những cải cách đó vẫn nằm trên lý thuyết, chưa được chứng minh từ thực tiễn.
Nói cách khác, mô hình nào dù có ưu việt ra sao với bóng đá Việt Nam cũng chỉ như bản thảo để chúng ta tham khảo mà thôi. Học hỏi cái mới, cái hay là điều cần làm nhưng áp dụng thì cái phù hợp mới đem lại hiệu quả cao nhất.
Mỗi nền bóng đá của các quốc gia đều có những đặc thù riêng biệt, khó có thể rập khuôn mọi thứ theo mô hình có sẵn. Nói cách khác V League không phải hay không thể là Thai League.
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất