29/06/2022 10:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
Thể thao & Văn hóa khởi đăng tuyến bài dài kỳ của nhà văn Lý Thu Thủy (Thủy Anna) về tiền đạo Tiến Linh, từ thời thơ ấu đến khi trở thành một tiền đạo cắm, một ngôi sao ghi bàn của ĐTQG mà ông Park Hang Seo tin tưởng, để mỗi một câu chuyện, độc giả sẽ hình dung ra một Tiến Linh với những nỗ lực ghê gớm trước nhiều nghịch cảnh để có được thành tựu tuyệt vời như ngày hôm nay. Một “sát thủ” nhưng mang gương mặt rất hiền từ, thậm chí nhiều khi trầm buồn!
Khi đặt vấn đề viết về Tiến Linh, tôi rất vui mừng khi sau những phân vân ban đầu, quản lý và cá nhân anh đã vui vẻ đồng ý. Có lẽ, chúng tôi gặp nhau ở điểm chung: Tiến Linh là tiền đạo hội tụ khá trọn vẹn hai phẩm chất: Tài năng và đức độ. Anh sẽ là nguồn cảm hứng rất lớn với hàng triệu em bé đã và đang nuôi giấc mộng theo đời cầu thủ chuyên nghiệp.
Tiến Linh xuất hiện bên tôi trong một quán cà phê ở gần đội bóng, nhân viên quán vui sướng reo lên khi biết mình sắp phục vụ một cầu thủ bóng đá nổi tiếng. Sở hữu chiều cao lý tưởng 1m78, cơ thể vạm vỡ, rắn rỏi do nỗ lực tập luyện miệt mài, thái độ lắng nghe cũng như sự mộc mạc khi trao đổi khiến Tiến Linh gần gũi với người đối diện hơn một ngôi sao sân cỏ, hay những vĩ từ mà giới hâm mộ vẫn đặt cho anh vì tình yêu bóng đá.
Tuổi thơ êm đềm bên ông bà nội
Tiến Linh bắt đầu xa mẹ năm 2 tuổi do mẹ sang Hàn Quốc lao động mưu sinh. Sau đó, bố cũng gửi Linh cho ông bà nội để vào Bình Dương bán cà phê thuê cho gia đình một người thân. Từ lúc chập chững những bước đi đầu đời ấy, lúc nhoẻn miệng cười để nhớ ra những gương mặt người thân mà bám đeo mỗi ngày ấy, ông bà nội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời đứa cháu đích tôn.
Cái tên Nguyễn Tiến Linh cũng là một giai thoại đổi tên đáng nhớ. Linh kể: Lúc đẻ Linh xong, bố Linh đặt tên con là Nguyễn Tiến Anh, do bố tên là Quyền, tên vần sẽ là: Quyền Anh. Người ta thường hay đặt tên bố và tên con vần nhau cho dễ nhớ. Nhưng do thời điểm ấy, ông ngoại mê diễn viên Quyền Linh, vì thế ông muốn được đặt tên cháu ngoại là Nguyễn Tiến Linh. Cuộc đổi tên ngoạn mục như thế trở thành giai thoại mà Linh được nghe người thân kể lại sau này.
Câu nói thiêng liêng, thay vì gọi: Bố ơi, mẹ ơi …, Tiến Linh lại gọi: Ông ơi, bà ơi!. Vì thế, khi lớn lên anh cứ lẽo đẽo bên ông bà. Khi thì ông bà dắt bộ đi chơi, khi thì được ngồi trên chiếc xe đạp nam có tay lái như chữ @, điệu đà và lỗi mốt. Tình cảm với ông bà nội lớn lên theo năm tháng. Tiến Linh kể: Năm ấy học lớp 1, khi đang học bài, Linh ngồi bàn đầu ngó ra ngoài cửa, nhìn thấy dáng bà nội lam lũ, tảo tần cắt cỏ cho bò. Tự dưng trong tâm hồn thơ bé khi ấy cháy lên một tình thương dành cho bà rất lớn. Giờ ra chơi, thay vì nô đùa cùng chúng bạn. Linh chạy một mạch ra chỗ bà cắt cỏ, cứ ngồi nói chuyện với bà như thế, cho bà đỡ vất vả.
Ông bà nội của Tiến Linh có 3 người con trai, nhưng một chú khi trưởng thành bị cảm mất đột ngột. Bố Tiến Linh là con trai trưởng vì thế bao tình yêu thương ông bà nội đều dành cho đứa cháu nội đích tôn. Có điều, tình yêu thương là thứ gì đó rất tự nhiên, chân thành, không đong đếm được. Và những thứ đẹp đẽ hằn in trong tâm trí Tiến Linh khi nhớ về tuổi thơ của mình ấy, ông bà nội đã dành cho Tiến Linh tất cả.
Mỗi ngày, nồi cơm của ông bà nội đều có những miếng khoai lang xắt khúc, hấp bên trên nồi cơm. Bữa cơm của ông bà nội đều tự cung tự cấp là chính, cua cá bắt ngoài đồng, rau đay, mướp hái ngoài vườn. Có những bữa ông bà nội cải thiện cho đứa cháu nội bằng trứng vịt lộn hay lát bánh cuốn. Cứ như thế, ông bà và cháu, cuộc sống bình yên lặng lẽ trôi đi. Tiến Linh cũng thấy đủ đầy và ít khi thắc mắc: Tại sao mình không gọi mẹ ơi như bao đứa trẻ cùng trang lứa?
Những buổi bà nội dắt tay đứa cháu đi học trời mưa, sân trường đất lầy lội vũng nước. Những bạn học cùng trang lứa có đôi ủng sang chảnh, Tiến Linh đi đôi dép lê, bước khẽ từng bước một để không bị lấm quần. Tiến Linh nép mình trong áo mưa của bà, bàn tay nhỏ xíu nằm lọt thỏm trong bàn tay xù xì, gân guốc lam lũ của nội. Những bước đi đầu đời hay những qua quãng đường gồ ghề trắc trở đầu tiên trong đời ấy, cũng là bà nội, như “người mẹ vĩ đại” của tuổi thơ!
Mỗi khi Linh được điểm 10, bà nội sẽ lấy từ trong túi áo ra viên kẹo thạch, ăn mãi không hết vì những đứa trẻ nông thôn ngày ấy, cứ vừa ăn vừa nhẩn nha để dành. Vì thế, món ăn tuổi thơ xa xỉ ấy, mỗi khi nhớ đến vẫn là món ăn ngon lành nhất mà Tiến Linh chẳng thể trở về nếm thử lại lần nào nữa.
Mùa gặt, bà nội đi gặt lúa về. Cơ thể ông bà đẫm mồ hôi vì nắng hè miền Bắc thật kinh khủng. Nhưng từ trong túi áo bà luôn có mấy con muồm muỗm béo ngậy, lôi ra để nướng cho cháu đích tôn, món ăn thơm phức và được chờ đợi nhất vì chúng chỉ có vào mùa gặt. Nhà ông bà nội và ông bà ngoại cách nhau 50m, vì thế dù sống ở nhà ông bà nội nhưng Tiến Linh thi thoảng vẫn qua nhà ông bà ngoại để ngủ lại qua đêm. Linh nhớ lại: “Sáng hôm sau thức dậy, ông ngoại lại dúi vào tay Linh 500 đồng - 1.000 đồng để cháu ngoại ăn quà. Số tiền ấy ngày đó rất lớn, Linh mua được rất nhiều quà ăn vặt”.
Nhà ông bà nội Tiến Linh có vườn nhãn, vải thiều. Cứ mùa đến cây cối trĩu quả và Tiến Linh khi đó chuẩn bị vào lớp 1, được giao trèo cây vặt quả cho ông bà bán hoặc sấy khô. Trong quả vải rất nhiều ong. Cậu bé Linh từng bị ong đốt sưng tấy.
Mẹ đi nước ngoài không có điện thoại để gọi video như bây giờ, bố đi làm ở Bình Dương quần quật mưu sinh, cứ nghĩ gửi con cho ông bà nội là yên tâm. Vì thế, không ai có suy nghĩ rằng Tiến Linh sẽ thiếu tiếng gọi bố ơi, mẹ ơi vì ông bà nội là cả một trời chân ái rồi. Tiến Linh cũng vậy, chẳng thấy thắc mắc gì vì quãng đường tuổi thơ ấy, cảm thấy đủ vì từ nhỏ đến lúc tập nói, tập đi, chưa từng đứng trước mặt mẹ và gọi: Mẹ ơi!. Cậu bé Tiến Linh khi ấy không thể hình dung được giữa mẹ và bà, hai đại từ nhân xưng ấy, khác nhau thế nào. Đấy là một vết cứa rất sâu trong trái tim anh đến mãi sau này?
Không muốn vô Nam sống vì phải xa ông bà nội
Một bước ngoặt mang tính lịch sử không thể nào quên với Tiến Linh chính là việc theo bố vào Nam sinh sống để chuẩn bị học lớp 1. Linh nhớ rất rõ khi mình còn nhỏ, đã từng theo ông ngoại vô Bình Dương chơi với bố Quyền, khi đó đang bán cà phê cho em ruột ông ngoại. Bố đưa Linh đi chơi Đầm Sen, đó là cuộc dạo chơi đầy cổ tích với Linh. Bởi lần đầu tiên Linh đi ra khỏi lũy tre làng vùng quê Cẩm Giàng, Hải Dương. Lần đầu tiên Linh nhìn thấy một thế giới không phải hương đồng gió nội, không phải cánh diều no gió những buổi trưa hè Linh cùng mấy đứa trẻ trong xóm hì hụi gấp dán. Thế nhưng khi bố Quyền trở về Hải Dương để đón Linh vô Nam, Linh không còn sự lựa chọn nào khác, không nỡ rời xa ông bà nhưng vẫn phải lên đường theo chân bố.
Đường vô Nam trên những chiếc xe container nóng bức, ngột ngạt, cái xe khổng lồ ấy rung lắc như đang múa lân vẫn còn rúng động trong ký ức Linh.
Cậu học trò Tiến Linh đang nói quen ngôn ngữ miền Bắc, đang học buổi sáng, trưa ông bà nội đến đón về. Vô Nam, sáng 6h40 bố chở đến lớp, học bán trú, ăn ở tại lớp, buổi trưa tự xếp hàng nhận cơm và ăn xong, vệ sinh cá nhân rồi đi ngủ. Buổi chiều tầm 16h30, bố đến đón về. Ngôn ngữ, phong tục, tập quán ở miền Nam, miền Bắc khác nhau nhiều. khiến thói quen sinh hoạt bị đảo lộn. Mỗi ngày trở về căn nhà lợp mái tôn mà bố con Linh được người thân của ông ngoại cho ở nhờ ấy, căn nhà chỉ có một cái tivi màu 31inch là đáng giá. Nhiều hôm Linh phải ngủ ở chỗ có tivi vì sợ kẻ trộm táo tợn sẽ vào khiêng tài sản đáng giá nhất của hai bố con khi đó.
Đón đọc Kỳ II: Trái bóng nhựa đầu tiên và cuộc trùng phùng mẹ… không nước mắt
Lý Thu Thủy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất