21/12/2016 06:17 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Đất nước trong thời chiến, việc chấp hành mệnh lệnh được đặt lên hàng đầu, vả lại khi ấy, khí thế xung phong ra trận bảo vệ Tổ quốc, chống quân xâm lược Mỹ thấm đẫm vào từng người, không một ai tỏ ra bi lụy, nản chí.
Do đó, mặc dù có buồn, trăn trở, tiếc nuối bởi công sức của lãnh đạo quân đội, sự phấn đấu của các thế hệ đã góp phần xây dựng nên một Thể Công đang trở thành một biểu tượng của nền TDTT cách mạng, nhưng mọi người đều xác định: đọ sức với Mỹ, đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, chắc chắn sẽ rất ác liệt, gian khổ và không biết sẽ kéo dài bao lâu thì việc cấp trên dự định giải thể Thể Công là hoàn toàn có cơ sở.Một thập niên gieo hạt
Một buổi chiều, đầu năm 1964, Trung úy Ngô Xuân Quýnh (vừa học TDTT ở Liên Xô) đạp xe đi công tác ở Nam Định về gần đến sân Cột Cờ thì gặp Trưởng đoàn, đại úy Hồ Quang Quới, ngay tại cổng thành Cửa Nam. Ông vừa họp với Cục Quân huấn xong. Mời Trung úy Quýnh về nhà riêng (Khu tập thể số 1A Hoàng Văn Thụ), chưa kịp uống nước, ông Quới đã thông báo với vẻ mặt rất căng thẳng: “Tôi vừa được thông báo, có thể sẽ phải giải thể đoàn Thể Công. Các đồng chí lãnh đạo cấp trên đang xem xét, nhưng phương án duy trì là khó. Anh là người đầu tiên tôi báo tin này, đề nghị giữ kín nhưng cần có những tính toán, suy nghĩ gấp trước khi có ý kiến chính thức đề xuất, kẻo không kịp! Anh nghĩ sao”?
“Cảm ơn anh đã tin tôi”, suy nghĩ một lát, ông Quýnh đặt vấn đề, “Việc gấp đấy nhưng theo tôi, không phải chỉ tỏ rõ quan điểm mà cái chính bây giờ là phải tìm ra phương án nào khả dĩ nhất thuyết phục cấp trên duy trì Thể Công.
Cá nhân chúng ta đâu có sợ ra trận. Chúng ta đã tình nguyện tòng quân từ những ngày đầu chống Pháp cơ mà. Chúng ta cũng không phải là vô dụng khi cùng với đoàn Thể Công duy trì và phát triển mạnh mẽ, trở thành biểu tượng của nền TDTT cách mạng.
10 năm rồi, Thể Công đã có vị trí thích đáng trong lòng nhân dân, các chiến sỹ quân đội. Cấp trên chắc chắn không đánh giá là chúng ta bám lấy Thể Công để tránh bom đạn.
Vấn đề là phải làm rõ: Tại sao nên duy trì Đoàn TDTTQĐ? Duy trì bằng cách nào trong thời chiến và liệu có giữ được để phát triển mạnh hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới không? Theo tôi, ta nên mời một số anh em có tâm huyết, có trình độ bàn bạc, trao đổi ngay đêm nay”.
Rất tiếc, nhiều cán bộ đang bận làm nhiệm vụ, đoàn lại đang phân tán chuẩn bị sơ tán nên cuộc họp bàn cực kỳ quan trọng này chỉ có thêm một người tham dự: đó là Thượng úy Phạm Tất Thắng, nguyên cầu thủ bóng đá, cũng vừa đi học TDTT Liên Xô về cùng ông Quýnh.“Hội nghị Diên Hồng” bàn cách cứu Thể Công
Đúng 19 giờ 30 phút, ngày 16/2/1965, tại phòng làm việc của Trưởng đoàn Hồ Quang Quới (sân Cột Cờ Hà Nội), một cuộc thảo luận của những người lãnh đạo đoàn TDTT Quân đội khi ấy đã diễn ra sôi nổi, đầy tâm huyết và thẳng thắn.
Không né tránh, giữ ý, tất cả chỉ hướng tới một mục tiêu: cố gắng thuyết phục Bộ duy trì Thể Công để chuẩn bị cho những ngày thống nhất đất nước! Mọi người đều bộc bạch ý kiến, tranh luận, phản biện rồi đi đến thống nhất lập luận: vì sao cần duy trì Thể Công.
Họ nghĩ đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và chỉ thị của ông ngày đầu thành lập: “Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ chiến đấu giỏi mà còn là đội quân có khả năng vận động quần chúng hoàn thành các nhiệm vụ khác. Thời chiến, người ta biết đến QĐNDVN anh hùng qua những chiến thắng lừng lẫy, nhưng ở thời bình, người ta đánh giá QĐNDVN qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT. Các chiến sỹ Thể Công cần phải phấn đấu, thi đấu thật hay, giành chiến thắng được quần chúng ngưỡng mộ, đó là cách tốt nhất để vận động quần chúng đến với cách mạng”.
10 năm qua, Thể Công đã phấn đấu để có vị trí trong lòng lãnh đạo quân đội, được sự tin yêu ngưỡng mộ của nhân dân và các chiến sỹ QĐND, bây giờ giải tán thì tiếc lắm. Mà giải tán thì chỉ cần 5 phút với một chữ ký là xong, nhưng khi cần phải xây dựng lại thì biết bao nhiêu năm? Và lúc đã tản mát rồi làm lại thì gian khổ, tốn kém lắm, khó khăn sẽ gấp nhiều lần!
Tôi không biết năm 2009 giải tán CLB Thể Công những người có trách nhiệm với CLB đã làm hết cách chưa, nhưng 52 năm trước thì phải nói là nỗ lực “cứu” Đoàn TDTT Thể Công rất “ghê gớm”!
(còn nữa)
VŨ MẠNH HẢI
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất