Thể Công trong trái tim tôi

17/12/2016 11:45 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi gắn bó với bộ đội từ những ngày ấy và cũng bắt đầu đam mê bóng đá đến quên ăn, quên học, thường xem và nhặt bóng cho các chú bộ đội đá bóng ở sân vận động các buổi chiều.

Thương nhớ một “người thầy”

Do cần phải giữ bí mật nên đội tuyển Trường được đặt tên là Hữu Nghị, còn Trường SQLQVN gọi là Công trường 50. Không ít lần tôi no đòn của mẹ vì cái tội trốn học ở nhà xem đá bóng.

Tôi nhớ ngày ấy, đội Hữu Nghị có một cầu thủ từ Thể Công về học để chuẩn bị đi B, đó là chú Mười Len. Chú có dáng người cao cao, thuận chân trái. Chú có kỹ thuật cực kỳ khéo léo, lại biết cách di chuyển không bóng nên các hậu vệ cứ bị đánh lừa hoài. Nhiều lúc chẳng thấy Mười Len đâu, ấy vậy mà nhoáng một cái không biết từ đâu ra, chú xuất hiện ngay trước khung thành đối phương và dùng cái chân trái dẻo như kẹo kéo, nhẹ nhàng đưa bóng vào lưới. Trận nào chú cũng ghi bàn mà toàn ghi bàn với sự bất ngờ xuất hiện khiến đối phương không kịp trở tay!

Khán giả xuýt xoa: "Thể Công gọi hắn là Mười lủi mà, hắn cứ ẩn hiện như ma ấy, tài thế!".

Ở đội bóng Công trường 50, ai cũng quý tôi và đi đâu đá các chú cũng gọi tôi theo. Tôi thân nhất với chú Phú Quý, một hộ công (tiền vệ tấn công). Chú là người Nam Bộ nhưng trắng trẻo, đẹp trai và là cầu thủ kiến tạo giỏi nhất đội Hữu Nghị lúc ấy. Chú cũng là "ngôi sao" của Trường SQLQVN vì vừa hát, vừa chơi ghi ta điệu nghệ lại đá bóng hay. Các cô bộ đội trong doanh trại mê tít chú. Chú sống tình cảm, hay quan tâm đến người khác. Mỗi lần ra sân nhặt bóng, chú thường gọi tôi lúc cho cái kẹo, khi bê cả trái mít to tướng sắp chín mà chú hái ở cái cây đằng sau khu nhà ở tiểu đoàn và bảo tôi đem về nhà ngay.

"Này cháu, mày có năng khiếu đá banh đấy. Ráng luyện nhiều, lớn lên đá giỏi hơn chú nha!". Những lúc được khen ngợi cổ vũ như thế, tôi sướng lắm! Chỉ tiếc là cho đến nay, tôi để ý tìm chú mãi mà không biết được tin tức của chú. Có thông tin là năm 1963 chú đi B và đã hy sinh. Tôi đau đớn vô cùng.

Chiếc áo huyền thoại có chữ QĐND luôn đi vào giấc mơ tác giả. Danh thủ Trương Tấn Bửu (thứ hai, hàng ngồi bên trái), HLV đội TC những năm 1955-1960.
Ảnh tác giả cung cấp

Chân trời rộng mở

Những ngày ấy, tôi lớn dần lên, hiểu biết bóng đá nước nhà hơn khi bắt đầu biết nghe tường thuật các trận bóng đá trên loa phóng thanh. Cứ vào chiều chủ nhật, tôi lại chiếm một chỗ trong căng tin của khu Hiệu bộ để nghe tường thuật bóng đá. Tôi đã bắt đầu biết những đội bóng đá Thể Công, CA Hà Nội, Cảng Hải Phòng, Đường Sắt, Bưu Điện rồi Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT TƯ. Tôi đã dần thuộc tên những cầu thủ nổi tiếng, nhưng nhớ nhất là các cầu thủ Thể Công. Tôi mê say giọng nói trầm ấm, sôi nổi và liên tục như những tràng súng liên thanh của các ông Nguyễn Thu, tức Thu "râu", Ông Quang Hiệp, Ông Thanh Đạm. Đặc biệt, khi Thu “râu” tả Trương Tấn Nghĩa lao từ biên vào với tốc độ của con tuấn mã với những cú sút như trái phá, tôi hình dung ra Triệu Tử Long một mình một ngựa xông pha ở Tràng Bản.

Ngẫm từ cuộc chia tay của 'hậu bối' Lê Công Vinh

Ngẫm từ cuộc chia tay của 'hậu bối' Lê Công Vinh

... Tôi khóc vì tình nghĩa, vì ngày mai tôi phải rời xa đồng đội, rời xa những kỷ niệm, những trận đấu “để đời”!

Tôi nhớ mỗi lần Quang Hiệp cất giọng sôi nổi: “Thưa các bạn, thời tiết hôm nay gió nhẹ thổi từ đường Nguyễn Thái Học qua đường Cát Linh…”, tôi lại run lên và không còn nhớ gì nữa ngoài bóng đá. Tôi hình dung ra một Trương Phi khi Quang Hiệp mô tả hậu vệ Trần Tương Lai dữ dằn khi phòng thủ, còn hậu vệ Lưu Đình Tòng của CAHN đen cháy bay lên "lộn một vòng trên không móc trái bóng từ trong khung thành như thò tay vào túi lấy ra một cái kẹo, cứu một bàn thua trông thấy".

Còn đội TC Đường Sắt thì tôi nhớ những cái tên Quang Minh, Thư, Đạt, Quỳ "bại"...Qua các bình luận viên danh tiếng ấy, tôi nhớ ngay những cái tên đầy chất bóng đá của Cảng Hải Phòng như trung ứng "cáo già" Túc “gù”, trung vệ quả cảm lắm mưu mẹo Quắn Mìn Te, tiền vệ Mùi “pố”, trung phong Đức “tàu bò”…

(Còn nữa)

“Tiếng sét” Thể Công

Có một câu chuyện khiến tôi nhớ mãi, đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về Thể Công cho đến tận bây giờ. Đó là một ngày cuối năm trời se lạnh, cậu đưa tôi đến nhà ăn tập thể của khối Hiệu bộ. Vẫn như mọi khi, tôi ngồi ăn cùng mâm với cậu và các chú giáo viên cùng khoa. Buổi trưa, nhà ăn thường rất đông, có tới vài trăm người.

Theo quy định, mọi người không được nói chuyện trong khi ăn nên rất trật tự. Bỗng tôi thấy ở gần cửa ra vào có tiếng lao xao, nhìn ra tôi thấy 2 người đàn ông dáng cao to, nước da hồng bước vào nhà ăn. Họ trạc 24, 25 tuổi mặc quần quân phục, nhưng chiếc áo thì đặc biệt ấn tượng: Cả hai đều mặc giống nhau, đó là chiếc áo cổ chui bằng bông màu đỏ hồng, giữa ngực in hàng chữ nổi bật màu vàng QĐND (quân đội nhân dân).

Ngày nay chiếc áo ấy ít người mặc nhưng hồi ấy chỉ Thể Công mới có! Tôi sững sờ, quên cả ăn chăm chăm nhìn 2 chú. Cậu tôi liền vẫy tay về phía ấy và nói: "Thể Công đấy, tay đậm người là Ngô Xuân Quýnh trước cũng là giáo viên Trường ta, cùng đơn vị với mình hồi ở Trung Quốc, còn tay kia là Phạm Tất Thắng, người Ninh Bình đá bóng hay lắm mới tăng cường về Thể Công. Cả hai đều là nòng cốt của đội bóng đá Thể Công đấy!".

Tôi há hốc mồm nhìn 2 chú như nhìn người từ hành tinh khác đến! Họ đều cao to, đẹp trai và có gì đó toát ra vẻ khỏe khoắn, hào hoa phong nhã, cao sang mà tôi cảm thấy như trong mơ…


VŨ MẠNH HẢI
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm