Làm thế nào một nhà cầm quân từng nhận giải HLV xuất sắc nhất châu Á và chỉ mất chưa đầy 2 tháng chuẩn bị để đưa đội bóng của mình lọt vào vòng 2 World Cup 2018 lại có thể bị sa thải với một loạt kết quả thất vọng ở cả sân chơi khu vực cũng như châu lục? Câu trả lời có lẽ là họ đã gặp nhau không đúng thời điểm!

(Thethaovanhoa.vn) – Làm thế nào một nhà cầm quân từng nhận giải HLV xuất sắc nhất châu Á và chỉ mất chưa đầy 2 tháng chuẩn bị để đưa đội bóng của mình lọt vào vòng 2 World Cup 2018 lại có thể bị sa thải với một loạt kết quả thất vọng ở cả sân chơi khu vực cũng như châu lục? Câu trả lời có lẽ là họ đã gặp nhau không đúng thời điểm!

Tối ngày 29/7, LĐBĐ Thái Lan (FAT) thông báo sa thải HLV Akira Nishino với lý do nhà cầm quân người Nhật Bản không hoàn thành mục tiêu ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022, dù hợp đồng giữa 2 bên vẫn còn thời hạn 6 tháng nữa. Quyết định của FAT không làm ai cảm thấy ngạc nhiên, bởi sự rạn nứt trong quan hệ giữa FAT và HLV Nishino là rất lớn, nên việc đường ai nấy đi chỉ còn là vấn đề thời gian.

 

Cách đây 2 năm, Chủ tịch FAT là ông Somyot Phumphanmuang còn đích thân bay sang Nhật Bản để mời HLV Nishino về làm việc cùng bản hợp đồng 2 năm, và vừa mới năm ngoái, ông Somyot đã tái đắc cử chức Chủ tịch FAT nhiệm kỳ 2020-2024 bằng lá bài mang tên Nishino, bởi ở thời điểm đó ĐT Thái Lan từng tạm dẫn đầu bảng G vòng loại thứ 2 World Cup 2022 sau chiến thắng 2-1 trên sân nhà trước UAE, còn U23 Thái Lan cũng dưới sự dẫn dắt của ông Nishino đã vào tới vòng tứ kết giải U23 châu Á năm 2020.

 

Quả thực HLV Nishino là một nhà cầm quân tài năng, bởi tại Olympic Atlanta 1996, khi nhiều tuyển thủ trụ cột của ĐT Việt Nam hiện nay còn chưa được sinh ra thì ông Nishino đã được cả thế giới biết tới, với việc giúp ĐT Olympic Nhật Bản đánh bại ĐT Olympic Brazil của những Ronaldo, Roberto Carlos, Rivaldo và Bebeto với tỷ số 1-0, một chiến tích lừng lẫy được báo chí Nhật Bản đặt tên là “Phép màu Miami”.

 

Tại cấp độ CLB, HLV Nishino cũng chứng tỏ được khả năng của mình khi thâu tóm tất cả các danh hiệu cao quý nhất ở quốc nội cùng các đội bóng lớn của Nhật Bản như Kashiwa Reysol hay Gamba Osaka, với 2 lần nhận danh hiệu HLV hay nhất J-League, một lần được AFC bình chọn là HLV của năm nhờ thành tích giành chức vô địch AFC Champions League và HCĐ tại World Cup Clubs năm 2008 với Gamba Osaka.

 

 

Tuy nhiên, yếu tố khiến Chủ tịch Somyot phải đích thân sang tận Nhật Bản mời HLV Nishino về cầm quân ở ĐT Thái Lan là thành tích xuất sắc của ông thầy này ở World Cup 2018, khi chỉ mất chưa đầy 2 tháng thay thế HLV Vahid Halilhodžić bị sa thải, HLV Nishino đã đưa ĐT Nhật Bản lọt vào tới vòng 2 World Cup 2018 và chỉ chịu thua ĐT Bỉ với tỷ số sát nút 2-3, sau khi đã dẫn trước tới 2-0.

 

Dấu ấn chiến thuật đậm nét của HLV Nishino là một trong những nguyên nhân khiến nhà cầm quân này nhận được sự ca ngợi ở World Cup 2018, và quả thật là khi dẫn dắt các ĐTQG Thái Lan, HLV Nishino cũng mau chóng để lại ảnh hưởng của mình.

 

Trong gần 2 năm làm việc ở Đông Nam Á, HLV Nishino là người hiếm hoi luôn khiến HLV Park Hang Seo phải mệt mỏi trong những lần đối đầu, ở mọi cấp độ, và chỉ nhìn vào thái độ hân hoan của ông Park sau khi kết thúc trận đấu với ĐT Thái Lan hoặc U22 Thái Lan bằng tỷ số hòa là có thể hiểu được chiến lược gia người Nhật Bản là một đối thủ khó chơi đến thế nào.

 

Vậy tại sao một nhà cầm quân như vậy lại thất bại liên tục từ SEA Games cho tới vòng loại World Cup và cuối cùng lại bị sa thải giữa chừng? Một lý do quan trọng là quan hệ có phần không thật gần gũi giữa HLV Nishino với các cầu thủ Thái Lan cũng như với FAT.

 

Chẳng có ĐTQG nào mà HLV trưởng vẫn đang tại nhiệm mà một trụ cột của đội bóng lại công khai kêu gọi LĐBĐ QG tìm kiếm nhân sự khác thay thế, như cái cách mà tiền vệ Chanathip Songkrasin (ảnh) vừa mới kêu gọi FAT hãy trao ĐT Thái Lan cho một nhà cầm quân nội, và tiến cử HLV đương nhiệm của HAGL là cựu danh thủ Kiatisuk.

 

Trả lời phỏng vấn trên tờ Siam Sports mới đây, Chanathip (18) nói: “Nếu bạn hỏi hỏi tôi về chuyện HLV tuyển Thái Lan thì tôi cho rằng chúng ta nên dùng HLV nội cho đội. Thái Lan có rất nhiều HLV giỏi như Kiatisuk, Tachatawan, Dusit hay Rangsan Wiwatchaichoke. Các HLV nội giỏi chuyên môn. Họ lại hiểu cầu thủ, giao tiếp tốt với cầu thủ. Họ có thể xây dựng đội với phong cách riêng, đậm chất Thái Lan. Chi phí lương cho HLV nội cũng thấp hơn rất nhiều so với các HLV ngoại. Tôi nói những điều này chỉ nhằm mục đích tốt hơn cho ĐT Thái Lan, đưa chúng ta trở lại đúng vị thế”.

 

Và không thể tin rằng trong thời buổi công nghệ 4.0 mà lãnh đạo FAT lại nhiều lần phàn nàn về việc họ không thể liên lạc với HLV Nishino mỗi khi HLV này trở về Nhật Bản, và khi người đứng đầu FAT là ông Somyot công khai bày tỏ sự không hài lòng với HLV Nishino thì ai cũng hiểu được rằng tương lai của nhà cầm quân này với các ĐTQG Thái Lan đã đến hồi kết.

 

Một lý do rất quan trọng khác nữa là dường như FAT và HLV Nishino không có được sự thống nhất với việc lựa chọn mục tiêu cho bóng đá Thái Lan, rằng nên bỏ qua các sân chơi khu vực như SEA Games, AFF Cup để hướng tới những cái đích cao hơn như World Cup hay Olympic, hay đặt mục tiêu phấn đấu từng bước, để rồi trong gần 2 năm HLV Nishino tại vị, bóng đá Thái Lan hoàn toàn trắng tay ở giải khu vực mà ra đến đấu trường châu lục cũng không làm nên trò trống gì.

 

Với một kết quả như vậy, nếu FAT tiếp tục giữ chân HLV Nishino cho tới lúc kết thúc hợp đồng mới thực sự là chuyện lạ.

Huy Anh