29/05/2020 06:07 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức đã vắt qua tuổi 25. Người sáng lập ra giải thưởng này, cố nhà báo Minh Hùng, hiện đã không thể còn theo nhịp bóng lăn. Và cũng như mọi giải thể thao khác ở Việt Nam, Quả bóng Vàng cũng mấy phen lao đao, thậm chí đã có năm phải... tạm dừng!
25 năm đi “so bó đũa chọn cột cờ”, mùa nào cũng gây tranh cãi. Duy chỉ có năm 2019, với số phiếu gần như tuyệt đối của Hùng Dũng (CLB Hà Nội và ĐTQG) là ít đi tranh biện, bởi Dũng xứng đáng nhất, nếu chỉ nhìn vào 1 cá nhân, 1 mùa bóng
1. Hùng Dũng đoạt Vàng, Quang Hải giành Bạc, Văn Hậu là “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất”, Pape Omar được bầu là “Ngoại binh xuất sắc nhất”, CLB Hà Nội gần như thâu tóm mọi danh hiệu cá nhân, trừ Quả bóng Đồng (thuộc về Trọng Hoàng), danh hiệu cuối cùng mà nhiều người cho rằng, nếu trao nó cho Văn Quyết – đội trưởng CLB Hà Nội, cầu thủ xuất sắc nhất V-League 2019, cũng không phải là quá ưu ái. Quyết hay nhất Hà Nội cơ mà!
Chỉ có điều, Trọng Hoàng thuyết phục hơn Quyết, bởi anh đã có những cống hiến tuyệt vời cho ĐTQG tại VCK Asian Cup 2019, cũng như chiến dịch vòng loại FIFA World Cup 2022 và đội tuyển U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 2019.
Trong một năm mà CLB Hà Nội làm bá chủ mọi hệ thống giải đấu quốc nội, vào sâu ở AFC Cup, lại cung ứng cho các ĐTQG rất nhiều nguyên khí, thì việc họ ẵm hầu hết các danh hiệu bầu chọn cá nhân là điều dễ hiểu. Những người làm chuyên môn tính rằng, ngay cả khi không cần một cuộc chạy tiếp sức nào giữa các CLB có mối quan hệ hữu cơ nhà bầu Hiển, thì Hà Nội sẽ tiếp tục không có đối thủ ở trong nước ít nhất 3 năm nữa.
Không có dấu ấn nào ở cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng năm nay cho “những đứa trẻ nhà bầu Đức” hay CLB TP.HCM, vốn cũng có những đầu tư rất lớn và giành ngôi á quân V-League 2019. Kể ra cũng có chút mủi lòng, nhưng cuộc chơi bóng đá chỉ tôn vinh người chiến thắng, kẻ chiến bại – ngay cả chiến bại vĩ đại, vẫn phải đứng cạnh lẻ loi. Không khác được! Năm nay, CLB TP.HCM với sự hậu thuẫn về con người từ Hàm Rồng, hứa hẹn sẽ “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng” với Hà Nội. Phim hay chờ đoạn kết!
2. Trong lịch sử 25 năm Quả bóng Vàng, đã từng có những cuộc bầu chọn tranh cãi nảy lửa. Năm 1999, hậu vệ Trần Công Minh bất ngờ tuyên bố giã từ ĐTQG ở tuổi 29 (Công Minh sinh năm 1970 – PV). Kết quả là ở cuộc bầu chọn năm đó, Công Minh được vinh danh cho những cống hiến của mình, xếp trên cả Lê Huỳnh Đức (Bạc) và Nguyễn Hồng Sơn (Đồng). Ai cũng biết là Công Minh sau đó vẫn tiếp tục chơi cho ĐTQG, vẫn hừng hực khí thế như tuổi đôi mươi và không có đối thủ cạnh tranh ở hành lang cánh phải của đội tuyển.
Một chừng mực nào đó, tình huống của Công Minh cũng khá giống như Minh Phương (Quả bóng Vàng năm 2010). Đây là mùa giải cuối cùng của Minh Phương cùng Long An, trước khi chuyển ra SHB Đà Nẵng và nói lời chia tay ĐTQG sau thất bại ở bán kết AFF Suzuki Cup 2010.
Năm 2004, Lê Công Vinh giành Quả bóng Vàng Việt Nam ở tuổi 19, dù SLNA và ĐTQG không có thành tích đáng kể nào. Đó là mùa giải mà HAGL với tập hợp toàn sao số gọi là “Dream Team” đã lên ngôi V-League lần thứ 2 liên tiếp. Nhưng, các danh hiệu cá nhân lại được trao cho Công Vinh, Thạch Bảo Khanh (xuống hạng cùng CLB Thể Công) và Phan Văn Tài Em. Tài Em đã lấy Quả bóng Vàng một năm sau đó, 2005, khi bóng đá Việt Nam xảy ra biến ở SEA Games Bacolod, giải đấu vụt sáng của những Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh…
Danh hiệu cá nhân thi thoảng vẫn được trao cho những chủ nhân không hẳn là hay nhất, xuất sắc nhất, nhưng, được cho là đạo đức nhất. “Đạo đức” là một khái niệm rất mông lung, tuy nhiên, lại được cho vào như một trong những tiêu chí quan trọng nhất để “so bó đũa chọn cột cờ”. Nó là đạo đức sân cỏ (một giải thưởng mang hơi hướng Fair - Play nhiều hơn), hay con người. Văn Quyết đã hơn một lần bị loại ra khỏi cuộc bầu chọn, cũng chính vì 2 chữ đạo đức, khi anh dính án phạt của trọng tài trong một số trận đấu.
Từ Huy Hoàng, đến Văn Quyết, Quang Hải (Khánh Hòa và ĐTQG), Lê Tấn Tài, thậm chí cả Như Thành…, rất nhiều những cái xuất sắc nhất và có thời điểm nổi bật nhất, nhưng chưa một lần được vinh danh. Ngoài Văn Quyết và Tấn Tài vẫn còn thi đấu ở tuổi 36, thì 3 người còn lại hiện đã giải nghệ và chuyển qua công tác huấn luyện. Cứ mỗi lần nhắc lại, họ chỉ lắc đầu ngao ngán. Ừ, cuộc sống mà! Bằng gì cũng có, chỉ thiếu...
Vĩ thanh – Tấm gương Huỳnh Quốc Anh
2012, Quốc Anh chiến thắng ở hạng mục Quả bóng Vàng, xếp sau là Lê Tấn Tài và Nguyễn Minh Phương. Người ta cho rằng, Tấn Tài đã phải chịu quá nhiều bất công, sau bao cống hiến, lại thua “một cầu thủ đã từng nhúng chàm” như Huỳnh Quốc Anh. Nhưng, nói thế là không fair, bởi Quốc Anh đã có một năm thần kỳ cùng SHB Đà Nẵng (vô địch V-League) và ĐTQG, dưới thời HLV Phan Thanh Hùng. Trong khi đó, Tấn Tài cùng K.Khánh Hòa chạy trốn khỏi suất xuống hạng, trước khi được “gả” cho Hải Phòng.
Có thể nói, Quốc Anh là một tấm gương vượt khó cho các thế hệ cầu thủ trẻ sau này. Từng “hy sinh” nhận tội thay đồng đội ở SEA Games Bacolod và bị cấm thi đấu một thời gian dài. 3 năm (từ 2005 – 2008) không được chơi bóng, là một cực hình với chàng trai trẻ tài hoa và say mê lý tưởng như Huỳnh Quốc Anh (sinh năm 1985). Nhưng, cũng năm 2009, khi được trở lại với sân bóng, Quốc Anh (cùng Phước Vĩnh, Hải Lâm) đã giúp SHB Đà Nẵng lần đầu vô địch quốc gia ở kỷ nguyên V-League và đến năm 2012 hoàn thành cú đúp.
Tài năng của Huỳnh Quốc Anh là điều không phải bàn cãi. Người ta tiếc cho Văn Quyến, Quốc Vượng 10, thì tiếc Quốc Anh cũng 9,5, sau đại án Bacolod. Khác với phần lớn đồng đội và là đồng phạm, phần lớn chìm vào quên lãng và không bao giờ lấy lại được hình ảnh hào hùng như ngày xưa, “thằng Tí” (tên thân mật của Quốc Anh) đã nỗ lực không mệt mỏi, để rực sáng trở lại, sau những ngày tháng đen tối. Điều đó cần được ghi nhận, thậm chí phải được xem là tấm gương, thay vì sự dè bỉu. Những sân si cũng nên khép lại!
Ngay lúc này, Huỳnh Quốc Anh vẫn cần mẫn làm công tác huấn luyện các tuyến trẻ của SHB Đà Nẵng. Cuộc sống không đợi bất kỳ ai cả, nếu chúng ta không hành động và cố gắng!
Không có hoa hồng Nói về các cuộc bầu chọn danh hiệu cá nhân, không ai ẫm ức hơn Văn Quyết và trước đó là Huy Hoàng. Quyết “rừng” là cầu thủ hay nhất của Hà Nội trong khoảng 10 năm qua, quãng thời gian mà đại diện Thủ đô đã lấy 5 chức vô địch V-League, rồi Cúp quốc gia, Siêu Cúp..., để trở thành CLB giàu truyền thống nhất Việt Nam; Quyết cũng có những đóng góp rất lớn cho U23 Việt Nam, Olympic Việt Nam và ĐTQG Việt Nam. Nhưng, Quyết chưa một lần được vinh danh ở bục cao nhất. Huy Hoàng cũng vậy. Các năm 2006 – 2007, Hoàng “lác” chơi cực bốc trong màu áo SLNA và ĐTQG, tại AFF Cup và ASIAN Cup, vào đến tứ kết, nhưng thậm chí không lọt vào Top 5 cuộc bầu chọn cá nhân, vì người ta nghi ngờ đạo đức của Huy Hoàng. Đó là lý do năm 2008, anh đã nhất quyết từ bỏ ĐTQG (khi ấy đang tập trung tại Thành Long, TP.HCM), lỡ mất cơ hội vô địch Đông Nam Á cùng các đồng đội. Năm 2010 Hoàng quay lại đội tuyển, nhưng lúc này, đội bóng như "một cái chợ" và thua mất mặt trước Malaysia ở bán kết. |
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất