LĐBĐ Đức chia sẻ kinh nghiệm với các CLB V.League về chiến lược đào tạo trẻ

14/10/2016 14:41 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Theo lịch trình làm việc của Đoàn nghiên cứu, học tập bóng đá châu Âu, sáng 13/10 tại Đức, các thành viên trong Đoàn (gồm các đại diện các CLB bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam) đã buổi làm việc cùng với LĐBĐ Đức (DFB). Tại đó, đại diện DFB đã cùng trao đổi về chiến lược đào tạo trẻ rất bài bản và dài hơi của DFB.

Tiếp đón Đoàn bóng đá Việt Nam là Ông Marc Hess – Phụ trách quan hệ Quốc tế và Đào tạo HLV. Đại diện DFB rất nhiệt tình tiếp đón Đoàn học tập Việt Nam và cho biết trước đây DFB cũng từng tiếp đón và hỗ trợ nhiều LĐBĐ các Quốc gia khác trên Thế giới.

Bóng đá Đức đang gặt hái thành quả sau cuộc cách mạng đào tạo trẻ được thực hiện từ cách đây 16 năm, sau thất bại tại Euro 2000. Đào tạo trẻ hiện là niềm tự hào của Bóng đá Đức và trong cuộc trao đổi với Đoàn bóng đá Việt Nam, đại diện DFB đã không ngần ngại chia sẻ về quá trình đưa đến thành công cho bóng đá Đức hiện nay, đó chính là phải tập trung đào tạo trẻ bài bản và có chiến lược.

Đại diện DFB cho biết, phân tích từ thất bại tại Euro năm 2000 cho thấy, trong đội tuyển Đức chỉ có duy nhất 1 cầu thủ dưới 23 tuổi, thất bại từ đội hình già nua đã buộc  những nhà làm bóng đá Đức phải hành động. Đẩy mạnh đào tạo trẻ để trẻ hóa Đội tuyển quốc gia, một kế hoạch dài hơi nhằm tạo sự bền vững lâu dài và ổn định. Các bước thực hiện trong chiến lược đào tạo trẻ của Bóng đá Đức:

Bước 1: Bắt đầu từ năm 2000, thiết lập hệ thống đào tạo quy mô toàn quốc. Chương trình thực hiện ở mọi cấp độ thông qua các giải đấu từ địa phương, trường học. Ở Đức có 36 CLB chuyên nghiệp, CLB không chuyên là 25456 CLB với 21 Liên đoàn địa phương. Với dân số 80 triệu người, sau khi thúc đẩy đào tạo trẻ  có gần 7 triệu cầu thủ thuộc CLB các cấp, trong đó có gần 2 triệu cầu thủ dưới U19 – đối tượng được DFB hướng tới đào tạo nâng cao, phát triển tài năng. DFB làm việc trực tiếp với các CLB và LĐ thành viên để triển khai các kế hoạch, chính sách và chiến lược tìm kiếm, phát triển tài năng, tạo sự lan tỏa khắp cả nước.


Thông qua  366 vệ tinh cơ sở, DFB không bỏ sót bất cứ một tài năng trẻ nào. 1300 HLV, mỗi cơ sở có tối thiểu 2 HLV phụ trách việc tìm kiếm tài năng, sau đó đào tạo và phát triển. Việc báo cáo về các cầu thủ qua hệ thống cùng các chuyên gia được thực hiện hàng tuần. Mỗi HLV được trang bị 1 bộ đàm phạm vi liên hệ 30km trong khu vực của mình để trao đổi thông tin kịp thời với các HLV về các tài năng để đào tạo ở cấp độ cao hơn do chính các HLV này huấn luyện. Hàng năm DFB tìm kiếm và đào tạo 600,000 cầu thủ cả nước, trong đó có 14,000 cầu thủ ở độ tuổi 11 – 15 tuổi. 29 chuyên gia điều phối để tìm kiếm, đào tạo cầu thủ phải có bằng A của DFB hoặc chứng nhận của FIFA, quản lý theo khu vực.

Bước 2: Thiết lập Học viện đào tạo trẻ từ năm 2001

Có 54 học viện đào tạo trẻ của các CLB. Yêu cầu bắt buộc với CLB được cấp phép tham gia giải chuyên nghiệp là phải xây dựng học viện đào tạo trẻ theo các tiêu chí chung do DFB xây dựng. Năm 2006, DFB thuê đơn vị tư vấn, đánh gía độc lập tại Bỉ để xem các CLB có đáp ứng được các tiêu chí mà DFB đặt ra hay không. Từ đó, phân thứ hạng sao để đánh giá chất lượng học viện đào tạo trẻ, qua đó DFB rót ngân sách về các CLB theo thứ hạng phân cấp. DFB thực hiện những cam kết đầu mùa sẽ dành bao nhiêu % Bản quyền TH, giải thưởng... của các ĐTQG để cắt lại cho đào tạo trẻ.

Hàng năm DFB cùng các CLB đầu tư khoảng 1,2 tỷ Euro cho công tác tìm kiếm và đào tạo trẻ.Trong đó DFB rót tiền về khoảng 10% cho 54 học viện (không tính 366 cơ sở vệ tinh huấn luyện bổ trợ do chính DFB tổ chức), còn lại là do chính các CLB tự bỏ tiền đầu tư.

Bước 3: Thiết lập những trường học vệ tinh năm 2006

Mạng lưới trường học bóng đá vệ tinh được thực hiện để phục vụ cho chính trường và cho những giải đấu bóng đá. Ở Đức học sinh học từ 9h sáng tới 2h chiều, nên chỉ có thể tập một buổi một ngày. Sau đó hợp tác giữa các học viện đào tạo trẻ với hệ thống giáo dục, sắp xếp lịch học để có thể bố trí được 2 buổi tập sáng và chiều cho các cầu thủ tài năng.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT VPF: 'Mùa giải 2017 sẽ có tài trợ dồi dào hơn'

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT VPF: 'Mùa giải 2017 sẽ có tài trợ dồi dào hơn'

“Tài trợ dồi dào hơn, chế độ trọng tài tăng cao hơn, cạnh tranh giữa các CLB quyết liệt hơn, chất lượng giải đấu tốt hơn”… là những gì ông Võ Quốc Thắng cam kết VPF sẽ mang lại cho các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm tới.

Để không bỏ sót tài năng, DFB có tiêu chí phân loại cầu thủ trẻ:

-    Loại 1: Cầu thủ trẻ tham gia học viện đào tạo của các CLB chuyên nghiệp từ nhỏ và trưởng thành.

-    Loại 2: Cầu thủ trẻ tham gia đào tạo tại các CLB không chuyên, sau đó được phát hiện và tham gia lớp huấn luyện bổ trợ do chính DFB tổ chức tại 366 cơ sở vệ tinh.

-    Loại 3: Cầu thủ trẻ tham gia học viện đào tạo của các CLB chuyên nghiệp sau đó bị loại vì nhiều lý do rồi tham gia các cơ sở đào tạo của CLB không chuyên, được các HLV phát hiện tài năng tổ chức huấn luyện bổ trợ sau đó lại tham gia các học viện chuyên nghiệp

Những cơ sở vệ tinh của DFB, đội ngũ chuyên gia điều phối viên để tìm kiếm các tài năng rộng khắp theo các khu vực đã tạo nên những nền móng vững chắc, giúp phát hiện, bồi dưỡng không bỏ sót và lãng phí các tài năng đã tạo nên một nền bóng đá Đức có sức mạnh nội tại và phát triển bền vững như hiện nay.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm