‘Làm sư đoàn trưởng còn dễ hơn làm Chủ tịch bóng đá’

22/07/2016 16:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi từng 4 năm phục vụ trong quân ngũ, sau đó về kinh doanh. Trải qua thượng vàng hạ cám nhưng tôi khẳng định không có cái nghề nghiệp nào “dã man” như theo bóng đá. Quản lý 30 con người thôi nhưng chắc chắn khó hơn cả một sư đoàn”, Chủ tịch đội bóng Sài Gòn FC Nguyễn Giang Đông có cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần.

Muốn cơ quan an ninh vào cuộc

Chưa đầy 1 tháng nhưng 2 trận đấu của CLB Sài Gòn đã khiến dư luận dậy sóng vì những kết quả rất khó tin, ông nghĩ gì về điều này?

Chủ tịch Nguyễn Giang Đông: Đầu tiên tôi muốn cơ quan an ninh vào cuộc để làm rõ trắng đen, giúp bóng đá trong sạch thay vì cứ nhìn chúng tôi với ánh mắt hoài nghi. Trận đấu với QNK Quảng Nam, chúng tôi không chịu nổi khí hậu nóng ở Tam Kỳ. Cầu thủ chơi không đúng sức và thua bàn liên tiếp. Tôi thấy tình hình không ổn nên giờ nghỉ giữa hiệp đã vào phòng thay đồ động viên các em rằng hãy cố gắng chơi bóng đi, đá thoải mái, dồn lên mà đá, có thua cũng chịu.

Đội sau đó gỡ được 3 bàn mà nhiều người nói là điên rồ nhưng bóng đá mà, ai mà biết trước được khi chúng tôi đã lên tinh thần. Mọi người nói chúng tôi này nọ nhưng hãy xem lại những gì Sài Gòn làm được mùa giải này. Chúng tôi chưa thua Hải Phòng, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, B.Bình Dương, những cái tên đó đủ nói lên mạnh hơn QNK Quảng Nam chưa (?). Than Quảng Ninh thì phải trối chết mới ăn được chúng tôi trên sân nhà của họ.


Ông Đông luôn có mặt bên HLV Đức Thắng kể từ khi đội bóng nhập cư ở TP HCM – Ảnh: Tuân Phạm

Trận hòa Hải Phòng trên sân nhà vừa rồi, nhiều người nói khó tin nhưng Hải Phòng đang là đội dẫn đầu bảng đấy. Khi bị dồn vào chân tường, chúng tôi không ngờ họ phản kháng mạnh mẽ đến thế. Giữa hiệp, tôi còn dặn các em đừng có chủ quan, cẩn thận họ vùng lên. Nhưng rồi những trận đấu như vừa qua mới thấy sự non kém của một đội bóng tân binh V-League.

Các cầu thủ trẻ không giữ được cái đầu lạnh, dù chơi trên sân nhà nhưng sức ép của CĐV đội khách còn lớn hơn. Thủ môn Quang Tuấn bị tâm lý nặng nề trận đó, chúng tôi phải dùng Tuấn vì thủ thành số 1 Tống Đức An đã bị chấn thương háng. Cả tháng vừa qua anh ta cố gắng thi đấu, Đức An thậm chí không thể phát bóng lên được. Tuần vừa rồi cậu ấy nói cố không nổi nữa nên chúng tôi để Quang Tuấn bắt. Tuấn có tài năng nhưng trẻ người, lần đầu tiên được bắt V-League rồi sau đó là Văn Hoàng nữa, họ không đủ tỉnh táo trước sức ép dồn dập của đối thủ lẫn CĐV sau lưng cứ la ó.

Thành tích hiện tại, ông có tin đội nhà vẫn có cửa cạnh tranh tấm huy chương ở V-League mùa này?

+ Nếu thắng Hải Phòng vừa rồi thì mục tiêu đó khả dĩ đấy. Chúng tôi sẽ vào được top 6 nhưng mọi chuyện không như ý. Sắp tới chúng tôi sẽ có 2 chuyến làm khách trên sân của những đối thủ khó chịu như XSKT Cần Thơ (chúng tôi đã thua ở lượt đi) và Long An đang tìm đường trụ hạng. Bóng đá thì ai chả muốn thắng nhưng thực lực hiện tại chúng tôi biết mình đang ở đâu.

Chúng tôi là những người thất vọng nhất sau trận hòa vừa qua. Không chỉ bởi điều tiếng không ai mong muốn từ dư luận mà cầu thủ còn mất thương hiệu, mất tiền thưởng, nhà tài trợ còn không vui. Mỗi trận thắng của CLB Sài Gòn giờ thuộc dạng cao nhất V-League nên các em cũng tiếc lắm.

Nói về tiền thưởng, tại sao đội bóng của ông lại được ưu ái như thế?

+ Đặt chân đến TP.HCM, chúng tôi nhận được sự quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp sừng sõ đóng chân trên địa bàn. Chẳng hạn như Trường Hải, Đại Quang Minh, Him Lam…. Các ông chủ rất quan tâm đến CLB và luôn móc hầu bao khi đội đạt thành tích tốt. Nói CLB này của bầu Hiển không thì chạm đến tự ái của các ông chủ lớn ấy lắm. Tiền thưởng lớn thì tôi không nghĩ cầu thủ của mình cần mua bán độ. Tôi cũng không nghĩ người ta vứt tiền ra để mua điểm số ở đội bóng tân binh này.

Đội bóng vào Sài Gòn chỉ là tạm thời hay sẽ có một tương lai bền vững?

+ Chúng tôi đang hướng đến tương lai với việc xây dựng Trung tâm đào tạo trẻ. Tôi đã đi khảo sát nhiều tuần qua và nhắm đến phương án xây dựng trên địa bàn Quận 6. Ở thành phố lớn như TP.HCM bây giờ, tôi nghĩ phải có 5-6 đội chuyên nghiệp chơi V-League thì mới xứng tầm.

Không có nghề nghiệp nào dã man như bóng đá

Đến nơi ở mới, một mảnh đất mới, với nhiều hoài nghi quả là phải có những khó khăn, rắc rối?

+ Thực ra tôi đến với bóng đá chỉ mới 3 năm nay trên cương vị quản lý. Tôi quý trọng anh Hiển (Bầu Hiển) nên nhận lời. Tôi từng phục vụ trong quân ngũ từ năm 1978 đến 1982, đóng quân trên địa bàn TP.HCM này. Tôi trở về Hà Nội năm 1982 và năm 1987 bắt đầu kinh doanh kim hoàn. Có thời người ta biết đến tôi với biệt danh Đông “vàng”. Trải qua nhiều nghề, thượng vàng hạ cám rồi nhưng tôi khẳng định không có nghề nghiệp nào “dã man” như làm bóng đá.

Làm bóng đá quản lý chỉ 30 con người thôi còn khó hơn quản lý cả một sư đoàn. Tôi không nói ngoa vì trong quân ngũ, quân lệnh như sơn, người lính phải tuân thủ kỷ luật răm rắp. Bóng đá thì khác. Cầu thủ là nghệ sĩ, bao nhiêu con người là bấy nhiêu nghệ sĩ. Họ không phải công nhân mà là nghệ sĩ sân cỏ. Phải quản lý thế nào để họ có cảm hứng, tinh thần thăng hoa thì vào sân chơi bóng mới tốt được.

Hải Phòng ngược dòng khó tin trước Sài Gòn FC

Hải Phòng ngược dòng khó tin trước Sài Gòn FC

Chưa hết giải nhưng tân binh Sài Gòn có lẽ là hiện tượng kỳ thú nhất khi đội bóng này chơi theo kiểu khôn lường. Sau 6 phút “điên rồ” để giật lại 1 điểm ở Tam Kỳ, thầy trò HLV Hữu Thắng lần này là “nạn nhân” ngay tại sân nhà.


“Dã man” còn bởi đá thế nào cũng bị phán xét, hoài nghi này nọ. Chưa hết, với người làm quản lý như tôi thì nhiều năm qua chưa được nghỉ ngơi bất cứ ngày nào, kể cả mồng 1 Tết. Thời gian đó, cầu thủ ngoại qua thử việc khá nhiều. Vì ở Hà Nội không có khách sạn nào mở cửa, hàng quán không bán buôn, cầu thủ không biết nương tựa đâu, tôi lại phải mời họ về nhà ăn ở.

Nhiều cầu thủ đến ăn ở rồi còn mang đồ ăn về để ăn dần vì hàng quán không bán đồ ăn, trước Tết tôi phải bảo người thân mua thật nhiều đồ trữ trong tủ lạnh để cho họ. Cầu thủ theo đạo Hồi ăn uống khó khăn nữa, tôi cũng phải chăm chút cho họ. Hết mùa giải, cầu thủ về gia đình nghỉ ngơi thì chúng tôi lo tuyển người mới.

Từ ngày đặt chân đến TP.HCM, tôi mới chỉ được về thăm gia đình 1 lần. Tháng 8 tới có thể lại được về lần nữa. Tôi nghĩ sức mình hiện tại chỉ có thể làm nổi 1-2 năm nữa ở cái nghề này.

Ông có cảm nhận CLB Sài Gòn đang dần tạo được ấn tượng với CĐV địa phương?

+ Chúng tôi đang nhận được những hiệu ứng khá tích cực của CĐV đối với CLB. Người dân Sài Gòn vốn phóng khoáng và chúng tôi tin họ sẽ ủng hộ CLB đại diện cho địa phương này. Tất nhiên không CĐV nào bỏ tiền đến sân để xem đội bóng đó thua mãi. Chúng tôi ý thức được đá bóng phải quyết tâm, mục tiêu luôn là chiến thắng. Thắng còn phải thắng bằng cách đá hay, đá đẹp để làm hài lòng CĐV.

Bóng đá ở Việt Nam bây giờ không thể kiếm nhiều tiền, ai nói kiếm lời nhờ bóng đá là bốc phét. Thời điểm này để các CĐV bỏ ra đôi chục nghìn mua vé vào sân xem bóng đá là điều đáng quý vô cùng. CĐV luôn là mục tiêu CLB hướng đến phục vụ. Làm bóng đá mà không ai xem thì không khác nào thất bại.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Không ai đi xem “bóng đá công nhân” đâu “Đội bóng của tôi đa phần là người trẻ, vô danh. Tôi thường nhắc nhở các em rằng các em muốn không thua, chưa nói chuyện thắng được những đội bóng già dặn như Bình Dương, Hà Nội T&T…. thì phải chiến đấu bằng tinh thần, ý chí vượt trội họ. Thêm nữa, đá bóng phải là những nghệ sĩ trên sân cỏ, không ai bỏ tiền ra để đến sân xem các em làm công nhân đâu”.


Việt Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm