24/04/2018 05:18 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Qua góc nhìn của một cựu trợ lý HLV thủ môn ĐTQG, việc Bùi Tiến Dũng từ thủ thành số 1 ở U23 Việt Nam đánh rơi phong độ ở FLC Thanh Hóa rồi lên ghế dự bị và đi quảng cáo là rất đỗi bình thường.
Lật lại lịch sử cách đây không lâu chỉ mùa giải 2017, Tiến Dũng không phải là tên tuổi “số má” trong làng túc cầu nội. Sau sự cố thủ thành số 1 CLB Thanh Thắng mắc lỗi ngớ ngẩn khiến FLC Thanh Hóa thua đau Than Quảng Ninh ở cuối mùa giải 2017, thủ môn họ Bùi mới được trọng dụng. Tuy nhiên, Tiến Dũng cũng chơi không quá nổi bật trong phần còn lại. FLC Thanh Hóa cũng không thể hoàn thành giấc mơ vô địch.
Đến triều đại HLV Park Hang Seo, phải thử rất nhiều thủ môn, Tiến Dũng mới được tín nhiệm tuyệt đối. Và thành công ở U23 Việt Nam mới giúp cầu thủ này nức tiếng trong lòng người yêu bóng đá nước nhà.
Hợp đồng quảng cáo đến tới tấp khiến Bùi Tiến Dũng phải di chuyển bằng chân ngoài đời nhiều hơn hẳn nhiệm vụ quẩn quanh khu vực 16m50 bảo vệ khung thành. Hay nói khác đi, Tiến Dũng phải đá bóng … bằng tay như ký tặng, xách quà của CĐV nữ nhiều hơn cả bắt bóng trên sân.
Từ thủ môn vô danh được gắn cho cái mác “thủ môn quốc dân”, Tiến Dũng gánh trên mình đầy rẫy áp lực. Khởi đầu V-League 2018, Tiến Dũng được trọng dụng nhưng thủ thành U23 Việt Nam chưa thực sự sẵn sàng.
Khuôn mặt nhợt nhạt khi phải chứng tỏ mình luôn là số 1 trong lòng CĐV, nhưng hơn ai hết Tiến Dũng mới hiểu bản thân mình nhất do đây mới chỉ là mùa giải đầu tiên Dũng được tin dùng chính thức thay đàn anh giàu kinh nghiệm Thanh Thắng.
Áp lực là nguyên nhân dẫn đến những sai lầm. Tiến Dũng cũng như HLV Mihail, không thể giúp đội bóng đi theo đúng quỹ đạo. Ông thầy danh tiếng ra đi kèm những lời oán hận, còn cậu học trò ở lại với những ám ảnh thường trực. Không nhiều người hài lòng với phong độ kém của Tiến Dũng, cộng thêm những lần “bay sô” như nghệ sĩ trong giới “showbiz”, Tiến Dũng là tâm điểm của chỉ trích.
Một cựu HLV thủ môn đề nghị không nêu tên cho biết: “Trong trường hợp này, Tiến Dũng không đáng trách lắm, bởi lẽ hãy đánh giá một con người trong một quá trình. Tiến Dũng chắc chắn không tự nhận mình là số 1 khi cậu ấy lần đầu tiên được giao suất bắt chính cho FLC Thanh Hóa, đội bóng đặt mục tiêu rất lớn phải vô địch sau sự đầu tư khổng lồ của lãnh đạo CLB.
Áp lực với một cầu thủ trẻ không nhiều kinh nghiệm bắt chính ở V-League là không phải chuyện đơn giản. Tính chất khắc nghiệt ở sân chơi này là điều có thừa và nó không phải mơ hồ như cách nhiều CĐV xem bóng đá Việt Nam rồi so sánh với giải Anh, Tây Ban Nha và nói nó nhàm chán.
Những HLV dẫn dắt CLB V-League thua trận thứ 3 đã đối diện với nguy cơ mất việc. HLV thủ môn như tôi hàng ngày tập cho các thủ môn duy trì phong độ cũng phải chịu trách nhiệm trong việc chọn người hay nhất để tiến cử HLV trưởng cho bắt chính.
Đội tuyển Việt Nam trong quá khứ không ít lần thất bại vì vị trí HLV thủ môn. HLV trưởng chọn trợ lý không có kinh nghiệm làm V-League, làm ĐTQG vì họ biết nghe lời, họ đang thất nghiệp dẫn đến trợ lý đó tiến cử thủ môn sai lầm khiến đội tuyển thất bại, đó là chuỗi hệ thống có thật”.
“Điều nghiệt ngã nhất khi đứng trong khung thành mà bản thân tôi rút ra là gần như thủ môn không có cơ hội sửa chữa sai lầm. HLV trưởng thua trận thứ 3 đứng trước nguy cơ sa thải hay mất việc sau giải đấu thất bại nhưng thủ môn mà sai lầm thì trận thứ nhất coi như cho qua, trận thứ hai tái diễn thì trận thứ ba lên dự bị dài dài.
Bản thân tôi từ vai trò dự bị cũng tìm được chỗ đứng ở ĐTQG vì biết tận dụng cơ hội như thế. Tiền đạo có thể dứt điểm pha bóng hỏng ăn nhiều lần một trận đấu nhưng thủ môn phải quyết định xử lý một tích tắc một pha bóng rất nhanh. Nếu đúng, thủ môn sẽ được hoan hô còn sai lầm, thất bại đi liền với người ta chỉ trích.
Nên người ta mới hay nói vui 10 ông thủ môn thì phải có tới 9 ông có vấn đề, tôi thấy không sai vì thần kinh thủ môn phải rất tập trung và căng thẳng hơn mọi vị trí khác trên sân”.
“Về trường hợp của Tiến Dũng, bóng đá Việt Nam thời khủng hoảng nhân tài bỗng có được kỳ tích U23 Việt Nam giúp niềm tin CĐV trở lại. Tài năng của Dũng được quý trọng và đi kèm đó là những hợp đồng quảng cáo, những doanh nghiệp không bỏ qua cơ hội để bán được sản phẩm tới đông đảo người dùng thông qua cách thuê hình ảnh cầu thủ.
Thời của tôi khi công nghệ chưa phát triển, người ta cũng đã làm điều này và càng không có gì lạ khi Tiến Dũng được mời chào. Vấn đề là thời điểm. Tiến Dũng nhận nhiều lời mời quảng cáo cùng lúc Dũng sa sút phong độ ở CLB.
Tuy nhiên, như đã biết qua báo chí, Tiến Dũng từng bị CLB tuýt còi khi liên quan đến người đại diện và phải có CLB đồng ý, Dũng mới được đi đóng quảng cáo như thế. FLC Thanh Hóa có thể cũng muốn cầu thủ của họ giúp CLB thơm lây.
Không đơn giản mà một cầu thủ dám vượt rào ký hợp đồng quảng cáo hay tự ý bỏ tập luyện để làm hình ảnh hay kiếm tiền riêng, Dũng chắc chắn ý thức điều này khi đã ký hợp đồng chuyên nghiệp với CLB. Ở ĐTQG, toàn đội phải nghỉ một vài buổi tập để đóng quảng cáo cho nhà tài trợ của VFF theo hợp đồng cũng bình thường”.
“Có điều dư luận thường chỉ thấy việc làm của Dũng và phán xét cá nhân cầu thủ trẻ đang tuổi trưởng thành để thất vọng thay vì nhìn thấu đáo sự việc. CLB có thể từ chối thay những hợp đồng của Tiến Dũng nhưng họ đã không như thế.
Với một cầu thủ xuất thân nghèo khó, Tiến Dũng chưa đủ năng lực từ chối những khoản thu nhập sẽ giúp cuộc sống không chỉ bản thân mình mà gia đình khấm khá hơn. Tiến Dũng bây giờ có thể đã thấy sự khắc nghiệt mà vinh quang mang lại, đủ để không từ chối những gì mình có thể đạt được.
Mới đây, Đặng Phước Anh, cựu thủ môn số 1 của futsal Việt Nam và là cầu thủ duy nhất được xuất ngoại của futsal, đang khổ sở vì vợ bị ung thư giai đoạn cuối. Sau khi chia tay Chonburi về Việt Nam, Phước Anh khó khăn vì không được CLB nào trọng dụng".
“Hay như đã so sánh thì so luôn Tiến Dũng với Công Phượng, Xuân Trường… những cầu thủ được xem là đàn anh của Dũng, ăn cơm V-League lâu hơn hẳn cầu thủ này. Họ đều đang gặp rất nhiều khó khăn khi trở lại CLB dù thành công với U23 Việt Nam.
Khi họ làm mưa làm gió ở đội trẻ U19, Tiến Dũng cũng chỉ ở nhà xem ti vi và ước gì… Mọi người chỉ trích Tiến Dũng nhưng trên đà sa sút của CLB FLC Thanh Hóa bây giờ, hãy chỉ ra một cái tên hay hơn cậu ấy. Từng là một thủ môn, tôi đồng cảm với thủ thành FLC Thanh Hóa.
Tiến Dũng theo tôi có tố chất của một thủ môn giỏi. Em còn trẻ và nhiều thời gian để khẳng định bản thân. Vấn đề lúc này là hãy tỉnh táo, tin tưởng vào bản thân và ý thức trách nhiệm lớn với công việc, đam mê mình đã lựa chọn.
Có như vậy mới duy trì phong độ ổn định để hình thành đẳng cấp. Thời gian còn dài để mọi thị phi trôi qua, cái cần chứng tỏ với một cầu thủ là năng lực trên sân bóng như đã từng chứng tỏ với HLV Park Hang Seo”.
Việt Hà (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất