29/12/2016 06:32 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Thất bại với ý đồ thực hiện cú sút Panenka, khiến U21 HAGL bị loại ở bán kết giải giao hữu U21 quốc tế 2016, Công Phượng lập tức hứng chịu búa rìu từ một bộ phận không nhỏ CĐV. Vài ngày sau, đến lượt Công Vinh vướng “oan sai” vụ thanh lý hợp đồng với 6 cầu thủ CLB TP.HCM, đội bóng mà anh vừa được mời làm Phó Chủ tịch, khiến Vinh phải lên gặp BHL đội và truyền thông để “nói lại cho rõ”.
Cũng ở trận đấu đó, phút 69, khi ĐT Việt Nam đang chịu bất lợi về tỷ số, Công Phượng được tung vào sân cùng những tràng pháo tay cổ vũ của 4 vạn khán giả ở Mỹ Đình, cho thấy cầu thủ này được sự kỳ vọng và yêu mến đến đâu. Từ hơn 3 năm qua, người ta đã mến Phượng và ngay cả khi những tiếng ồ ngày càng trở nên thưa thớt sau những pha bóng của Phượng, thì tình yêu nơi người hâm mộ vẫn không vơi đi.
Công Phượng (chứ không phải Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn hay Vũ Văn Thanh) đã và luôn là cầu thủ được kỳ vọng nhiều nhất của lứa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG. Tại sân Thống Nhất, trước khi người ta lắc đầu ngán ngẩm với cú Panenka thất bại, cũng chính những người này trước đó đôi ngày đã đứng bật dậy để vỗ tay tán thưởng pha solo qua 4 cầu thủ U21 Gangwon, ghi bàn ấn định tỷ số 3-1 của Công Phượng. Bóng đá suy cho cùng là cảm xúc.
Thu qua, Xuân đến, Đông lại về…, nhưng Phượng nhất định chỉ nở vào mùa Hè. Có điều, Hè gần nhất Phượng nở là kỳ U21 quốc tế 2015, tức là cách đây 1 năm. Một năm qua, Công Phượng học việc ở Nhật Bản và khẳng định, đó là khoảng thời gian quý giá để tích luỹ. Người ta lo tài năng của Phượng bị thui chột, vì không được thi đấu và thực tế sau những màn thể hiện nhạt nhoà, nỗi lo này là có lý.
Phượng đang gặp vấn đề về tâm lý, và ngoài ra, anh cần thay đổi cách chơi bóng, để tham gia nhiều hơn vào trận đấu với đồng đội, thay vì duy trì lối đá tự phát, có thể nói là ích kỷ thái quá. Thay đổi lối nghĩ và cách chơi, vốn hình thành từ nhỏ, là cực khó, nhưng nếu có ai (cụ thể là các HLV làm việc với Phượng) nhắc nhở một cách thường xuyên, Phượng có thể cải thiện được. Phượng mới 21 tuổi và còn nhiều cơ hội.
Công Vinh và Công Phượng, bất kể họ ở đâu, làm gì và dù cả 2 vừa trải qua một mùa bóng có thể nói là ác mộng, sau khi ĐT Việt Nam để thua Indonesia tại bán kết AFF Suzuki Cup 2016…, nhưng xét về độ “rating”, về lượng người theo dõi và độ “hot”, với từ khoá (key words) trên các thanh công cụ tìm kiếm, thì vẫn luôn là số một trong hàng ngũ các cầu thủ Việt Nam. Tần suất xuất hiện của họ trên các trang báo dầy đặc.Nếu Công Vinh (và vợ là ca sỹ Thủy Tiên) quảng cáo cho một hãng xe sang ở Việt Nam, thì Công Phượng là hình ảnh đại diện của một nhãn hàng dầu gội đầu. Họ cũng thuộc số ít ỏi cầu thủ Việt Nam từng ra nước ngoài thi đấu.
Bóng đá có thể sản sinh ra nhiều cầu thủ giỏi, nhưng chỉ một vài trong số đó, đạt đến đẳng cấp hay ít nhất mang dáng dấp ngôi sao, có sức hút lớn trong và ngoài sân cỏ. Nó không chỉ là câu chuyện của thời đại.
Công Vinh từng nói không có người chiến thắng khi đội bóng thất bại, song dường như cả thế giới đôi khi vẫn thu lại bằng chỉ một cử chỉ của cầu thủ bị soi xét quá mức. Người ta sẽ quên các thất bại của ĐT Việt Nam rất nhanh, nhưng lại nhớ rất lâu và thù rất dai với một trường hợp cầu thủ được yêu/ghét. Thế nên, không khó để giải thích tại sao thể thao Việt Nam chỉ thành công (hiếm hoi) ở các môn cá nhân, còn tập thể thì…
Bóng đá Việt Nam ở nhiều cấp độ và thời điểm khác nhau từng tạo được các cột mốc ở đấu trường lớn: Lọt vào bán kết VCK U16 châu Á năm 2000, tứ kết ASIAN Cup 2007, vô địch AFF Cup 2008, B.Bình Dương vào bán kết AFC Cup 2009 và gần nhất U19 giành suất đi World Cup U20… Nhưng, tất cả dường như chỉ là hiện tượng, không phản ánh năng lực thực sự của nền bóng đá vốn thiếu tính kế thừa xuyên suốt.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất