Công Vinh: Bây giờ là… Nedved của Việt Nam

30/12/2016 18:06 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi từ giã sân cỏ, Lê Công Vinh bất ngờ có tên trong cơ cấu tổ chức của CLB TP. Hồ Chí Minh, tân binh V-League, với chức danh Phó Chủ tịch. Ở Việt Nam không nhiều người chuyển hướng sang vai trò quản lý giống cầu thủ xứ Nghệ. Còn trên thế giới, trường hợp này không hiếm.

Ở Việt Nam, sau khi giải nghệ, không ít các cầu thủ đã chuyển tay ngang sang kinh doanh và dịch vụ. Có thể kể tới như tiền đạo Quang Hải, người từng giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008. Tiền đạo người Khánh Hòa chính thức chia tay sân cỏ vào năm 2016 để trở về quê hương mở trang trại nuôi gà chọi. Bên cạnh đó, cựu cầu thủ của CLB Than Quảng Ninh còn phụ giúp bà xã kinh doanh nhà hàng, hải sản và bán yến sào. Hay như cựu thủ môn Dương Hồng Sơn, quả bóng Vàng Việt Nam 2008, cũng giúp vợ bán nông sản sau khi giã từ nghiệp năm 2015.

Ngoài ra, đa phần các cầu thủ Việt Nam đều theo nghiệp cầm quân như Lê Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Việt Hoàng,...Còn nhắc tới vai trò quản lý thì không nhiều người nghĩ tới. Thế nhưng Công Vinh thì khác. Anh từ lâu đã xác định theo nghiệp quản lý thể thao sau khi giã từ sự nghiệp cầu thủ. Vì vậy, anh âm thầm chuẩn bị cho tương lai. Thi đấu, không có thời gian đi học, cựu tuyển thủ Việt Nam thường xuyên mua sách liên quan đến quản lý, kinh doanh...về tự mày mò nghiên cứu. Ngay trước khi chính thức trở thành Phó Chủ tịch CLB TP.HCM, Công Vinh cũng đã bắt tay vào xây dựng đội bóng. Anh là người tư vấn để lãnh đạo CLB TP.HCM chiêu mộ trung vệ Đình Luật và hậu vệ biên phải Văn Hoàn từ B.Bình Dương.


Công Vinh đã xác định theo con đường quản lý bóng đá từ lâu

Cùng nắm vai trò quản lý giống Công Vinh còn có cựu tiền vệ Minh Phương. Anh sẽ là Giám đốc kỹ thuật của CLB Bình Phước ở mùa giải tới sau khi đã hoàn thành giai đoạn 2 khóa học HLV bóng đá chuyên nghiệp do Liên đoàn bóng châu Á AFC tổ chức.

Có thể thấy, trường hợp cầu thủ giã từ sự nghiệp rồi chuyển sang công tác quản lý ở Việt Nam không nhiều. Bởi đây đó là một nhiệm vụ cần có tầm nhìn chiến lược, nhận định và đưa ra các hướng đi đúng đắn để phát triển đội bóng. Trên thế giới, trường hợp giống Công Vinh hay Minh Phương quả thực có không ít. Những cái tên có thể tới như Van der Sar, Zinedine Zidane hay Patrick Vieira.

1. Edwind van der Sar

Vai trò: Giám đốc Marketing của Ajax

Tháng 11/2012, Edwind van der Sar sau khi giải nghệ đã trở lại câu lạc bộ Ajax Amsterdam để đảm nhiệm vai trò Giám đốc Marketing. Không nhiều người biết rằng, Van der Sar Về đã có bằng thạc sĩ về thể thao và quản lý thương hiệu tại Đại học Amsterdam. Nguồn cảm hứng đưa Van Der Sar trở thành một giám đốc markerting có được ngay từ khi thủ môn vẫn còn thi đấu tại Man United.


Van der Sar đam mê marketing từ khi con là thủ môn ở Man United

Van der Sar đã thay đổi các điều khoản trong hợp đồng với các nhà tài trợ nhằm mang đến nhiều cơ hội quảng cáo cho đội bóng cũng như cá nhân các cầu thủ. Mức giá tài trợ cũng đã được cựu thủ thành Man United đàm phán để có con số cao hơn.

2. Zinedine Zidane

Vai trò: Giám đốc thể thao của Real Madrid

Zinedine Zidane đang mang lại những chiến công, thành tích ấn tượng cho Real Madrid trên cương vị của một huấn luyện viên. Tuy nhiên, cống hiến của Zidane cho Los Blancos đã bắt đầu từ nhiều năm trước. Tháng 7/2011, huyền thoại người Pháp chính thức được bổ nhiệm làm Giám đốc thể thao của Real Madrid. Zizou khi đó chịu trách nhiệm xây dựng, tuyển chọn những cầu thủ phù hợp với lối chơi của đội chủ sân Santiago Bernabeu. Thậm chí, trước đó, Zidane được xem là cố vấn đặc biệt của chủ tịch Perez cũng như là cánh tay phải của Mourinho, huấn luyện viên của Real Madrid thời điểm đó.


Zidane là cánh tay phải đắc lực của chủ tịch Perez

3. Pavel Nedved

Vai trò: Phó Chủ tịch Juventus

Pavel Nedved khi còn thi đấu là một cầu thủ vĩ đại của Juventus. Anh giã từ sân cỏ năm 2009. Kể từ đó, “Hoàng tử tóc vàng” nhanh chóng tham gia vào công việc điều hành và quản lý CLB Juventus. Neved từng chia sẻ rằng anh cảm thấy không đủ can đảm và tự tin để trở thành huấn luyện viên. Vì thế, anh chọn công tác điều hành và quản lý CLB để được tiếp tục gắn bó với trái bóng tròn. Với những nỗ lực không ngừng, tới tháng 10/2015, Nedved chính thức trở thành Phó Chủ tịch CLB. Cho tới nay, “Lão bà” vẫn đang thống trị ở Serie A.


Nedved tiếp tục cống hiến cho Juventus với vai trò Phó Chủ tịch

4. Karl-Heinz Rummenigge

Vai trò: Chủ tịch Bayern Munich

Năm 1989, Karl-Heinz Rummenigge giã từ sự nghiệp quần đùi áo số. Từ năm 1990 tới năm 1994, Karl-Heinz Rummenigge làm bình luận viên trên truyền hình cho các trận đấu có sự tham gia của đội tuyển Đức. Mùa thu năm 1991, Rummenigge cùng Franz Beckenbauer được Bayern Munich mời quay trở lại CLB để giữ chức vụ Phó Chủ tịch. Rummenigge nắm giữ vai trò này cho tới năm 2002. Sau đó, Rummenigge trở thành Chủ tịch của Bayern Munich cho tới nay. Ở vị trí này, Rummenigge chịu trách nhiệm về các vấn đề đối ngoại, truyền thông và đại diện cho CLB.


Karl-Heinz Rummenigge hiện vẫn đang là Chủ tịch của Bayern Munich

5. Patrick Vieira

Vai trò: Giám đốc phát triển của Man City

Ngày 14/7/2011, Vieira chính thức tuyên bố treo giày ở tuổi 35 trong màu áo Man City. Sau đó, anh chấp nhận lời mời ở lại của CLB này để đảm nhiệm vai trò Giám đốc đào tạo và phát triển cầu thủ trẻ. Với tầm nhìn chiến lược của mình, Vieira đã từng bước giúp hệ thống đào tạo của Man City có những tiến bộ nhất định. Những cựu cầu thủ của Man United như Phil Neville, Robin van Persie hay Darren Fletcher đều gửi gắm con cái họ ở lò đào tạo của Man City. Năm 2013, HLV Arsene Wenger từng kêu gọi Patrick Vieira trở lại Arsenal để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong công tác đào tạo trẻ thay thế Liam Brady.


Vieira đã đóng góp nhiều cho đào tạo trẻ của Man City

Có thể thấy, làm nên thành công của một đội bóng không chỉ nằm ở vị trí HLV hay cầu thủ. Những con người nắm vai trò quản lý cũng góp một phần sức lực không nhỏ vào thành công chung. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của các Phó Chủ tịch CLB ở Việt Nam là không lớn. Họ được Chủ tịch CLB cất nhắc bổ nhiệm và có thể cho thôi việc bất cứ lúc nào. Phó Chủ tịch không nắm giữ về tài chính, cũng như các quyết định nhân sự đội bóng. Lúc này, Công Vinh giống như một sinh viên thực tập. Đây chỉ là sự khởi đầu, chứ chắc chắn không phải là đích cuối cùng với một con người giàu tham vọng như Lê Công Vinh.

Platini có lẽ là cầu thủ rồi sau đó làm quan bóng đá đình đám nhất. Đỉnh cao của ông là ngồi ghế Chủ tịch UEFA trước khi bị buộc phải từ chức sau những bê bối liên quan tới tài chính.

Việt Nam cũng đã có nhiều cầu thủ treo giày rồi làm quản lý như Lê Thế Thọ, Quản Trọng Hùng, Cao Cường, Lê Khắc Chính… Tuy nhiên, vừa treo giày chưa đầy một tháng mà đã lên làm Phó Chủ tịch một CLB chuyên nghiệp thì Công Vinh là trường hợp đầu tiên.

Hiệp Hoàng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm