Có chỗ đứng rồi, nhưng phải cứng đấy, Hữu Thắng

04/03/2016 08:31 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, Nguyễn Hữu Thắng cần cứng khi ông đứng mũi chịu sào cho cả một nền bóng đá.

Với một HLV bóng đá, được cầm quân đội tuyển là tự hào nhất, không gì sánh bằng. Huyền thoại của bóng đá Việt Nam, thủ môn Trần Văn Khánh có lần nói, tôi chỉ làm HLV trưởng bất đắc dĩ, nhưng mình phải có tư cách, có chuyên môn thì người ta mới gửi gắm cho mình. Dù chỉ là một trận thủ tục, thì cũng vẫn cứ là đội tuyển.

Đó là trận đấu ở vòng bảng AFF Cup 2004, ông Khánh vốn là HLV thủ môn đã được chọn để thay ông Tavares bị sa thải giữa chừng. Trợ lý chuyên môn số 1 không được chọn.

Ông Khánh ngoài ra còn được biết như một Dasaev của bóng đá Việt, là thủ môn vĩ đại nhất của Thể Công, ở trong một gia đình có 7 người từng làm HLV đội tuyển qua các thời kỳ khác nhau.


HLV Calisto thành công với bóng đá Việt Nam một phần nhờ sự quyết đoán.Ảnh: V.S.I

Bản thân Hữu Thắng cũng chia sẻ điều đó: Làm HLV trưởng đội tuyển là khoảnh khắc tự hào nhất trong cuộc đời, sự nghiệp.

Tức là Hữu Thắng, sau khi trở thành một trong số ít người từng giành chức vô địch quốc gia cả khi còn khoác áo lẫn cầm quân CLB thì đã có chỗ đứng. Ở trụ sở VFF chiều 3/3, Hữu Thắng xuất hiện trên bàn giới thiệu trong một lễ ra mắt mà cả nền bóng đá cùng hướng về.

Nhưng, đúng như nhiều người vẫn đùa là “còn phải cứng chỗ đó”. Liệu còn có lý do gì khác ngoài việc mối quan hệ giữa Liên đoàn với HLV trưởng để nhiều người băn khoăn là Hữu Thắng sẽ được toàn quyền, sẽ đặt ra những yêu cầu và Liên đoàn sẽ phải đáp ứng?

Đến khi lễ ký xong xuôi, nhìn cái cách bố trí chỗ ngồi trên bàn chủ toạ thì thấy lo lắng là không thừa.

Đã khi nào chúng ta thấy một HLV trưởng đội tuyển quốc gia trong phần lễ ra mắt lại ngồi ở bên rìa trên một cái bàn nhiều đại diện ở đó?  Cá nhân người viết thì chưa.

Chẳng hạn, ngày ông Calisto ký hợp đồng với VFF năm 2008, ông ngồi giữa với Chủ tịch VFF lúc ấy là ông Nguyễn Trọng Hỷ. Tất thảy các Phó chủ tịch, từ ông Lê Hùng Dũng, Nguyễn Lân Trung, TTK Trần Quốc Tuấn đều ngồi ở hai bên.


Những HLV ngoại như Toshiya Miura dễ dàng khi đưa ra những yêu cầu với VFF.Ảnh: V.S.I

Xét theo nguyên tắc tưởng như không thể phá vỡ ấy, khi không có Chủ tịch VFF thì ngồi giữa với HLV trưởng chỉ có Phó Chủ tịch thường trực. Tức là Nguyễn Hữu Thắng phải ngồi sát bên cạnh ông Tuấn, giống như ông Miura từng ngồi sát bên ông Lê Hùng Dũng, ông Calisto ngồi cạnh ông Nguyễn Trọng Hỷ.  

Người Việt thường quan trọng cái chỗ ngồi, và ở điểm này thì người phương Tây cũng không khác. Không phải ở lễ ký hợp đồng với HLV trưởng thì chẳng ai quan trọng hơn ông ta, mà đối với cả một nền bóng đá, ở bất cứ thời điểm nào, điều đó gần như luôn đúng.

Không rõ là Hữu Thắng có nhún nhường theo kiểu các chú các anh mời ngồi vào giữa mà anh nhất mực chối từ, nhưng trong hành trình hai năm (hy vọng trọn vẹn và có cả kéo dài) thì không thể.  

Sự ràng buộc bởi ngôi thứ (xưng hô), của mối quan hệ cá nhân hình thành từ trong quá khứ không thể là rào cản khi mà quyền lợi và tương lai của đội tuyển là trên hết.

Ở đây, không phải VFF không ở trên cùng một con thuyền, mà trong quá khứ, chúng ta đã từng thấy không phải lúc nào cũng là những điều kiện lý tưởng cho quá trình chuẩn bị tập luyện thi đấu (hy vọng chỉ là do thiếu tiền).

HLV Nguyễn Hữu Thắng: '100% tôi chọn lối chơi phù hợp với người Việt Nam'

HLV Nguyễn Hữu Thắng: '100% tôi chọn lối chơi phù hợp với người Việt Nam'

Hơn 1 lần trong lễ công bố huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam, HLV Nguyễn Hữu Thắng khẳng định ông được toàn quyền về chuyên môn và sẽ chọn lối chơi phù hợp với tầm vóc, thể lực con người Việt Nam.


Ông Calisto từng sốc khi ông và các tuyển thủ mất hơn 1 ngày để di chuyển sang Trung Đông, và sau đó mọi thứ phải thay đổi. Và ông Calisto cũng đã làm nên cuộc cách mạng về ăn ở cho các tuyển thủ khi thời của ông, lần đầu tiên đội tuyển bỏ trung tâm Nhổn ra khách sạn ở, chia tay cái sân tập có mặt cỏ tàm tạm để tập trên sân tập Mỹ Đình luôn phải được chăm sóc kỹ lưỡng.

Ông Miura cũng thế, từng phải tìm kiếm sân tập khác khi mà sân của VFF không đủ tiêu chuẩn. Đó là sự cứng cáp mạnh mẽ của HLV ngoại. Còn một HLV nội khác, ông Hoàng Anh Tuấn khi thấy đội U19 có chuyến đi Nhật tập huấn bị huỷ do thiếu kinh phí chỉ lỡ lời kêu khổ một lần có lẽ do sợ mếch lòng quan thầy.

Rồi sẽ có những ca chấn thương cần được chăm sóc tối ưu nữa. Sẽ có cả những xung đột về lịch thi đấu. Sẽ có cả những yêu cầu về trang thiết bị, các chuyên gia về thể lực, những chuyến do thám đối thủ…

Dĩ hoà vi quý không phải là ở chỗ đội tuyển. Đứng mũi chịu sào cho đội tuyển là phải cứng.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm