Chuyên gia Vũ Mạnh Hải: 'Chưa có Hiệp hội thì cầu thủ Việt Nam còn thiệt thòi'

07/11/2015 04:57 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Dù soạn thảo xong điều lệ thành lập Hiệp hội Cầu thủ bóng đá Việt Nam từ trước năm 2009 và nhận được sự ủng hộ của đông đảo giới cầu thủ, nhưng tất cả tâm huyết của chuyên giaVũ Mạnh Hải vẫn còn nằm trên kệ sách, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là Hiệp hội Cầu thủ bóng đá Việt Nam chưa nhận được sự cho phép của VFF để ra đời.

Tuy nhiên, việc VFF nói không với sự ra đời của Hiệp hội Cầu thủ Việt Nam là đi ngược với xu thế bóng đá toàn cầu và các cầu thủ của chúng ta là những người chịu thiệt thòi nhất.

Hiệp hội cầu thủ bóng đá Việt Nam ra đời là cần thiết

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải chia sẻ: “Cho đến bây giờ, nhiều cái liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho những người hành nghề cầu thủ ở nước ta vẫn chưa làm. Vụ cầu thủ Quế Ngọc Hải tương đối điển hình, Ban Kỷ luật VFF đưa ra án phạt như thế, có luật sư người ta sẽ phản bác ngay vấn đề chi phí đền bù, hay đền bù như thế nào cho xứng đáng.

Hoặc nhiều trường hợp cầu thủ bị oan, bị nợ tiền, bị quỵt tiền, thậm chí bị đày ải khó khăn… những trường hợp như thế nếu đưa lên Hiệp hội cầu thủ họ sẽ có những tư vấn, bảo vệ, giải quyết một cách nhanh chóng. Và sự hoạt động độc lập của Hiệp hội sẽ góp phần làm trong sạch nền bóng đá nước nhà, giúp các cầu thủ yên tâm hành nghề, không vướng bận đến những thứ phi chuyên môn”.  

Vừa qua, VFF xử thắng án cho 2 cầu thủ Ngọc Điểu và Đức Linh, buộc CLB XSKT Cần Thơ phải bồi hoàn lên đến gần 1 tỷ đồng. Khi VFF đứng ra đòi được quyền lợi cho cầu thủ như thế thì việc thành lập Hiệp hội cầu thủ bóng đá Việt Nam liệu có cần thiết nữa không, khi chúng tôi đặt câu hỏi này, ông Hải cho biết: “Đấy là tin vui, nhưng chỉ là trường hợp hiếm hoi và hình như từ trước đến nay đây là trường hợp đầu tiên, cầu thủ được xử thắng kiện CLB.

Thật ra mà nói, VFF xử theo luật của họ, tức cầu thủ đương nhiên là đối tượng để họ xử, cho nên để bảo vệ cầu thủ thì trách nhiệm của VFF  là không đúng, không đủ.

Theo tôi, nếu có tổ chức Hiệp hội Cầu thủ bóng đá Việt Nam thì tất cả những vấn đề khúc mắc của cầu thủ, Hội này có những bộ phận như luật sư, những người có đủ kinh nghiệm, kiến thức, nắm vững luật, người ta sẽ đứng ra làm việc với Liên đoàn, cũng như các bộ phận khác. Quyền lợi của cầu thủ do chính tổ chức của cầu thủ đứng ra đòi hỏi thì sẽ được đảm bảo đúng và công bằng nhất”.

“Cầu thủ cũng là một nghề, việc thành lập Hiệp hội cầu thủ để bảo vệ quyền lợi của họ là cần thiết với bóng đá thế giới những Hiệp hội như thế đã hình thành từ lâu tại sao ở nước ta VFF lại ngăn cấm”, ông Hải đặt câu hỏi.

“Tôi sẵn sàng đóng góp sự hiểu biết cho Hiệp hội cầu thủ Việt Nam”

Là người từng trải qua nghề cầu thủ, hiểu biết bóng đá một cách sâu sắc, chuyên gia Vũ Mạnh Hải chính là người đầu tiên ấp ủ, định hướng, thậm chí là đã soạn sẵn điều lệ đề nghị VFF được thành lập Hiệp hội cầu thủ bóng đá Việt Nam, song bị VFF tuýt còi.

Tuy vậy, ông Hải vẫn chưa từ bỏ sự nhiệt huyết: “Nếu thành lập Hiệp hội cầu thủ bóng đá Việt Nam, tôi sẵn sàng là người đứng ra ủng hộ, góp một tiếng nói, cung cấp tài liệu, nhưng phải có một Ban để cùng đứng ra thảo luận, đưa ra điều lệ, phương hướng hoạt động đi vào thực tiễn. Quan điểm của tôi là cầu thủ chúng ta chịu nhiều thiệt thòi, việc ra đời Hiệp hội này là bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho những người làm nghề đá bóng”.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải: 'HLV Miura quá bảo thủ'

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải: 'HLV Miura quá bảo thủ'

“Cảm giác của tôi cũng bình thường thôi. Tôi hy vọng vào một kết quả hòa, tuy chỉ ít thôi, nhưng thua thế này thì là một bất ngờ, một bất ngờ buồn”, ông Vũ Mạnh Hải trải lòng.


Chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thu thập được để phục vụ cho việc thành lập Hiệp hội Cầu thủ bóng đá Việt Nam ấp ủ bấy lâu, ông Hải cho biết: “Hiệp hội này, phải có 3 thành phần cơ bản: Thứ nhất là các cựu cầu thủ, cầu thủ đương thời và những người làm bóng đá. Thứ 2 là đại diện của các cựu cầu thủ, cầu thủ đương thời.  Thứ 3 là bộ phận luật sư, những người nắm bắt được luật lệ thể thao, cũng như các vấn đề thuộc về FIFA, AFC…

Trong tổ chức ấy chúng ta phải thành lập ra bộ chuyên biệt để người ta được hưởng lương và hoạt động. Vốn ban đầu đương nhiên do các cựu cầu thủ, cầu thủ đóng góp, vì mỗi khi có vấn đề gì cầu thủ sẽ làm đơn để Hiệp hội cầu thủ biết, đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ.

Thậm chí, trong quá trình phát triển, cần thiết Hiệp hội có thể lập ra thêm bộ phận kinh doanh. Ví dụ muốn được luật sư của Hội bảo vệ thì anh phải trả thù lao, hoặc kết hợp kinh doanh đào tạo trẻ, kinh doanh công tác tổ chức thi đấu, kinh doanh báo chí…

Khi thành lập Hiệp hội cầu thủ tôi nghĩ tất cả các cầu thủ người ta sẽ tham gia hết, riêng sự đóng góp của cầu thủ cũng đủ để Hiệp hội hoạt động ban đầu rồi”.

“Từ năm 2007, bản thân tôi đã khởi xướng thành lập Ban vận động thành lập Hiệp hội cầu thủ bóng đá Việt Nam, trong đó có rất nhiều danh thủ kể cả bóng đá nam, bóng đá nữ tham gia như Phan Văn Tài Em, Lê Công Vinh, Đỗ Ngọc Châm, Nguyễn Thị Kim Chi, Đặng Phương Nam, Lê Huỳnh Đức...

Khi đó tôi đang là TBT báo Bóng đá thì nghĩ mình làm việc đó sẽ có thuận lợi hơn, tôi cũng đã soạn xong điều lệ hết cả rồi, nhưng thật tiếc hồi đó ông Nguyễn Trọng Hỷ (nguyên Chủ tịch VFF - PV) không đồng tình và ngăn cản sự ra đời của Hiệp hội này”, cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải.

***

1 VFF vừa đưa ra phán quyết về việc CLB XSKT Cần Thơ phải bồi thường gần 1 tỷ đồng cho Đức Linh và Ngọc Điểu vì đã sa thải 2 cầu thủ này trái luật.

8 Đề án thành lập Hiệp hội cầu thủ Việt Nam đã được xúc tiến từ năm 2007 nhưng sau 8 năm vẫn chỉ dừng lại là đề án.

15 Bóng đá Việt Nam đã bước qua mùa giải chuyên nghiệp thứ 15 nhưng vẫn chưa có tổ chức nào của các cầu thủ được thành lập để bảo vệ quyền lợi cho những người làm nghề đá bóng.


Tuệ Chính
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm