14/04/2020 06:06 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin đội bóng đá nữ Sơn La đứng trước nguy cơ giải tán do không có kinh phí hoạt động đúng giữa mùa dịch Covid-19 cùng với việc một loạt CLB V-League đã và đang có động thái giảm lương cầu thủ khiến không ít người phải suy nghĩ.
Trước tiên cần phải khẳng định, bóng đá cũng giống như tất cả những ngành nghề khác trong xã hội, nó đều chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19, căn bệnh đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng nặng nề ra rất nhiều nước trên thế giới.
Vì thế, việc phải tạm dừng mọi hoạt động để lo chống dịch là điều bắt buộc và khi giải đấu tạm hoãn, các cầu thủ không duy trì tập luyện thì kéo theo những khoản thu nhập thường xuyên như lương thưởng bị cắt giảm là không tránh khỏi.
Nhưng câu chuyện khó khăn với bóng đá nữ Việt Nam nói chung, CLB nữ Sơn La nói riêng lại không còn là mới mà suốt nhiều năm, họ phải duy trì hoạt động trong thế phải cầm cự về kinh phí.
Sơn La vốn là một địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên việc đầu tư cho thể thao và bóng đá có nhiều hạn chế, để duy trì đội bóng phải trông chờ nhiều vào tiền từ các nhà tài trợ. Nhưng nay do dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh gặp quá nhiều khó khăn nên nhà tài trợ rút lui.
Thành tích thi đấu của nữ Sơn La trong những năm qua không tốt, chưa bao giờ lọt vào Top 3 của giải VĐQG nên lãnh đạo địa phương càng có lý khi muốn giải tán đội vì nuôi bóng đá vô cùng tốn kém.
VFF hỗ trợ đội nữ Sơn La nhiều hơn các đội khác khi tham gia những giải đấu do VFF tổ chức, hay phía Thái Sơn Bắc đứng ra “cưu mang” thầy trò HLV Lường Văn Chuyên thời điểm này sẽ chỉ là giải pháp giải quyết khủng hoảng trước mắt, nhưng về lâu về dài việc duy trì sự tồn tại của một đội bóng đá nữ ở Việt Nam là không hề đơn giản, cả về nhân sự lẫn tài chính.
Khó khăn với bóng đá nữ Việt Nam là câu chuyện muôn năm cũ, còn với bóng đá nam, khi dịch Covid-19 kéo dài thì lãnh đạo các CLB V-League hay hạng Nhất quốc gia cũng đều lo ngay ngáy.
Lo về chuyên môn, lên kế hoạch tập luyện và sẵn sàng khi giải đấu trở lại để tránh bị hẫng về chuyên môn là một chuyện, bài toán kinh tế, lương cho cầu thủ, nhân viên hậu cần lại là chuyện khác.
CLB TP.HCM, Nam Định, Thanh Hóa đều đã giảm lương cầu thủ và thông tin được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, kín đáo hơn thì Hải Phòng cũng đã đi “nước cờ” chẳng đặng đừng này khi mà V-League không thể diễn ra trong mùa dịch Covid-19.
Trong số 14 CLB V-League hiện nay, trường hợp đảm bảo lương thưởng, duy trì hoạt động của tuyến trẻ như của Hà Nội FC là hiếm hoi, dù chưa biết rằng điều gì có thể xảy ra trong tương lai gần.
Những gì bóng đá Việt Nam đang gặp phải là khó khăn chung và đội bóng nào cũng muốn các cầu thủ chia sẻ với đội bóng. Tất cả đều đã và đang phải gồng mình, vừa lo chống dịch, vừa tính chuyện tồn tại bởi gây dựng và duy trì hoạt động bất cứ một CLB thể thao nào cũng đều khó khăn, vất vả cả.
Ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL, Chủ tịch VFF, hôm qua đã có “tâm thư”, động viên, kêu gọi các CLB cùng thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm niềm tin, khát vọng, chia sẻ, suy nghĩ, hành động thiết thực để cùng nắm tay nhau vượt qua thử thách trước mắt, hướng đến kết quả, giá trị tốt đẹp trong thời gian sắp tới.
Hy vọng với thêm lời kêu gọi này, bóng đá Việt Nam sẽ đứng vững được và vượt qua khó khăn của mùa dịch Covid-19.
Lâm Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất