Bóng đá Hải Phòng: Lịch sử thôi thúc hiện tại

24/01/2016 14:31 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Hải Phòng liệu có thể lấy lại được vị thế của một trung tâm lớn của bóng đá Việt Nam hay không sau khi mấy năm gần đây tay trắng ở V-League.

Nơi khởi nguồn của bóng đá

Là đô thị lớn thứ hai và là cảng biển lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng được người Pháp du nhập  bóng đá qua những người lính viễn dương và người dân đã đón nhận theo lẽ tự nhiên như tính cách của họ vậy. Người Hải Phòng luôn yêu cái mới, rất nhanh chóng bóng đá có chỗ đứng vững chắc, dù rằng boxing và bóng bàn cũng là lựa chọn của khá nhiều người, đó là những năm 1910-1912.

Theo hồi tưởng của Cụ Nguyễn Lan, bậc trưởng lão của bóng đá thành phố Cảng, trận đấu đầu tiên của xứ Bắc Kỳ  giữa Olimpique Hải Phòng và Lê dương Đáp Cầu (quân đội pháp), lượt đi Olimpique thắng 2-1 nhưng thua tận 1-8 khi về sân nhà (ZeLo, sân của người Pháp quản lý, chỉ đá những trận chính thức ).

Hải Phòng có hai sân chính lúc bấy giờ là ZeLo và Bonal (sân Lạch Tray sau hòa bình 1955 mới xây dựng). Cũng từ thuở ấy, những danh thủ đầu tiên được người Hải Phòng còn nhớ: Cụ Nguyễn Lan (anh trai là Nguyễn Loan-Võ sỹ Boxing nổi tiếng Bắc Kỳ),  Nguyễn Nhân, ông Giống, Hoàng Kính Châu, Viễn, Mùi Pố, Chi móm (cha của danh thủ Hùng “xồm”) …

Người Hải Phòng từ ấy lên tuyển thời nào cũng có. Tại Giải Việt Trung Triều Mông năm 1956, trong màu áo đội tuyển VNDCCH có Đức Tàu bò và Quán Mìn Te của Hải Phòng. Báo chí Trung Quốc gọi ông Đức là Tiểu Quỷ.


Hải Phòng (trái) nay đã thua xa bóng đá Thủ đô. Ảnh: V.S.I

Năm 1959, thành lập ĐT Thanh niên VN đi tập huấn và giao hữu ở 6 nước XHCN để tham dự giải Việt Trung Triều Mông cùng năm. Hải Phòng có Nguyễn Trọng Lộ (tiền vệ), Ngô Truy (đá nhiều vị trí nhưng sở trường là trung vệ) được gọi. Hai người này được đá chính cả giải, ông Lộ cùng ông Lưu Đình Tòng (Tòng cháy CAHN), Đoàn Văn Đức (Đường sắt) là 3 trong số 9 cầu thủ được ban tổ chức bình chọn xuất sắc nhất giải với phần thưởng là chiếc hộp sơn mài (ông Lộ đến nay vẫn giữ).

Rồi Trung ương chủ trương thành lập trường huấn luyện, Hải Phòng cũng có 4 người: Trọng Lộ, Ba Truy, Nguyễn Văn Minh (thủ môn), Nguyễn Văn Thái (hậu vệ) dù sau này cả 4 cùng trở về sớm với nhiều lý do khác nhau.

Thời ấy, Hải Phòng cũng luôn là điểm đến của các đội bóng quốc tế sau Hà Nội. Đội Bát Nhất 2 sang Việt Nam cuối năm 1957 thắng thanh niên Hà Nội, xuống Hải Phòng thua 0-2 do Túc “gù” ghi (có con trai là Hoàng cũng tham gia CAHP nhưng kém xa bố). Sau Bát Nhất 2 về Hà Nội hòa Thể công.

1958 khai mạc trận quốc tế đầu tiên của sân Hàng Đẫy, tuyển Hải Phòng và Thanh niên Campuchia thi đấu. Có hai lý do, một là HP vừa thắng Bát Nhất, hai xem chân cẳng đội khách, tuy nhiên trận đấu chỉ diễn ra 1 hiệp do mưa to và tỷ số là 0-0, BTC ngưng để đảm bảo sức khỏe cho 2 đội. Tuyển Hải Phòng sau còn hòa với Sacho (Liên Xô), hòa CA Triều Tiên, ĐT Cuba….

Nhìn đâu cũng thấy danh thủ và thành phố từng có 5 đội bóng

Về sau này, bóng đá Hải Phòng vẫn được người ta biết đến với hàng loạt danh thủ, thậm chí số lượng còn nhiều hơn. Và nhiều người trong số ấy thành danh ở nhiều đội bóng khác: Trần Hùng (Hùng xồm), Phan Văn Mỵ, Nguyễn Văn Nhật, Vũ Mạnh Hải (Thể Công), Hoàng Gia (Đường sắt), Trần Văn Đức (CAHP), Lê Quang Ninh (Cảng HP),  Đinh Thế Nam, Đặng Văn Dũng (Thể Công, CAHP)… Người phát hiện, và nhào nặn họ là hai cụ Nguyễn Lan và Nguyễn Nhân.

Danh thủ bóng đá đất Cảng trong giai đoạn 1955-1975 có thể chia ra làm ba lứa. Lứa đầu có Duy Bỉnh Cóng (thủ môn, hiện còn sống ở Cần Thơ, đã ngoài 80 nhưng còn rất khỏe), Quán Mìn Te, Đức tàu bò, Nguyễn Văn Phúc, Túc gù), lứa sau là Nguyễn Trọng Lộ (1937), Ba Truy cỡ tuỗi ông Lộ, Hoàng Kính Dịp (1938), Hùng Xồm (1941),  Trần Duy Long (dù chỉ tập giai đoạn ngắn ở CAHP trước khi ra Quảng Ninh). Sau lứa này có Đặng Ngọc Việt, Nguyễn Trọng Đán, Nguyễn Thành Kiểm, Nguyễn Trọng Thư, Trần Văn Đức. Lớp thứ 3 khó so với hai lớp trước về sự thừa nhận của giới chuyên môn cả nước.

Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của bóng đá Hải Phòng với sự góp mặt của 5 đội hạng A, nhiều hơn bất kỳ địa phương nào ở Miền Bắc: Cảng, CAHP, Xi Măng HP (sau là Công nhân XD HP), Điện, Quân khu 3. Giai đoạn này kéo dài 20 năm, 1955-1975.

Công bằng mà nói nếu CA Hải Phòng là đội có tính tổ chức trong lối chơi và đạt được thành tích tốt thì Cảng mới chiếm được trái tim của người yêu bóng đá nơi này. Đội này sở hữu nhiều hảo thủ nhất (Thư, Cường quái, Hoàng Kính Dịp, Đặng Ngọc Việt…).  

Có thể nói đây là giai đoạn mà HP khẳng định được bản sắc riêng. CA Hải Phòng và phần nào là Cảng có thể chơi ngang ngửa với Thể Công, CAHN, TCĐS, Bưu Điện, những đội mạnh nhất khi đó. CAHP đi vào lịch sử 3 lần vô địch, năm 1960, 1963 và 1968.


Bóng đá Hải Phòng khởi sắc tại V-League 2015 nhưng cần bắt đầu từ đào tạo trẻ. Ảnh: V.S.I

Những HLV đi vào lịch sử

Người phát hiện và nhào nặn nên rất nhiều trong số những cái tên kể trên là hai cụ Nguyễn Lan và Nguyễn Nhân. Dù không được trang bị kiến thức bài bản, nhưng hai cụ (đặc biệt cụ Lan) hết sức rèn giũa cho học trò những động tác cơ bản từ mu, má tới lòng và trên hết là đạo đức cầu thủ. Rất nhiều cựu danh thủ đều dành tỉnh cảm, biết ơn tới cụ Lan, đặc biệt những người ở Thể Công. Điều dễ nhận thấy học trò của cụ Lan có thể không nhanh về tốc độ hoặc tinh quái nhưng chắc chắn họ đều là bậc thầy về kỹ thuật cơ bản.

Hiện 2 cụ đều đã mất, rất may ngày 22-11 năm 2011, các học trò của cụ Lan từ Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng…. đã tổ chức 1 trận đấu vinh danh tại sân Cảng.

Huấn luyện viên chính thức đầu tiên của Hải Phòng được đào tạo bài bài qua Từ Sơn là ông Thường của Sở Thể thao, học trò gồm có: Việt hói (Cảng), Đào (Xi măng), Phúc kiềng (CA), Từ (Cảng) của khóa 1, rồi đến khóa 2 có Thư bò (Cảng), Trung (Cảng), Cường quái (cảng); Khóa 3 có Đức ri (CA), Trần Bình Sự (CA), Thạch (Cảng), Công … ông Thường làm 5 khóa rồi học trò về các đội cơ sở và trở thành HLV ở đó.

Bởi vậy mà Hải Phòng luôn có nhiều HLV đóng góp cho đội tuyển QG và hành nghề ở các địa phương khác: Vũ Văn Tư, Nguyễn Trọng Lộ, Nguyễn Thành Kiểm, Trần Bình Sự, Nguyễn Sỹ Hiển (dù ông Hiển không trải qua trẻ ở HP).

Nếu ai đó cho rằng một bề dày truyền thống như trên chỉ đơn thuần là do hoàn cảnh, là một phong trào phát triển tự nhiên thì có lẽ họ đã lầm.

Ngay sau khi giải phóng Hải Phòng, và thành lập Ban TDTT, bộ máy của nó đã quy tụ những con người giỏi nhất, tâm huyết nhất như hai nhân vật lịch sử Nguyễn Lan và Nguyễn Nhân nói trên.

Lãnh đạo thành phố quan tâm, đánh giá đúng vai trò của bóng đá và thể thao với xã hội. Bởi thế, không riêng bóng đá mà điền kinh (Hoàng Tuệ Linh-chạy, Chu Bình Diệu-ném tạ, Đào Thị Huệ-nhảy cao); bóng bàn (Trần Phú Phấy, Lưu Màn Vầy, Nguyễn Văn Sự, Nguyễn Thế Hùng); quyền anh (Đinh Môn, Đinh Bảng), Hải Phòng cũng đều mạnh. Vai trò tham mưu của sở Thể thao từ lãnh đạo đến nhân viên của Sở rất tâm huyết. Hệ thống cơ sở vật chất cũng đầy đủ, riêng dải vườn hoa thành phố có 4 sân, rồi thêm Lạch Tray, Máy Tơ.

Bóng đá Hải Phòng là nạn nhân của chính họ?

Sau khi đất nước thống nhất thì bóng đá Hải Phòng bắt đầu đi xuống về thành tích. Họ không có đội bóng nào vô địch của giải đấu Hồng Hà cho các đội phía Bắc năm 1976, giải A1 toàn quốc (1980-1989). Thành tích khả dĩ nhất chỉ là HCĐ giải A1 của Cảng năm 1983, HCV Giải ĐHTDTT toàn quốc năm 1990, các đội hầu hết thành tích bết bát, luôn ở tình trạng duy trì tồn tại. Cho tới năm 1990 thì HP chỉ còn 2 đội bóng là CAHP với sứ mệnh của ngành và Điện (1992 giải thể)

Nếu như giai đoạn 20 năm trước đó là các thế hệ danh thủ tiếp nối thì giai đoạn này, Hải Phòng chỉ có vài cầu thủ được coi là ở tầm cỡ quốc gia: Lê Quang Ninh (Cảng HP, 1 trong 10 VĐV tiêu biểu cùng năm); Trần Văn Dũng (Dũng ri – Cảng HP) và hai cái tên là gạch nối của thời điểm này sang giai đoạn sau 1990: Đinh Thế Nam (cựu cầu thủ Phòng không-KQ, Thể Công, CAHP) và Chu Văn Mùi (Điện HP-CAHP-CATPHCM). Tuy nhiên, Ninh và Nam là sản phẩm của cụ Lan, người đã nghỉ hưu sau 1975, và thực tế Đinh Thế Nam chỉ được thừa nhận sau khi lên chơi tại quân chủng PKKQ và Thể Công.

Đây cũng là giai đoạn các đội Hải Phòng bị đuối khi gặp bóng đá Hà Nội hay các địa phương khác.

Không thể đổ lỗi cho cơ chế, hay kinh tế khó khăn bởi cả nước như vậy. Tổng cục Đường sắt, Công nghiệp Hà Nam Ninh cũng đã VĐ giải A1 mà xét về điều kiện thì họ chẳng hơn. Đến lúc này người ta thấy bóng đá HP gắn nhiều với những từ: tiểu xảo, đá rắn, phòng ngự là chính và có nhiều lúc các đội của HP chơi không còn bài vở.

Lúc ấy, khi các thế hệ cầu thủ tài năng nghỉ thi đấu, thế hệ kế cận đáp ứng chuyên môn. Sau khi những bậc tiền bối như Nguyễn Lân, Nguyễn Nhân, ông Thường nghỉ. Những người đảm đương công tác này tại Sở TDTT hay các đội bóng là danh thủ, hoặc những người không qua đá bóng học ở Từ Sơn .

Người ta nói nhiều về phong cách huấn luyện có phần cảm tính của ông Trần Văn Cường (cảng HP), tính cả nể của ông Nguyễn Thành Kiểm, chú ý nhiều đến các yếu tố phi chuyên môn của ông Trần Bình Sự…. Tóm lại dù được trang bị kiến thức hơn song cái tâm với nghề là dấu hỏi (ông Nguyễn Văn Phúc có khá hơn).

Hải Phòng cũng chứng kiến sự ra đi của những người tài. Ông Đặng Quang Dương sau khi đào tạo được một vài cầu thủ khá như Trần Văn Dũng (Dũng ri-tiền vệ), Vũ Trọng Hà (Trung vệ), Trần Trung Dũng (thủ môn) liền vào Sài Gòn (góp công lớn cho sự ra đời và thành tích của CATPHCM sau này). Người kế nhiệm ông Dương là ông Phạm Hùng, sau lên Giám đốc Trung tâm bóng đá, Phó GĐ Sở có cái tôi khá lớn nhưng không để lại dấu ấn nào.

Tư tưởng cầu thủ bị ảnh hưởng bới yếu tố kinh tế, họ thực sự phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp nếu đội bị giải thể, cuộc sống gia đình thực sự khó khăn vì phần nhiều là công nhân, không được trang bị học vấn đầy đủ…. Dường như ở một thành phố vận động tốc độ cao thì các cầu thủ Hải Phòng ngày ấy cũng quan tâm nhiều đến chuyện kiếm tiền hơn là đá bóng. Xe chở họ đi đấu các nơi về thường chất đầy hàng hoá. Và thiếu đoàn kết dần trở thành thương hiệu. Ông Trần Bảy từng nói: “ 11 cầu thủ Hải Phòng nếu xét về từng vị trí có thể kém hơn chút ít các cầu thủ Thể Công hay CAHN, bù lại, họ có những điểm lại nổi trội  hơn như độ quái, tiểu xảo…, nhưng nếu lắp vào 1 đội hình thì lại là một vấn đề ”.

Mất phương hướng thế là đủ rồi

Năm 1992 Điện giải thể, CA Hải Phòng được tăng cường thêm vài vị trí cứng trong đó có Chu Văn Mùi. Chu Văn Mùi đá trung vệ, nhưng khi cần nhất là mỗi lần đội bị dẫn thường được đẩy lên tiền đạo nhờ thể hình cao to, đánh đầu tốt, sau này tiếp tục nổi danh trong trong màu áo CA TPHCM. Thời kỳ này ông Phúc là HLV trưởng.

Nhưng cầu thủ mà người HP yêu quý nhất, kỳ vọng, tự hào nhất giai đoạn sau 1990 là Đinh Thế Nam, người toả sáng trong màu áo Thể Công với những Cao Cường, Quảng Trọng Hùng… và sau này khi anh rời đó, Hồng Sơn là người thay thế.

Bị Chủ tịch CLB Hải Phòng 'tố vô dụng', Phó TGĐ VPF Phạm Phú Hòa nói gì?

Bị Chủ tịch CLB Hải Phòng 'tố vô dụng', Phó TGĐ VPF Phạm Phú Hòa nói gì?

Sau khi bị Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng phê bình 4 năm không tìm được một xu tài trợ trong vai trò Phó TGĐ Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), ông Phạm Phú Hòa trút bầu tâm sự với Thể thao & Văn hóa.


CAHP giai đoạn đó vào top 3 những đội mạnh của cả nước. Năm 1991 đứng hạng 3; năm 1993 thua Đà Nẵng trên sân Chi Lăng trận CK giải đội mạnh và đứng hạng nhì…. Nhờ thành tích năm 1992 mà ông Sự là HLV trưởng của tuyển VN tại Seagames 1993.Tốt về chuyên môn song CAHP là đội chuyên phát điểm cho các đội khác và bản thân họ cũng là nạn nhân của trò đi đêm. Năm 1993 Liên minh CAHP- Hải quan-Lâm Đồng làm tốn khá nhiều giấy mực, CAHP bị lật kèo vào phút cuối và phải xuống hạng năm 1993, lúc ông Sự vẫn huấn luyện.

Nếu không tính thời gian bóng đá lên chuyên, có 2 sự kiện chính của bóng đá HP khi đó: Thắng CK cup QG  ở sân Hàng Đẫy trước CAHN năm 1995, Đặng Dũng đá phạt.  Cũng năm này CA Hải Phòng lên hạng nhờ thắng Phú Yên trên sân khách, ghi bàn cũng là Đặng Dũng, người HP vui như thể họ vừa VĐ, chiều đó, đường dây điện thoại tới Sở TT bị nghẽn vì nhiều người gọi tới hỏi kết quả và chị trực điện thoại kiêm luôn nghề tường thuật.

Những năm đó CA Hải Phòng cũng là đội đầu tiên ra chiêu thưởng cầu thủ bằng tiền mỗi trận. Người ghi bàn được 1 triệu, người chuyền được 500 ngàn. Mạnh thường quân là ông Nguyễn Gia Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Da giầy HP, một người hảo tâm. Và cứ mỗi lần đá sân nhà người ta lại thấy ông Thảo rút tiền liên tục….

Khi  CAHP được giao về Sở Thể thao, thì bóng đá HP lại phải đối mặt với vấn đề trầm trọng hơn khi lên chuyên. Đội bóng bị chuyển đổi chủ liên miên. Tiêu cực khiến đội suy yếu. Tệ nạn trong giới cầu thủ không kém là mấy ngoài xã hội. Nói tới bóng đá Hải Phòng, cả làng bóng đều lắc đầu, vì ở đây không ai chịu ai. Các HLV giỏi từ các nơi khi được mời đều coi đấy là vùng đất dữ.

Nguyên nhân có nhiều. Chưa khi nào người ta thấy đào tạo trẻ bị buông lỏng, bỏ bẵng như giai đoạn này. 10 năm lại đây gần như con số không. Có nhiều năm họ chịu phạt vì không đủ quân đá giải trẻ. Dù cho khu Liên Hợp Cánh diều xây từ 10 năm trước nhưng sân tập chuẩn mực vẫn thiếu.  “Tư duy đi tắt đón đầu” bị phanh phui qua vụ U11 gian lận tuổi.

Nhưng thực ra, có một vấn đề ít ai để ý, Hải Phòng không còn là một trong ba trung tâm kinh tế lớn của cả nước nữa. Thành phố không có 1 doanh nghiệp lớn thực sự nào (xét về tiềm lực kinh tế), vì thế những cái tên như Thép Việt Úc, Vạn Hoa, Mitsu StarHaier… xuất hiện chỉ là nhất thời, và gượng ép. Đến lúc Xi măng cầm đội thì có khá hơn (thành tích hạng 3 V-League, đoạt Cúp QG) nhờ ngoại binh tốt (Leandro), lương bổng cầu thủ cao thu hút được một số tài năng và khán giả đến sân đông. Nhưng khi bóng đá không đào tạo trẻ thì nó có thể sa sút bất cứ lúc nào.

Trở lại được không?

Năm 2013 thành phố thành lập công ty cổ phần, quản lý đội bóng, yêu cầu Sở chuyển giao sân cho Cty CP. Có vẻ thành tích khá hơn khi… đầu tư ít đi, lương thấp hơn. Nhưng đó mới chỉ là phần ngọn. Bóng đá trẻ nơi đây vẫn chưa thấy chuyển mình trong khi các nơi mở Học viện với các CLB châu Âu, lập nên các hệ thống vệ tinh tuyền chọn tiềm năng.

Tức là bóng đá Hải Phòng đã và đang chậm chân hơn những nơi khác cả ít nhất một thập kỷ!

Trong 25 năm trở lại đây, dù cho bóng đá sa sút, Hải Phòng vẫn luôn đóng góp cho thể thao Việt Nam nhưng cái tên đình đám ở những môn Olimpic: Cao Sơn (bắn súng), Bùi Thị Nhung (nhảy cao), Trần Thu Hà (bóng bàn), Hữu Việt (bơi lội), Hà Thanh (TDDC)…..

Hải Phòng cũng có những trọng tài hạng A đầu tiên của cả miền Bắc: Đào Đình Xuyên, Nguyễn Văn Thu (có con trai là Xuân giờ trọng tài FIFA), lứa sau có Quang ổi (con trai là Long, trọng tài FiFA), ông Quang là một trong những người có ảnh hưởng tới trọng tài LĐ trong nhiều thập niên nay.


Thu Ngân
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm