14/09/2017 11:22 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Dù VFF tuyên bố: "Nội hay ngoại không quan trọng", nhưng cuộc tìm kiếm vị thuyền trưởng mới của bóng đá Việt Nam gần như sẽ là chuyến... đánh bắt xa bờ, bởi lẽ chẳng còn ông thầy nội nào mặn mà với chiếc ghế nóng sau thất bại nặng nề tại SEA Games 29 cũng như cách hành xử kiểu "đổ lỗi" của Liên đoàn...
1. Thầy ngoại cho đội tuyển chẳng hề là câu chuyện mới và cũng chẳng hề là câu chuyện riêng của các nền bóng đá còn đang phát triển. Đâu có xa, người Anh vốn luôn tự hào "đẻ" ra bóng đá hiện đại cùng giải VĐQG hấp dẫn nhất hành tinh và cũng chẳng thiếu những ông thầy nội giỏi, vậy mà đội tuyển Anh từng có thời được dẫn dắt bằng HLV Thụy Điển (Sven-Goran Eriksson giai đoạn 2001-2006), hay Italy (Fabio Capello 2008-2012).
Ở đây chẳng có cái gì gọi là "màu cờ, sắc áo", đơn thuần là việc bỏ tiền ra mua chất xám nhằm đạt được mục tiêu. Và khi giấc mơ vô địch World Cup vẫn chẳng đến với cùng những ông thầy ngoại, thầy nội giỏi như Alex Ferguson "xài lắc" vì... sợ! Liên đoàn bóng đá Anh còn phải chấp nhận cỡ như Gareth Southgate làm thuyền trưởng Tam Sư.
Tất nhiên, với những nền bóng đá đang phát triển thầy ngoại luôn là giải pháp hàng đầu. Lý do thì dễ hiểu: Chuyên môn - Kiến thức - Chuyên nghiệp. Cũng chẳng đâu xa, Thái Lan - nền bóng đá dù đã vươn lên hàng đầu khu vực, tiệm cận với mặt bằng châu lục, đang mơ về World Cup vẫn đi theo cái hướng này
Từng nhiều lần viện tới nội lực, gần nhất là cựu danh thủ Kiatisuk để tạo nên lối chơi kỹ thuật cực kỳ đẹp mắt, nhưng rồi thất bại trong chiến dịch giành vé tham dự World Cup 2018 khiến người Thái thêm lần nữa mời thầy ngoại cho đội tuyển quốc gia, mà cụ thể là HLV người Serbia Milovan Rajevac.
Với ông thầy từng đưa đội tuyển Ghana vào đến tứ kết World Cup 2010 (chỉ thua Uruguay ở loạt đá luân lưu), dĩ nhiên người Thái "để dành" cho giấc mơ World Cup 2022 của họ, chứ không phải là phục vụ cho cái "ao làng" Đông Nam Á như kiểu bóng đá Việt!
2. Trở lại với bóng đá Việt Nam. Năm 1991 chính thức trở lại với sân cỏ quốc tế qua SEA Games 16 tại Philippines, những nhà quản lý chẳng mất thời gian để nhận ra, muốn nâng cao được trình độ, thì một trong bước đi là phải thuê HLV ngoại.
Chẳng lâu, cuối năm 1994 Taverez đến và đội tuyển Việt Nam như lột xác tại Cúp Độc Lập vào ngay đầu năm sau tại TP.HCM. Câu chuyện về những viên kẹo "xanh, đỏ" mà ông thầy Brazil cho các tuyển thủ ngậm vẫn còn được giới làm nghề truyền miệng đến bây giờ. Chẳng phải là thứ do-ping bí mật nào mà đơn giản chỉ là chiêu kích thích tâm lý cầu thủ Việt vốn quá tự ti, dù rất có khả năng.
Tavarez phá hợp đồng chỉ sau vài tháng do va chạm với VFF, nhưng với ông thầy ngoại khác Karl-Heinz Weigang và cũng với tâm lý được giải tỏa, bóng đá Việt Nam tìm được chỗ đứng ở sân chơi khu vực bằng ngôi á quân SEA Games 18 (Chiang Mai, Thái Lan 1995); HCĐ Tiger Cup 1996...
Thầy ngoại lúc này là đương nhiên để phục vụ cho cái gọi là Giấc mơ Vàng bắt đầu xuất hiện trên... mồm các quan chức bóng đá, rồi lan lên mặt báo và trở thành sự kỳ vọng của hàng triệu trái tim hâm mộ.
Năm 1997, Colin Murphy tới nhưng cũng bất ngờ ra đi dù có tấm HCĐ SEA Games 19 (Indonesia 1997). Một năm sau, cựu chiếc Giày Đồng châu Âu Alfred Riedl xuất hiện và tính tới nay vẫn giữ kỷ lục với 3 lần ngồi trên ghế nóng. Xen vào đó còn có Dido, Henrique Calisto (2 lần) và nếu tính cả đội tuyển U23 chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 ở Việt Nam còn có Christian Letard...
Đỉnh cao của trào lưu xài thầy ngoại là vào năm 2011 với bản hợp đồng của VFF với Falko Goetz - cựu cầu thủ từng giành UEFA Cup với Leverkusen và từng dẫn dắt những CLB hàng đầu nước Đức như 1860 Munich, Hertha Berlin... Tuy nhiên, Goetz cũng chỉ trụ được 6 tháng và sau đó tới lượt Miura Toshiya dài hơn thì cũng chỉ gần 2 năm (2014-2016).
26 năm, xài đến 9 ông thầy ngoại và thành tích tốt nhất chỉ là chức vô địch AFF Cup 2008 cùng suất vào tứ kết ASIAN Cup 2007. Những con số ấy đã nói lên thực chất của trào lưu thầy ngoại của bóng đá Việt Nam, mặc cho mặt hiệu quả cũng có ít nhiều...
Đón xem kỳ II: 9 "nạn nhân" của giấc mơ Vàng
Ông chủ và người làm thuê Cuộc mổ xẻ thất bại tại SEA Games 29 giữa VFF và HLV Hữu Thắng đã diễn ra vào ngày 12/9 và thật bất ngờ khi Liên đoàn "trắng án" bằng tuyên bố (được trên mặt báo) - Lỗi hoàn toàn thuộc về HLV Hữu Thắng, người đã thể hiện một sự non nớt, lúng túng không đáng có. Lỗi ở đây được quy vào việc sử dụng lực lượng và công tác tâm lý cho cầu thủ. Liên quan đến tuyên bố này, cũng một quan chức VFF dấu tên không dấu nổi sự thất vọng. Ông so sánh VFF và Hữu Thắng với chuyện ông chủ và người làm thuê: "Người làm thuê có làm gì thì ông chủ phải biết chứ! Tại sao để xảy ra những lỗi chuyên môn tày trời như thế! Tại sao có rất nhiều người có vị trí, có trách nhiệm và có cả chuyên môn mà còn có mặt trực tiếp tại SEA Games 29 mà lại để HLV Hữu Thắng sai lầm". |
Vũ Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất