18/05/2019 11:28 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Cả Hà Nội FC và B. Bình Dương cùng vào đến vòng bán kết khu vực Đông Nam Á AFC Cup 2019, có thể coi là thành tích mới của bóng đá Việt Nam tại sân chơi châu lục cấp CLB. Tuy nhiên, với thể thức phức tạp của AFC Cup cũng như năng lực chinh phục của 2 đại diện hàng đầu V-League, vẫn là câu hỏi đã cũ - Có "máu" hay không?
1. Đầu thập niên 90, khi mà đội tuyển quốc gia bắt đầu trở lại với đấu trường quốc tế thông qua lần tham dự SEA Games 1991 tại Philippines thì 1 năm sau, các đội bóng trong nước cũng đã tham dự Cúp châu Á, khi đó còn gọi là Cúp C1, C2...
Mở đầu là mùa giải 1992/1993. Hải Quan là đương kim vô địch Giải các đội mạnh toàn quốc lần thứ II năm 1991 (tương đương như V-League lúc này) tham dự vòng loại Cúp C1. Còn á quân Quảng Nam - Đà Nẵng (tiền thân của SHB Đà Nẵng bây giờ) được cử đá Cúp C2. Nếu Hải Quan bị Arseto Solo (Indonesia) loại ngay ở vòng loại thứ nhất với tổng tỷ số 2-3 sau 2 trận lượt đi và về, thì Quảng Nam - Đà Nẵng đang ở thời kỳ đỉnh cao đã có cuộc phiêu lưu kỳ thú khi vào đến tận bán kết khi các đối thủ bỏ cuộc ở vòng 1 và 2, rồi thắng Mohammedan Sporting Club (Bangladesh) tại vòng trung gian.
Hà Nội thắng Tampines Rovers
Năm đó, bóng đá xứ Quảng Đà với "thế hệ vàng" như Phan Thanh Hùng, Phan Công Thìn, Bùi Thông Tân, Trương Văn Lợi, Trần Minh Toàn... đã cầm hòa Yokohama Marinos, đại diện Nhật Bản sau đó lên ngôi vô địch 1-1 tại sân Chi Lăng và chỉ thua 0-3 đi làm khách, nhưng là trận thua khi ấy cũng rất nhiều dấu hỏi!
Kể từ đó, 2 Cúp C1 cùng C2 trở nên quen thuộc với bóng đá Việt và sự háo hức của các cầu thủ, đội bóng là không thể phủ nhận, bởi chí ít cũng là chuyến xuất ngoại thi đấu. Còn người hâm mộ trong nước lại được xem những ông Tây đá bóng, thời mà chúng ta còn chưa lên chuyên.
Thời đó, đã có những trận cầu cũng rất đáng nhớ là dù là thứ bóng đá bao cấp, nhưng các CLB Việt Nam cũng không thua thiệt là bao. Đó là trận Công an Hải Phòng hòa Nagoya Grampus Eight (Nhật Bản) do HLV danh tiếng - Giáo sư Wenger dẫn dắt 1-1 trên sân Lạch Tray mùa C1 1996/1997. Thể Công từng khiến một Samsung hùng mạnh của Hàn Quốc phải căng sức mới có trận hòa trên sân Hàng Đẫy năm 1999/2000 tại vòng 2 Cúp C1...
2. Nhưng rồi sự hồ hởi của sớm qua. Khoảng cách quá lớn về chuyên môn và sự tốn kém về nhân lực, vật lực trong thời bao cấp vốn "ăn còn chưa đủ" khiến các CLB trong nước chẳng còn mặn mà với cái sân chơi này. Đó cũng là nguyên nhân chính, khiến nhiều đội bóng chấp nhận kiểu... xấu chơi như: Bỏ cuộc, hoặc đá cho xong nghĩa vụ...
Sông Lam Nghệ An mở màn bằng "phát pháo" đầu tiên khi xin không tham gia Cúp C1 châu Á 2001/2002 và chấp nhận nộp hàng nghìn đô tiền phạt. Tệ hơn là tâm lý coi sân chơi châu lục đè nặng lên các CLB trong nước khi chấp nhận đá 1-2 trận cho hết trách nhiệm.
Cũng vào đầu những năm 2000, bóng đá Việt Nam lên chuyên, mang trên mình màu cờ sắc áo, nhiều CLB bắt đầu quan tâm thực sự đến Cúp châu Á lúc này đã đổi tên thành AFC Champions League hoặc AFC Cup. Thành công nhất phải kể đến B. Bình Dương khi vào tới tận vòng bán kết AFC Cup 2009.
Chỉ có điều, cái khoảng cách về chuyên môn vẫn cứ là quá lớn cũng như việc kiếm tiền để nuôi đội bóng chỉ đá trong nước thôi cũng đã rất khó khăn. Điển hình là trận thua kinh hoàng hiện vẫn là kỷ lục "khó phá vỡ" của á quân V-League Đà Nẵng khi bị đội vô địch Nhật Bản Gamba Osaka đè bẹp với tỷ số... 0-15 tại bảng E AFC Champions League 2006.
Chính từ những trận thua kiểu "vỡ mặt" này đã khiến bóng đá Việt Nam dần bị gạt khỏi đấu trường chính AFC Champions League (vô địch V-League phải dự vòng sơ loại) để xuống giải đấu hạng 2 AFC Cup. Đó là chưa kể, hàng loạt các đội bóng trong nước không đủ tiêu chí chuyên nghiệp mà Liên đoàn bóng đá châu Á AFC quy định để có thể thi đấu tại AFC Champions League.
Đâu xa, năm 2018 dù là nhà tân vô địch của V-League nhưng CLB Quảng Nam lại không thể tham dự vòng sơ loại AFC Champions League vì không tham dự đủ tất cả các giải vô địch U trong nước (Quảng Nam dự 4 giải trẻ U13, U15, U19 và U21 nhưng lại không dự giải U17 quốc gia năm 2017). Khi đó, á quân FLC Thanh Hóa được cử thay thế, nhưng cũng "bị loại" ngay ở vòng sơ loại thứ 2.
3. Trở lại với AFC Cup 2019. Hà Nội FC và B. Bình Dương - 2 đại diện hàng đầu của V-League và cũng là 2 đội bóng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chuyên nghiệp của AFC để tham dự các Cúp châu Á đang có khởi đầu khá ấn tượng tại AFC Cup. Vậy cơ hội đi xa của 2 đội bóng này là bao nhiêu và đến đâu?
Thật khó để trả lời. Lý do là thể thức thi đấu của AFC Cup kể từ năm 2017 thay đổi khá phức tạp. Nếu trước đây các đội bóng ở bất kỳ khu vực nào của châu lục cũng đều thi đấu từ vòng bảng, rồi vòng 16 đội, tứ kết, bán kết và chung kết, thể thức này khiến nhiều đội di chuyển rất nhiều. Chưa kể, việc tốn kém lẫn cơ hội đi tiếp rất ít đã nảy sinh tiêu cực từ các đội bóng yếu, trong đó đã có lần dính tới CLB Ninh Bình năm 2014.
Thể thức mới được đưa ra nhằm khắc phục, các đội được chia thành 5 khu vực theo địa lý và thi đấu chọn ra 5 đội vô địch khu vực, sau đó là vòng đấu Liên khu vực và cuối cùng mới là trận chung kết tranh ngôi vô địch AFC Cup. Bên cạnh thay đổi thể thức thi đấu, AFC còn hỗ trợ mỗi CLB dự tranh AFC Cup khoảng 40.000 USD tiền di chuyển. Ngoài ra, vô địch ở khu vực được nhận thưởng 100.000 USD và vô địch AFC Cup là 1,5 triệu USD.
Dài dòng như thế, để thấy sau khi vượt qua vòng bảng con đường của 2 CLB Việt Nam còn khá dài. Trước hết Hà Nội FC và B. Bình Dương sẽ phải gặp Ceres–Negros (Philippines) và PSM Makassar (Indonesia) ở vòng bán kết Đông Nam Á. Sau đó 2 đội thắng sẽ vào chung kết tranh ngôi vô địch khu vực, rồi mới đến vòng đấu Liên khu vực, chung kết...
Chặng đường còn rất dài và khả năng tiến xa của Hà Nội FC và B. Dương vẫn là dấu hỏi khi ngay ở AFC Cup thôi, các đội bóng Tây Á, Trung Á và Đông Á cũng rất mạnh. Thực tế là hầu hết các CLB Đông Nam Á vẫn chưa đủ sức cạnh tranh. Vậy nên mục tiêu thực tế với 2 đại diện Việt Nam là càng tiến xa càng tốt, nhằm tích lũy thêm điểm để giúp bóng đá Việt Nam sớm đạt mục tiêu giành 1 suất chính thức ở vòng bảng AFC Champions League trong khoảng 2 mùa bóng tới.
Vấn đề là họ có "máu" hay không mà thôi.
CLB nào của Việt Nam tham dự Cúp bóng đá châu Á đầu tiên? Ít ai biết, bóng đá Việt Nam tham dự Cúp các CLB vô địch châu Á (C1) ngay từ khi giải đấu này được thành lập vào năm 1967. Trong hoàn cảnh đất nước khi đó, đội Thuế vụ của miền Nam Việt Nam tham dự, nhưng đã để thua Selangor FA (Malaysia) với tổng tỷ số 1-2 sau 2 lượt trận. Tới năm 1969, khi giải được tổ chức lần 2, đội Cảnh sát đại diện cho Việt Nam thi đấu đã hòa với Bangkok Bank (Thái Lan), thắng Manila Lions (Philippines) 7-0, thua Mysore State (Ấn Độ) 1-2, thua Yangzee FC (Myanmar) 1-4 xếp thứ 4 bảng A và bị loại. Và phải đến tận năm 1992, Hải Quan và Quảng Nam mới tham dự trở lại. |
Vũ Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất