Nợ thầy một lời xin lỗi

27/08/2014 11:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Khi vụ án cá độ, dàn xếp tỷ số của nhóm cầu thủ V.Ninh Bình bị phanh phui rồi trở thành án và mới đây Toà án Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đưa ra xét xử, nhiều người - trong đó có Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng - đánh giá rất cao vai trò của bầu Trường.

Theo tiết lộ của ông Lê Hùng Dũng tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2014, cái giá phải trả cho việc đưa ra ánh sáng góc khuất của đội bóng của bầu Trường là không hề rẻ: 500 tỷ đồng.

Theo lời kể lại, phần lớn các cầu thủ “dính chàm” đều đã lên tận phòng riêng xin lỗi bầu Trường và lặp lại điều này hôm đứng trước vành móng ngựa. Bản thân bầu Trường cũng chỉ đạo cấp dưới chủ động làm đơn xin giảm án cho nhóm cầu thủ cá độ, trong khi một số khác được cho là đã nhận những đặc cách tạm thời miễn truy tố.

1. “Tôi đã ngồi 3 tiếng đồng hồ với anh Trường để tính toán những phương án. Anh Trường nói rằng, nếu đưa vụ án ra lúc này thì chết, rằng anh ấy sẽ đi toi 500 tỷ đồng đầu tư vào bóng đá nhưng chống tiêu cực phải chống đến cùng. Song, tôi biết không chỉ có 9 người như danh sách đính kèm mà còn nhiều hơn nữa. Tôi biết họ là ai, từng người một và sẽ không bao giờ có chuyện họ được gọi lên đội tuyển quốc gia” - phát biểu của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2014.

Ông Dũng cho biết sẽ đề nghị với Thường trực VFF cũng như các bên có liên quan có án “kỷ luật mềm” với hành vi bỏ giải V-League (có lý do chính đáng) của V.Ninh Bình. “Công tội phân minh nhưng tôi cho rằng, cần có hình thức “kỷ luật mềm” với trường hợp của V.Ninh Bình. Tôi vẫn khuyến khích anh Trường trở lại với bóng đá, với V-League, có thể là 3 - 5 năm nữa nhưng là bằng nguồn lực đào tạo trẻ của CLB, chứ không phải đi mua cầu thủ”.

Bầu Trường chiếm phần lớn thời lượng trong những tường thuật của người trong cuộc, xung quanh vụ việc tiêu cực xảy ra ở V.Ninh Bình, đội bóng mà bầu Trường thậm chí không còn chính danh giữ vai trò chủ tịch. Cầu thủ, từng người một, xin ông bầu thứ lỗi còn VFF đánh giá cao nghĩa cử “tố giác và đấu tranh tiêu cực đến cùng” của ông bầu nổi tiếng kiệm lời và luôn thích hành động này.

2. Xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, từ đầu cho đến thời điểm các cầu thủ ra toà và nhận các án phạt, tuyệt nhiên, không một ai nhắc đến đội ngũ những người giúp việc cho ông Hoàng Mạnh Trường. Từ Chủ tịch Phạm Văn Lệ, đến HLV trưởng Nguyễn Văn Sỹ và đội ngũ trợ lý trong BHL.

Về mối quan hệ công việc và cả con người, đội ngũ này gần với cầu thủ hơn bất cứ bộ phận nào khác. Họ cũng nằm gai nếm mật cùng cầu thủ, cũng chịu chậm lương thưởng, họ là thầy của cầu thủ.

Không có ý so sánh, nhưng nếu bầu Trường là ông chủ tối thượng, người trả lương hàng tháng cho những đôi chân tiền tỷ, người cho một bộ phận đáng kể cầu thủ cũng như một số người có liên quan được cuộc sống sung túc thì HLV Nguyễn Văn Sỹ chính là cầu nối, người cho họ cái cần câu và tạo cho phần lớn những đứa em, đứa cháu cơ hội phát triển nghề nghiệp tại V.Ninh Bình. Ông Sỹ thậm chí đã hy sinh cả quyền lợi để ở lại hồi đầu mùa giải thay vì đã có thể tìm một bến đỗ tốt hơn.

Hỏi rằng Nguyễn Văn Sỹ có xứng đáng được nhận một lời xin lỗi không từ những đứa em, đứa cháu của mình, những cầu thủ trẻ mà trước khi qua mảnh đất Ninh Bình, hiếm người biết họ là ai ở thành Nam? Ở một chừng mực nào đó, cầu thủ có thể phải xin lỗi bởi họ đã phản bội thầy của mình.

Thế nhưng, cầu thủ chỉ xin lỗi bầu Trường, bởi họ biết ông Trường là người có quyền lực, có thể xin cho họ được giảm án. Nếu ngay cả việc xin lỗi còn mang nặng tính hình thức, cần được tính toán thiệt hơn thì đúng là chẳng còn gì để nói nữa!

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm