Bóng đá Việt Nam và Cúp châu Á: Ao, biển và cách chúng ta... bơi!

25/08/2023 05:15 GMT+7 | Bóng đá Việt

Hà Nội FC vừa rơi vào bảng đấu không phải là "tử thần" nhưng đó cũng chẳng phải là một bảng đấu dễ dàng khi có đến 3 đại diện đến từ 3 nền bóng đá mạnh nhất của khu vực Đông Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Thực tế thì ngay trước lễ bốc thăm, bảng đấu nào với Hà Nội FC cũng như nhau, tức là đều là những ngọn núi phải leo.

1. Cách phân chia theo khu vực địa lý của châu Á là một đặc thù quen thuộc và chuyện các CLB Việt Nam khi bước ra sân chơi châu lục sẽ phải gặp các đại diện Đông Á hùng mạnh gần như là đương nhiên. Trong 20 đội bóng được chia thành 5 bảng của khu vực 1 vòng bảng AFC Champions League có đến 11 đội đến từ các nền bóng đá này. Việc hy vọng rơi vào bảng đấu nhẹ gần như là không thể.

Năm 2019 Hà Nội FC có một trải nghiệm khá thú vị. Nhà vô địch Việt Nam thắng được Bangkok FC của Thái Lan nhưng vẫn không thể vượt qua Shangdong Luneng của Trung Quốc tại vòng sơ loại AFC Champions League. Sau đó, họ đá ở AFC Cup nhưng dù tiến đến trận bán kết thì cũng không gặp đối thủ nào đến từ khu vực Tây Á vì mới đá tại khu vực Đông Á.

Đội bóng do HLV Chu Đình Nghiêm dẫn dắt lúc đó dừng bước trước một đại diện của Triều Tiên. Nếu như ở cấp độ đội tuyển, chúng ta thường xuyên gặp các đội Tây Á và có nhiều kết quả thuận lợi thì tại cấp CLB, cũng chưa biết được sự chênh lệch trình độ giữa các đại diện Việt Nam và những đội từ Tây Á. Trong khi đó, với sự phát triển của các giải đấu ở Saudi Arabia và Qatar, UAE thì có thể các CLB còn mạnh hơn những đội bóng của Đông Á.

Hay nói cách khác, các CLB Việt Nam khi bước ra sân chơi AFC Champions League sẽ có nhiều thử thách lớn hơn cả khi đội tuyển quốc gia đá vòng loại World Cup. Không chỉ là câu chuyện về trình độ, mà sự hiểu biết cũng không thể tường tận bởi bản chất của các CLB là thay đổi qua từng mùa giải. Đơn cử như sự trỗi dậy của Saudi Pro League suốt năm qua.

2. Trước khi nói đến triển vọng của CLB Hà Nội FC, hãy quay lại trận đấu gần nhất của Hải Phòng FC tại vòng play-off AFC Champions League. Đó là trận đấu mà đội bóng do HLV Chu Đình Nghiêm dẫn dắt đã chơi rất đĩnh đạc, ít nhất là trong 90 phút đá chính thức. Chúng ta cũng có cơ hội trong giờ đấu thêm, chi tiết này cho thấy các CLB Việt Nam không còn xa lạ với các sân chơi đẳng cấp cao, nơi mà khoảng hơn chục năm trước gần như chỉ tham gia chiếu lệ.

Nhưng công bằng mà nói, tính cân bằng ở trận Hải Phòng – Incheon United đến từ các ngoại binh. Họ luôn là những người muốn thể hiện tại các trận đấu kiểu này, cũng là vì mục tiêu nghề nghiệp, muốn được các CLB hàng đầu châu Á quan tâm đến. Sự có mặt của các cầu thủ nước ngoài giúp cho năng lượng chơi bóng của các đồng đội cũng tốt hơn, nhất là ở khâu tranh chấp để giảm bớt các mối nguy hiểm trong tấn công của đội bóng đến từ Hàn Quốc.

Bóng đá Việt Nam và các Cúp châu Á: Ao, Biển và cách chúng ta... bơi!  - Ảnh 1.

Năm 2019, Hà Nội FC của Đỗ Hùng Dũng từng chơi rất ấn tượng ở vòng sơ loại AFC Champions League và sau đó là AFC Cup 2019. Ảnh: Hoàng Linh

Bên cạnh ngoại binh, chính cách chơi của Hải Phòng, một thứ bóng đá đang ngày càng "đặc sệt" phong cách của HLV Chu Đình Nghiêm, một trong những nhà cầm quân giàu cá tính nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Hãy nhớ đến chi tiết ông Nghiêm cũng là người cầm quân trong chiến dịch châu lục của Hà Nội FC năm 2019.

Khi đó, trong tay ông Nghiêm có khá nhiều cầu thủ giỏi, nhưng ở Hải Phòng, ông có ít cầu thủ tài năng hơn mà vẫn tạo ra được trận đấu tốt trước đại diện Hàn Quốc. Không thể lấy một trận đấu để đánh giá về tương quan giữa 2 làng cầu, nhưng qua  một vài chi tiết về con người, chúng ta thấy chuyện các CLB của Việt Nam có thể chơi bóng ở trình độ cao là hoàn toàn có thể.

3. Kết quả bốc thăm của Hà Nội cho thấy, cứ dự vòng bảng AFC Champions League thì chắc chắn chúng ta sẽ va đập với các làng cầu hàng đầu châu Á. Không thể né tránh được. Vì thế mà ngay từ đầu mùa giải, Hà Nội FC đã tuyển chọn HLV cũng như ngoại binh theo hướng "quốc tế hóa", đây là một cuộc chơi riêng của CLB và họ không có lựa chọn nào khác.

Nói như vậy để dễ hình dung, hoặc có thể phần nào thông cảm, nếu các CLB tỏ ra thờ ơ với việc phát triển cầu thủ trẻ theo nhu cầu của đội tuyển quốc gia. Chúng ta có thể không hài lòng, nhưng CLB cũng có cái lý riêng của họ. Một đội bóng như Hà Nội FC chẳng hạn, vừa phải đá tranh chấp chức vô địch mà còn phải vừa sẵn sàng cho đấu trường châu lục, làm gì còn không gian và thời gian cho những mục đích có tính "nghĩa vụ".

Mùa bóng AFC Champions League sắp đến sẽ đá song song cùng hệ thống thi đấu giải vô địch quốc gia, theo mô hình châu Âu. Điều này khiến cho CLB phải tăng dộ dày về nhân sự, họ buộc phải trọng dụng những người có kinh nghiệm cũng như ngoại binh. Họ không thể dùng cầu thủ trẻ đá V-League và dồn đội hình chính đá châu Á. Xét về chuyên môn, điều đó không hợp lý.

Tóm lại, để thoát khỏi vòng luẩn quẩn trong câu chuyện "ở trong ao hay ra biển lớn", việc tách bạch giữa nhiệm vụ của CLB và đội tuyển cần phải được thực hiện. Nói cho cùng, việc Hà Nội hay Hải Phòng chơi tốt ở đấu trường châu Á cũng là một hình thức đóng góp vào sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam.

Họ có thể không hoàn thành nhiệm vụ phát triển cầu thủ trẻ, nhưng các tuyển thủ quốc gia thì sẽ được tăng thêm trải nghiệm thi đấu quốc tế khi đá với các CLB hàng đầu của  Nhật Bản, Hàn Quốc. Sự hữu ích ấy không thể đong đếm được.

Cho đến tận bây giờ, tính từ khi Đồng Tháp là đội bóng đầu tiên đại diện Việt Nam có chiến thắng trước một đội bóng Ấn Độ ở AFC Cup hồi năm 1992 đến nay, vẫn chưa có CLB của Việt Nam nào vượt qua nổi vòng bảng AFC Champions League. Thành tích cao nhất vẫn là vào đến bán kết của đấu trường hạng 2, tức AFC Cup, mà thôi.

Đôi khi chúng ta xem điều đó là bình thường, nhưng công bằng mà nói, thách thức này cần phải được xem trọng không thể kém thành tích của đội tuyển quốc gia. Các CLB của chúng ta mà cứ gặp đại diện của Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều thua thì làm sao có thể nói trình độ của bóng đá Việt Nam đã tiếp cận đến tốp đầu châu lục cho được, bởi nó thể hiện V-League vẫn là một giải đấu hạng trung bình, và một giải đấu như vậy khó mà tạo ra  đội tuyển mạnh cho được. 

Theo kết quả bốc thăm AFC Champions League 2023/2024, Hà Nội FC nằm ở bảng J cùng với đương kim vô địch AFC Champions League Urawa Red Diamonds (Nhật Bản), đội vô địch Trung Quốc Wuhan Three Towns và Pohang Steelers, đội xếp thứ 3 K-League 1.

Tại AFC Champions League 2023/2024, các đội bóng được chia theo khu vực Đông và Tây. 20 đội của khu vực phía Đông được chia làm 5 bảng, mỗi bảng 4 đội. 5 đội nhất bảng cùng 3 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất sẽ bước vào vòng loại trực tiếp. Việc phân chia khu vực sẽ kéo dài đến tận bán kết nên trường hợp các đội bóng phía Đông chạm trán các đội bóng phía Tây thì chỉ xảy ra ở trận chung kết tranh Cúp vô địch.

Trong khi đó, tại AFC Cup 2023/2024, 12 đội ở khu vực ASEAN được chia vào 3 bảng, mỗi bảng 4 đội. 3 đội đứng đầu sau vòng đấu bảng cùng 1 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất sẽ vào bán kết khu vực. Đội vô địch của khu vực ASEAN sẽ dự vòng bán kết liên khu vực, nơi có sự góp mặt của các CLB tới từ khu vực phía Nam, Trung và Đông Á. Đội vô địch liên khu vực sẽ gặp đội vô địch khu vực phía Tây ở chung kết toàn giải AFC Cup diễn ra vào ngày 5/5/2024.

Theo kết quả bốc thăm, Hải Phòng FC lọt vào bảng H cùng các đội Hougang United (Singapore), Sabah FC (Malaysia) và PSM Makassar (Indonesia).

  

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm