Bóng đá Việt Nam từ nguồn cảm hứng thiếu niên

12/04/2025 05:49 GMT+7 | Bóng đá Việt

Những tín hiệu lạc quan đến từ U17 Việt Nam ở giải châu Á lứa tuổi có thể là một bất ngờ nhưng cũng có thể đó là một sự trùng hợp thú vị mà bóng đá Việt Nam đã không ít lần trải qua từ năm 2000 đến nay. Nghĩa là khi nền bóng đá đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kế thừa thì lại được truyền cảm hứng từ những chàng trai vẫn còn chưa trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp thực thụ.

1. Hồi năm 2000, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai một kỳ giải châu Á nhưng ở thời điểm đó, VCK U16 châu Á (nay là U17 Asian Cup) gần như ít được chú ý, diễn ra một cách lặng lẽ ở sân Chi Lăng (Đà Nẵng). Có nhiều lý do khiến giải đấu này ít được quan tâm. Đầu tiên là khi đó bóng đá trẻ Việt Nam chưa được xem trọng. Hệ thống các giải đấu tuổi U thậm chí còn chưa có, thế nên nòng cốt của đội U16 hồi năm 2000 đến từ "lò" SLNA, nơi được xem là cái nôi của bóng đá trẻ thời điểm đó.

Năm 2000 là lúc mà "Thế hệ vàng", những người khởi đi từ chiếc HCB SEA Games 1995, đã bước qua thời đỉnh cao. Bóng đá Việt Nam như một con tàu mất lái sau khi lần đầu tiên không có huy chương ở Tiger Cup 2000. Giải vô địch quốc gia khi đó đang trong tình trạng hỗn loạn vì tiêu cực đến mức mùa giải 1999 phải áp dụng điều lệ "đá tập huấn" chứ không tính danh hiệu chính thức. Những người bi quan khi đó còn tin rằng, bóng đá Việt rồi sẽ "mèo lại hoàn mèo" vì không thể nhìn thấy tín hiệu nào từ tương lai.

Thế rồi cơn địa chấn Chi Lăng xảy ra, từ chiến thắng 3-2 với siêu phẩm "lá vàng rơi" mà Phạm Văn Quyến thực hiện từ cú đá phạt vào lưới U16 Trung Quốc. Đó là chiến thắng đầu tiên của bóng đá Việt Nam trước một "đại gia" bóng đá châu lục. Màn trình diễn ngoạn mục ấy đã lần đầu tiên đưa một đội bóng Việt Nam vào tứ kết giải châu Á. Niềm tin trở lại, những Phạm Văn Quyến, Phan Như Thuật, Nguyễn Ánh Cường, Lâm Tấn, Nguyễn Minh Đức… trở thành ngôi sao. Và dù năm 2001, chúng ta có một kỳ SEA Games thảm họa khi bị loại ngay từ vòng bảng thì bóng đá Việt Nam đã cũng chính thức thay đổi hoàn toàn. V-League ra đời, hạng 3 Tiger Cup 2022, á quân SEA Games 2003 và đặc biệt là "cơn địa chấn" đánh bại đội bóng hạng 4 thế giới Hàn Quốc tại vòng loại Asian Cup 2004. Cái tên Phạm Văn Quyến chiếm trọn spotlight ở tất cả những thành tích đó suốt từ năm 2000, và đó cũng là lúc bóng đá Việt Nam có Thế hệ vàng 2.0.

Điều tương tự cũng đã xảy ra ở giai đoạn 2013-2016, khi đội tuyển quốc gia và U23 rơi vào một vòng xoáy không lối ra, đến mức giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam 2013 đã phải hủy bỏ vì không thể tìm ra một sự tích cực nào trong nền bóng đá để tổ chức. Nhưng một lần nữa, những người "thắp sáng" bóng đá Việt Nam lại chính là các chàng trai trẻ. Từ lứa U19 đến từ HAGL với lối chơi hoa mỹ kéo khán giả trở lại sân bóng trên khắp mọi miền đất nước, đến kỳ tích giành vé dự World Cup U20 của đội tuyển U19 và sau đó, là lần vào tứ kết thứ 2 của U16 Việt Nam. Như đã biết, sau đó là những gì đẹp đẽ nhất của bóng đá Việt với sự xuất hiện của HLV Park Hang Seo cùng với dòng máu trẻ trung của các lứa cầu thủ U19 các năm 2014-2016.

Câu chuyện thể thao: Nguồn cảm hứng thiếu niên  - Ảnh 1.

U17 Việt Nam đã mang đến hy vọng mới về lực lượng kế thừa ở ĐT Việt Nam trong tương lai gần. Ảnh: VFF

Bây giờ cũng vậy. Chức vô địch ASEAN Cup 2024 đến kịp thời để ngăn đà tuột dốc của bóng đá Việt Nam, nhưng trên thực tế, chúng ta đang ở một giai đoạn khá khó khăn trong việc tìm hướng đi cho tương lai, nhất là mục tiêu World Cup đã được giao trong Chiến lược 2030-2045. Không phải tự nhiên mà HLV Kim Sang Sik khẳng định phải tìm thêm các cầu thủ nhập tịch, vì không cần đến cái nhìn chuyên môn sắc sảo nào thì cũng thấy có một khoảng trống kế thừa phía sau đội tuyển quốc gia hiện tại.

Một lần nữa, chính U17 Việt Nam đã tạo điểm nhấn để hi vọng.

2. Nhìn lại quá khứ, đánh giá kỹ các giai đoạn thăng trầm của nền bóng đá, để thấy rằng chúng ta không phải lo lắng về bóng đá trẻ, thế nhưng sự chông chênh có tính chu kỳ của các đội tuyển cấp cao đã phản ảnh một vấn đề nghiêm trọng: Quá trình đầu tư cho sự phát triển bóng đá trẻ chưa được phù hợp.

Cần phải đặt câu hỏi: Tại sao các cậu thiếu niên đá bóng lại luôn đóng vai "người truyền cảm hứng" cho nền bóng đá. Không chỉ một lần. Tại sao chúng ta có thể nói một cách dễ dàng là "nền tảng nằm ở bóng đá trẻ" nhưng cho đến nay, từ U17 đến U21 vẫn chưa hề có một giải vô địch quốc gia đúng tiêu chuẩn theo hình thức "league" để các cầu thủ có thể tiếp cận sớm với môi trường chơi bóng gần với những gì mà họ sẽ kiếm sống trong tương lai. Số lượng trận đấu tuổi U càng ít, thì cơ hội để tỏa sáng, để hoàn thiện bản thân của các cậu thiếu niên sẽ không còn. Không có các trận đấu hàng tuần, đồng nghĩa với việc lãng phí những gì mà họ đã được học và hệ thống tuyển chọn của các đội tuyển U cũng sẽ không thể hoạt động hiệu quả.

Đã có một lần, VFF quyết định sẽ tổ chức giải đấu U song song cùng V-League nhưng Covid-19 ập đến đã khiến cho kế hoạch này không tồn tại. Các giải đấu Cúp QG tuổi U cũng chiụ chung số phận. Nghĩa là suốt từ năm 2000 đến nay, hệ thống thi đấu bóng đá trẻ gần như không thay đổi mặc dù bóng đá Việt Nam đã phát triển rất nhiều, tiền đổ vào bóng đá cũng rất nhiều, tiền doanh thu của VFF và VPF cũng tăng lên nhiều lần.

Rõ ràng, dù là lý do gì, thì bóng đá trẻ Việt Nam vẫn chưa có được sự đầu tư đúng mức. Mức phí đóng góp hằng năm từ bóng đá chuyên nghiệp chuyển sang cho VFF để chăm lo bóng đá trẻ gần như không tăng, vẫn đâu đó trên 10 tỷ đồng/năm. Các CLB chuyên nghiệp vẫn làm bóng đá theo kiểu "ỡm ờ", và điều đó đang khiến cho bóng đá trẻ đã không phát triển, mà còn có nguy cơ bị tác động xấu từ các đối tượng xấu. Các vụ việc bán độ gần đây của bóng đá Việt Nam đều thuộc về bóng đá trẻ, đó là một sự nguy hiểm với hậu quả khó lường.

Đừng để những kỳ dự giải châu Á chỉ là cuộc phiêu lưu mang theo hi vọng bất ngờ nào đó.

Có một chi tiết khá quan trọng, đó là cơ hội dự World Cup cho bóng đá trẻ đang rộng mở hơn cấp độ đội tuyển quốc gia. Sau U17, có thể U20 cũng sẽ được FIFA nâng số lượng đội tham dự. Nghĩa là ch cần vượt qua vòng bảng các kỳ ASIAN Cup là sẽ cầm vé dự World Cup trong tay. Với các đội trẻ của Việt Nam, điều đó không phải là bất khả thi. Từ năm 2014 đến nay, việc giành vé dự Asian Cup đã diễn ra khá đều đặn với các đội U, gần như năm nào chúng ta cũng đều có đại diện.

Nhưng cho dù cơ hội có mở rộng đến đâu, thì bản chất vấn đề vẫn nằm ở khả năng đầu tư. Bóng đá trẻ Việt Nam xứng đáng có được điều đó với những gì mà những chàng trai trẻ của chúng ta đã làm

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm