Bóng đá Việt Nam bắt đầu một vòng quay mới

20/10/2023 05:31 GMT+7 | Bóng đá Việt

Cuối tuần này, V-League sẽ trở lại để khởi đầu một vòng quay mới, nhưng lần này tương đối đặc biệt vì đánh dấu một mốc thời gian mà chúng ta sẽ chuyển sang thi đấu với mùa giải "vắt" sang 2 năm theo tiêu chuẩn chung của bóng đá thế giới.

Bóng đá Việt Nam cũng vì vậy, sẽ bước vào một chu kỳ mới mà ở đó, chúng ta cố sẽ không phải làm khác so với thế giới cả về suy nghĩ lẫn hành động.

1. Trở lại một chút với chuyện ở đội tuyển quốc gia, về việc HLV Philippe Troussier tận dụng 3 trận giao hữu FIFA Days tháng 10 để thử nghiệm tất cả các nhân tố mới mà ông "chấm" từ các đội U23 hay những giải đấu hạng Nhất, hạng Nhì.

Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ thấy là lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam thực hiện việc tập trung tuyển quốc gia theo các khuôn khổ của FIFA Days. Nghĩa là chúng ta chấp nhận cuộc chơi chung với bóng đá toàn cầu, không còn duy trì kiểu gọi số lượng lớn cầu thủ dài ngày mà chỉ ráp nối nhanh rồi đá giao hữu.

Nếu theo đúng kiểu trước đây, sắp đá vòng loại World Cup thì kiểu gì cũng sẽ tập trung tầm hơn một tháng, rồi ra nước ngoài tập huấn khoảng nửa tháng. Trong khi đó, dù hiện tại V-League không thi đấu nhưng đợt tập trung FIFA Days vừa qua chỉ diễn ra trong 15 ngày, đá đến 3 trận giao hữu, tức là chỉ có chưa đầy một tuần lễ để tập luyện, ráp nối đội hình.

Sắp đến, để đá 2 trận đầu tiên của vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á thì đội tuyển quốc gia cũng chỉ tập trung nửa tháng mà thôi, với dự kiến thời gian sẽ là 5 đến 21 tháng 11.

Phân tích một chút như vậy cũng để cảm thông cho việc HLV Troussier dùng các trận cầu hạng A ở FIFA Days để thử nghiệm một số cầu thủ trẻ. Nhiều người trong số họ có lẽ vẫn chưa đủ sức lên đội tuyển quốc gia nếu trong thời gian tới họ không ra sân thi đấu trong màu áo CLB.

Nhưng như đã nói, không kiểm tra khả năng hòa nhập của họ với đội tuyển vào lúc này thì chẳng còn lúc nào nữa. Cánh cửa lên đội tuyển đã được mở rộng hết mức, còn chuyện sau này có mở hay đóng, có lẽ phụ thuộc vào năng lực của chính cầu thủ.

2. Cũng là chuyện vòng quay bóng đá, thì các thất bại vừa qua đến từ đội bóng do ông Troussier dẫn dắt đã khiến cho dư luận "chia đôi". Một bên tin rằng cần kiên nhẫn với công cuộc thay đổi mang tính toàn diện của ông Troussier. Bên còn lại thì bi quan hơn, đặt ra phép so sánh với thành tích dưới thời của HLV Park Hang Seo và đánh giá những gì đang diễn ra không phù hợp với bóng đá Việt Nam, chúng ta cần quay về với lối tiếp cận trận đấu như cũ.

Nhưng… ai rồi cũng sẽ khác. Bóng đá là một vòng quay bất tận, và chẳng thể dừng lại cái vòng quay ấy để sửa chữa những gì đang diễn ra. Ví dụ như đội tuyển đang có vấn đề về tính kế thừa, cầu thủ trẻ không đạt chất lượng như lứa 2018, thì cũng đâu có thể một ngày, một buổi giải quyết được.

Bắt đầu một vòng quay mới - Ảnh 1.

Bóng đá Việt Nam cần có thật nhiều cầu thủ toả sáng ở châu Âu như Son Heung Min thì mới có thể thật sự vươn lên vị thế hàng đầu châu lục. Ảnh: Đoàn Nhật

Có muốn tìm ra một lứa cầu thủ hay như Quang Hải, Hoàng Đức, Công Phượng… thì đó là công việc của hệ thống đào tạo và thi đấu ở các giải trẻ. Còn hiện tại, học cách chấp nhận thực tế đó và làm những gì mà ông Troussier đang làm: Tìm một cách chơi mới dựa trên những gì ông đang có trong tay.

Một yếu tố mang tính "vòng quay" khác, đó là những kết quả thi đấu. Sự phát triển bóng đá luôn theo biểu đồ hình sin. Có lên đỉnh cao rồi cũng có lúc phải ở phía bên kia sườn dốc để rồi tìm cách đi lên trở lại.

Bóng đá phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố con người. Nhật Bản hiện đang thi đấu tốt ở World Cup và các trận giao hữu vì họ đang có trong tay cả chục cầu thủ chơi bóng tại các giải đấu hàng đầu châu Âu. Đó là đỉnh cao của quá trình hơn 20 năm xuất khẩu cầu thủ của họ kể từ thời Hidetoshi Nakata khoác áo AS Roma. Với Hàn Quốc, trận đấu với Việt Nam vừa qua họ có đến 13 tuyển thủ đang chơi bóng ở nước ngoài, bao gồm 10 người đá tại châu Âu và có cả ngôi sao Son Heung Min.

Hồi World Cup 2010 tại Nam Phi, khi Son chưa nổi tiếng, thì Hàn Quốc chỉ có 5 người đá tại châu Âu mà thôi, bao gồm Park Ji Sung khoác áo Man United. Vậy mà lúc đó Hàn Quốc đã có lần đầu tiên vượt qua vòng bảng tại một kỳ World Cup được tổ chức bên ngoài lãnh thổ của mình. Phải đến World Cup 2022 vừa rồi Hàn Quốc mới tái lập thành tích đó dù xét về mặt lực lượng còn tốt hơn trước.

Bóng đá Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao từ ghế huấn luyện, đến cầu thủ và cả tham vọng, vì thế không thể tránh khỏi sự trồi sụt về thành tích, lối chơi và cả năng lực trình diễn. Đem đội tuyển hiện tại so sánh với giai đoạn 5 năm đỉnh cao vừa qua là không phù hợp. Giữ được đẳng cấp như cũ đã khó, huống hồ gì mục tiêu của chúng ta còn cao hơn trong khi yếu tố con người lại chưa chắc đã hoàn toàn ưng ý.

3. Ông Troussier có thành công hay không? Đội tuyển Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á không? Chẳng thể nói trước được. Nếu nhìn ở những gì trước mắt, càng khó mà có niềm tin mạnh mẽ.

Nhưng như việc V-League chuyển sang thi đấu theo thể thức mới và thay đổi cách tập trung đội tuyển, thì có những việc phải học cách chấp nhận. Bản thân các CLB không hề muốn kéo dài thời gian thi đấu theo hình thức mới, nó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kiếm tiền cũng như việc ký hợp đồng với cầu thủ của họ, nhưng đã tham gia cuộc chơi thì phải chịu.

Thể thức thi đấu mới sẽ buộc các CLB phải lo cho bóng đá trẻ nhiều hơn để có lực lượng "cây nhà lá vườn" giá rẻ, giảm áp lực tài chính để đi đường dài.

Không phải tự nhiên mà tại Đại hội thường niên VFF vừa qua có đưa ra định hướng sẽ xem xét về số lượng các CLB chuyên nghiệp cho phù hợp. Có lẽ họ cũng dự báo được sự sụt giảm số lượng khi nhiều đội bóng vẫn đang trong tình trạng lấy tiền của mùa sau để lo cho mùa trước, chạy ăn từng bữa, không trụ nổi khi mùa giải kéo dài. Biết làm sao được, đó là một vòng quay không còn dành cho kiểu "lướt sóng" từng năm một như trước đây. 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm