23/01/2018 08:24 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Qatar giàu có, điều đó ai cũng biết. 200 tỷ USD đã được đổ vào xây dựng cơ sở hạ tầng cho World Cup 2022, bao gồm một mạng lưới đường sắt, khách sạn, các cung đường. Tiền bạc không là vấn đề với quốc gia giàu có nhờ dầu mỏ này. Vấn đề của họ là con người.
Với dân số không quá 400.000 người, xây dựng được một nền bóng đá không hề dễ. Qatar có quá ít tài năng để lựa chọn.
Học viện Aspire - trái tim của bóng đá Qatar
Vì lẽ đó, năm 2004, Học viện đào tạo trẻ Aspire được thành lập bởi Hoàng gia Qatar. Ngồi trên ghế sofa ở văn phòng, Giám đốc Aspire ông Ivan Bravo, người đến năm 2010 vẫn là Giám đốc chiến lược tại Real Madrid, nói về tham vọng của bóng đá Qatar. "Giống như Tây Ban Nha trước Olympics 1992. Sau khi phát triển về kinh tế, đã đến lúc xây dựng vị thế trên trường quốc tế. Điều khiến cho Tây Ban Nha tự tin với phần còn lại của thế giới chính là thể thao, đầu tiên là Thế vận hội Barcelona, sau đó là Real Madrid, Barcelona, rồi đến Rafael Nadal..."
Để kiếm tìm tài năng phục vụ cho tham vọng đó, các tuyển trạch viên Aspire mỗi ngày đều lùng sục ở khắp các trường tiểu học trên đất nước. Họ tìm kiếm những đứa trẻ có tố chất khi chúng mới 6 tuổi để đưa vào tầm ngắm. Đến năm 11 tuổi, họ lựa chọn khoảng 400 trẻ cho lớp tiền học viện, trao 25 suất học bổng mỗi năm.
Toàn bộ chi phí theo học ở Aspire đều được nhà nước đài thọ. Dưới sân tập có mái vòm xanh, những học viên của Aspire được giám sát bởi các HLV có tiếng tăm đến từ các giải đấu hàng đầu Tây Ban Nha, Đức và Anh. Pele và Maradona là những cựu danh thủ từng được mời đến để giảng dạy. Các thủ môn được huấn luyện bởi Iker Casillas và Manuel Neuer. Người huấn luyện các cầu thủ kỹ thuật đá phạt là Xavi Hernandez. Xavi, với bản hợp đồng trị giá 7 triệu bảng Anh/năm với Aspire, đang tìm cách đưa tiki-taka vào bóng đá Qatar.
Thay đổi định kiến xã hội
Thủ thành Muhannad Hussein là một trong những sản phẩm đời đầu của Học viện Aspire. Hussein được phát hiện tài năng lúc 8 tuổi, khi còn chơi bóng ở sân trường thuộc vùng ngoại ô giàu có ở phía Bắc Doha. Anh đến từ gia đình trung lưu, có bố là kỹ sư máy tính IBM. Giáo viên của Hussein đã phát hiện ra tài năng của anh và đề nghị tham gia 1 CLB. Đó là năm 1999 và bóng đá vẫn là môn thể thao lạ lẫm với người dân Qatar. "Cha mẹ tôi không cho tôi đi tập. Họ nghĩ bóng đá là một trò chơi không phải là công việc có thể đem lại thu nhập. Họ muốn tôi làm công việc bình thường như thương gia, kỹ sư, bác sĩ, phi công...", Hussein kể lại.
Giờ đây, với sự đầu tư mạnh mẽ của nhà nước vào bóng đá, định kiến xã hội đã thay đổi. Các CLB không cần bỏ tiền để mời các công nhân vào sân lấp chỗ trống trên khán đài. Ông Alaaaedldin, một kỹ sư xây dựng có 2 con trai đang được đào tạo ở Aspire, cho biết. "Ở Qatar bây giờ, một cầu thủ bóng đá tốt hơn một kỹ sư dân dụng. Họ cho cầu thủ tất cả mọi thứ".
Một cầu thủ Qatar 21 tuổi có thể kiếm được 300.000 USD, thậm chí là 800.000 USD/năm. Thậm chí, họ còn nhận được tiền cho mỗi lần ra sân tập. Ở cấp độ đội tuyển, họ có đoàn tùy tùng khiến các đối thủ phải ghen tỵ, bao gồm 1 chuyên gia dinh dưỡng, đội ngũ bác sĩ, chuyên gia phục hồi thể lực, 2 nhà vật lý trị liệu, 2 người chăm sóc trang phục, một nhà phân tích chiến thuật video và 3 HLV.
Sự chăm chút cho đào tạo trẻ đã giúp Qatar sản sinh ra lứa cầu thủ tài năng trong đội hình U23 hiện tại với sự dẫn dắt của HLV người Tây Ban Nha Felix Sanchez. Ông Sanchez từng làm việc tại lò đào tạo La Masia nổi tiếng của Barcelona, gắn bó với bóng đá trẻ Qatar đã 10 năm nay. Với ông Sanchez, U23 Qatar của hiện tại không chỉ là một đội bóng, đó còn là kết tinh của một chiến lược đào tạo dài hạn, có quy mô.
"Tôi tự hào với thế hệ cầu thủ này. Tôi tin rằng đây là thành công đáng ghi nhận của bóng đá Qatar", ông Sanchez nói trước khi bước vào trận bán kết U23 châu Á gặp U23 Việt Nam.
Khánh Đan
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất