03/08/2023 08:04 GMT+7 | Bóng đá Việt
Đó là cách mà HLV Mai Đức Chung "tổng kết" về cuộc hành trình lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam. Với một người đang nói những lời cuối cùng trong sự nghiệp bóng đá đồ sộ của mình, đúc kết đó cần được ghi nhớ và hành động để thay đổi.
Nếu tính từ trận giao hữu với đội tuyển nữ Đức đến trận cuối cùng với Hà Lan, đội tuyển nữ Việt Nam chơi 6 trận, thủng lưới 25 bàn và chỉ ghi được 1 bàn. Trung bình chúng ta chỉ kiểm soát bóng 33%, tung được tổng cộng 9 cú sút nhưng chỉ có 3 là đi đúng hướng và cũng đúng 1 tình huống thực sự nguy hiểm kết thúc bằng bàn thắng của Thanh Nhã vào lưới đội tuyển Đức. Tính luôn các trận giao hữu để thấy rõ những thất bại ở World Cup là đương nhiên, không có bất ngờ nào cả.
Như chúng ta đã thấy, càng đi sâu vào giải, mọi thứ càng vượt quá tầm kiểm soát của các cô gái Việt Nam. Khi đó, sức mạnh tinh thần hay kỹ thuật cá nhân chỉ là một khái niệm làm giảm đi số bàn thua, không thể giúp chúng ta đạt được các mục tiêu thuần túy chuyên môn.
Trong sự nghiệp huấn luyện của mình, có lẽ HLV Mai Đức Chung cũng chưa từng đối diện với cảm giác bất lực như tại World Cup 2023. Trong cuộc chơi vĩ đại này, mọi thứ không do chúng ta quyết định, nhưng thật may mắn, các cầu thủ Việt Nam vẫn giữ được tinh thần của mình, thứ phẩm chất duy nhất mà chúng ta tự tin không thua kém.
Nhưng như HLV Mai Đức Chung đã nói, phải có cách khác để tiếp cận đến trình độ World Cup. Chỉ có điều, đó là chuyện của tương lai, không đơn giản muốn là làm được.
Sự phát triển của bóng đá nữ thế giới đang có nhiều thay đổi, hay nói đúng hơn, khi giá trị tiền thưởng và các ưu đãi mà FIFA dành cho bóng đá nữ tăng lên thì sẽ có nhiều quốc gia khác sẽ thúc đẩy các nền bóng đá nữ của họ.
Lấy ví dụ như Hà Lan, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha cách đây khoảng 15 năm vẫn còn chưa dự World Cup nhưng giờ thì họ trỗi dậy ghê gớm trong giai đoạn rất ngắn. Tốc độ phát triển ấy, chúng ta không thể bì kịp. Nói đơn giản là nếu chúng ta tiến 1, có khi các quốc gia khác sẽ tiến 2 - 3 lần.
Thế nên việc quan trọng bây giờ là "quay chậm" toàn bộ 6 trận đấu vừa qua, càng chậm càng tốt. Chúng ta không biết phải làm gì nếu không nắm rõ các giới hạn lớn nhất của mình. Số pha tấn công của chúng ta quá ít, nếu không nói là ở dưới mức tối thiểu. Không cầm được bóng để tấn công, thì mọi toan tính bàn thắng hay điểm số sẽ vô nghĩa.
Trong một hoàn cảnh có sự khác biệt lớn về trình độ, cũng dễ hiểu khi không thể chấm điểm cho từng tuyển thủ Việt Nam tại giải lần này. Ngôi sao lớn nhất là Huỳnh Như, thực tế cũng chẳng có đất diễn. Tốc độ của Thanh Nhã cũng không thể gây khó trước sự va đập dữ dội với các đối thủ to lớn. Sự xuất sắc của Kim Thanh sẽ bị chìm khuất sau các tỷ số thua quá đậm dù cô chẳng có lỗi gì.
Thế nên, câu chuyện cần giải quyết ngay đó là chiến thuật, là kinh nghiệm, là sức bền của các đội tuyển chúng ta. Việc chờ đợi vào những biến đổi về mặt thể hình, sức mạnh thể chất là không thực tế, nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực, các trải nghiệm của đội tuyển nữ tại World Cup 2023 mở ra không ít động lực cho tương lai.
Ví dụ như các trận thua của Việt Nam phần lớn nằm trong hiệp 1, với 9/12 lần thủng lưới. 3 trận giao hữu trước đó cũng vậy, bàn thua hiệp 1 chiếm đến 60 - 70%. Con số này cho thấy nếu có cách tiếp cận trận đấu, lựa chọn chiến thuật tốt hơn thì chúng ta sẽ tạo được sự cân bằng tương đối, làm giảm bớt tỷ lệ thua trận hiện lên đến 90% nếu căn cứ vào dự báo trước mỗi trận đấu.
Đơn giản, là chúng ta có thể vẫn sẽ tiếp tục thua khi dự World Cup kỳ tới, nhưng chí ít cũng khiến cho đối thủ phải vất vả mới thắng được. Cần thực tế như vậy. Nên như vậy. Vì hãy nhớ rằng, bóng đá nữ Việt Nam đã trải qua kỳ World Cup lịch sử rồi, đã qua lần đầu tiên, lần sau không thể cứ bỡ ngỡ và hy vọng tinh thần sẽ giúp chúng ta tạo nên kỳ tích…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất